Sẽ còn một số việc cần cân nhắc để đảm bảo tương lai sự nghiệp, cho dù bạn vừa “sống sót” sau đợt sa thải của công ty.
Việc sa thải nhân viên không phải lúc nào cũng có nghĩa là công ty đang gặp rắc rối về tài chính. Đó có thể là công ty gần đây đã sáp nhập với một đơn vị khác hoặc thay đổi chiến lược nên cần cắt giảm người.
Đôi khi, các công ty sẽ sa thải nhân viên nhiều đợt. Do đó, nếu bạn vẫn còn được giữ lại làm việc sau một lần sa thải nhưng lo lắng về vị trí của mình trong thời gian tới thì đây là 10 việc nên làm.
Theo dõi thị trường tuyển dụng
Amanda Augustine, Chuyên gia nghề nghiệp tại TopResume, khuyến nghị người lao động luôn đảm bảo đã chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, ngay cả khi họ vừa vượt qua đợt sa thải ban đầu.
Theo cô, những người chuyên nghiệp là những người luôn để mắt đến các cơ hội lớn hơn, ngay cả khi họ không muốn nhảy việc ngay lập tức. Do đó, dù vẫn còn được ở lại công ty nhưng hãy cập nhật sơ yếu lý lịch cá nhân (CV) và nắm bắt về các diễn biến của thị trường tuyển dụng.
Tìm hiểu kế hoạch của công ty
Thực tế, việc sa thải xảy ra cho thấy điều gì đó trong mô hình kinh doanh của công ty đã thất bại, Marc Cenedella, nhà sáng lập và CEO Ladder cho biết. Do đó, công ty của bạn phải có kế hoạch điều chỉnh để trở lại đúng hướng.
Vì thế, hãy tìm hiểu xem các cấp trên có kế hoạch gì để phục hồi công ty sau đợt sa thải. Nếu bạn không thấy họ có bất cứ động tĩnh gì đổi mới để thay đổi tình hình, bạn nên có tâm thế tìm nơi khác.
Theo dõi thay đổi trong văn hóa công ty
Chuyên gia Lynn Taylor, tác giả quyển “Tame Your Terrible Office Tyrant: How to Manage Childish Boss Behavior and Thrive in Your Job”, khuyến nghị xem xét văn hóa làm việc của công ty sau đợt sa thải. Nó có thể là dấu hiệu cho đợt sa thải tiếp theo và thậm chí là đến lượt bạn phải ra đi. Một số điểm cần lưu ý gồm:
– Thay đổi về chất lượng xử lý các khiếu nại của bạn của phòng nhân sự.
– Sự thiếu thân thiện giữa các nhân viên hoặc cấp trên.
– Không khuyến khích khởi động các dự án mới hoặc thiếu sự đổi mới.
– Bạn bị loại ra các cuộc họp hoặc bị sếp bỏ qua trong các dự án gần đây.
Cảnh giác nhiều cuộc họp kín hơn trước
Nếu sếp của bạn tổ chức nhiều cuộc họp với các nhân viên nhân sự, chuyên gia tư vấn hoặc giám đốc cấp cao hơn, công ty có thể sẽ còn tiếp tục muốn sa thải. Taylor khuyến nghị nên chú ý đến tín hiệu này.
Hỏi về kế hoạch sa thải tiếp theo
Nếu bạn có mối quan hệ tốt với người quản lý của mình, chỉ cần hỏi họ về kế hoạch sa thải tiếp theo của công ty.
Ngay cả khi những người cấp cao hơn không cho phép sếp bạn tiết lộ chi tiết, một cuộc trò chuyện có thể giúp tìm hiểu xem vai trò của bạn có thay đổi hay không. Nếu bạn cảm thấy trách nhiệm của mình đang bị thu hẹp thay vì gia tăng, đó có thể là một dấu hiệu bạn nên tìm nơi làm khác.
Tìm lời khuyên bên ngoài
Đôi khi, công ty trấn an rằng mọi chuyện sẽ tốt hơn nhưng bạn vẫn có cảm giác bất an về một đợt cắt giảm nhân sự mới sẽ đến.
Trong tình huống này, Taylor khuyên hãy viết ra những thay đổi mà bạn nhận thấy kể từ đợt sa thải trước. Sau đó, trò chuyện với một người cố vấn đáng tin cậy, bạn bè hoặc đồng nghiệp cũ. Đôi khi, những người này sẽ đủ tỉnh táo để cho bạn lời khuyên trước những thông tin mà bạn ghi chép lại.
Tìm hiểu liệu bạn có nhận việc của người đã ra đi
Đôi khi, một số người nghỉ việc sẽ là cơ hội cho những nhân viên còn lại, có cấp thấp hơn, đảm nhận các công việc trước đây chưa được giao. Tuy nhiên, những nhân viên cấp thấp thường phải học hỏi thêm kỹ năng để có thể thay thế vai trò của người đã nghỉ. Do đó, nếu nghĩ rằng mình làm được, bạn có thể chủ động đề xuất cấp trên được thử thách hoặc đảm nhiệm thêm công việc còn trống đó.
Bớt lo lắng khi các tài năng vẫn ở lại
Nếu sa thải xảy ra nhưng những người tài năng nhất vẫn ở lại thì công ty của bạn có thể sẽ phục hồi. Cenedella nhớ lại việc đã tiếp cận các kỹ sư giỏi nhất mà ông biết tại Uber sau tin tức về việc sa thải. Các kỹ sư nói rằng không chỉ họ an toàn mà tất cả những nhân viên giỏi nhất đều vẫn tiếp tục làm việc.
Đó chính là dấu hiệu cho thấy việc sa thải không nhất thiết phải cắt giảm những công nhân tốn kém lương thưởng nhất, mà là những đội sản xuất không hiệu quả.
Xem lại cả ngành bạn đang làm
Nếu các tin tức nói rằng toàn bộ ngành công nghiệp bạn đang làm suy giảm thì bạn có thể cũng không mấy triển vọng nếu nhảy việc sang một công ty đối thủ của công ty hiện thời. Do đó, bạn thậm chí cần đổi hẳn lĩnh vực.
“Nếu thực sự biết rằng ngành công nghiệp của bạn suy sụp thì bạn phải tập trung vào việc làm thế nào để đánh giá lại các kỹ năng và nền tảng của bản thân cho một ngành công nghiệp mới và vai trò mới”, Cenedella nói.
Dành 4-6 tháng tìm việc nếu muốn chủ động ra đi
Nếu bạn muốn chủ động nghỉ việc sau đợt sa thải đầu tiên nhưng vẫn còn phân vân, thì theo Cenedella, nên dành 4-6 tháng để săn lùng công việc với mức lương mơ ước.
Trường hợp bạn đã phỏng vấn nửa năm và các công ty đều đề nghị mức lương và vị trí tương tự như hiện tại thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy việc tìm kiếm chỗ làm mới chưa đạt.
Theo VnExpress