“Mạng lưới các Hội trí thức kiều bảo hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và Thương mại hóa công nghệ” đã mời được 21 vị chủ tịch các Hội tri thức người Việt ở nước ngoài, đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng tham gia.
Ngày 04/12/2021, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Văn phòng Đề án 844 (Bộ Khoa học Công nghệ) cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Kết nối chuyên gia kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia” và ra mắt “Mạng lưới các Hội trí thức kiều bảo hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và Thương mại hóa công nghệ”.
“Mạng lưới các Hội trí thức Kiều bào hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ” đã vinh dự mời được 21 vị chủ tịch các Hội tri thức người Việt ở nước ngoài, đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng tham gia. Điều này đã mở ra hướng đi mới cho việc tăng cường kết nối mạng lưới chuyên gia, người Việt tại nước ngoài và tối ưu hóa nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, với hai định hướng chính: Thứ nhất, thông tin về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam sẽ được truyền tải một cách đầy đủ, liên tục và cập nhật nhất đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Thứ hai, sự hợp tác giữa 2 bên là đòn bẩy giúp thu hút và thúc đẩy vai trò, sự tham gia của các chuyên gia người Việt Nam tại nước ngoài với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong nước.
Phát biểu Khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu khẳng định, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ phát huy vai trò kết nối các chuyên gia trí thức kiều bào tham gia sâu hơn nữa vào các hoạt động khoa học công nghệ trong nước và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam thông qua việc thành lập “Mạng lưới các Hội trí thức kiều bảo hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và Thương mại hóa công nghệ”. Đây là Mạng lưới được Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Ngoại giao bảo trợ. Ông Phạm Quang Hiệu bày tỏ hy vọng thông qua Mạng lưới này, các cơ quan quản lý nhà nước có thể phát huy nguồn lực, cũng như lắng nghe phản hồi từ kiều bào về những vướng mắc khi tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng chia sẻ: “Bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra đến hôm nay tròn 2 năm, 2 tuần, 2 ngày, đã tạo ra nhiều vấn đề kinh tế, xã hội cho tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các vấn đề về bảo đảm an ninh, y tế, chuỗi cung ứng hàng hóa, hệ thống giáo dục, du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, nhìn về mặt tích cực, đại dịch cũng đã tạo ra áp lực lên tất cả các quốc gia về việc thay đổi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ, thực hiện chuyển đổi số.
Tại Việt Nam chúng ta cũng không phải ngoại lệ. Từ các tập đoàn lớn, lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa đến các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đều phải có điều chỉnh trong phương thức vận hành, ứng dụng KH&CN trong quản lý, điều hành, sản xuất, tương tác, điều chỉnh mô hình kinh doanh theo hướng thích ứng, linh động hơn với bối cảnh. Ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội cũng phải có những giải pháp ứng dụng KH&CN để bảo đảm công việc, hoạt động của tổ chức.
Đây chính là cơ hội lớn để các giải pháp sáng tạo, kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được ứng dụng, thương mại hóa, đưa vào đời sống thực tiễn. Trong bối cảnh này, sự ra đời của Mạng lưới sẽ giúp thúc đẩy kết nối trí tuệ của lực lượng chuyên gia, trí thức người Việt tại nước ngoài, tối ưu hóa nguồn lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong nước ta. Phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Về mặt mục đích thời gian đầu của Mạng lưới có 02 định hướng chính: Thứ nhất, thông tin về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam sẽ được truyền tải một cách đầy đủ, liên tục và cập nhật nhất đến cộng đồng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Thứ hai, ở chiều ngược lại, thông tin về các thế mạnh của chuyên gia, trí thức kiều bào cũng sẽ được tập hợp và công bố để hướng tới các hoạt động liên kết tiềm năng. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã giao Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Đề án 844 phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cùng tổ chức các buổi làm việc với các vị chủ tịch hội nhằm xây dựng kế hoạch hành động hàng năm cho mạng lưới. Từ đó tham mưu Lãnh đạo 02 Bộ các giải pháp cụ thể phối hợp với các đơn vị đang triển khai các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong nước, trước mắt là các Trưởng làng công nghệ trong khuôn khổ sự kiện Techfest”.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng tin tưởng rằng, từ những đóng góp chân thành, thực tế của các vị chủ tịch hội trí thức, chuyên gia kiều bào là nguồn thông tin quý báu, đặt nền móng cho việc hoàn thiện cơ chế hoạt động của Mạng lưới Các hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ, từ đó hướng Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam vươn tầm thế giới.
Theo Cafef.vn