Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

VIDA thúc đẩy khởi nghiệp nông nghiệp số

Ban khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp số trực thuộc VIDA được thành lập nhằm kết nối và đẩy mạnh lĩnh vực nông nghiệp thời đại số.

Ngày 27/10, tại Hà Nội, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) công bố quyết định thành lập Ban khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp số với mục tiêu thúc đẩy các đơn vị khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển thời gian tới. Ban sẽ có chức năng như: xây dựng kế hoạch, thu hút hỗ trợ các doanh nghiệp trong cả nước và kết nối các dự án khởi nghiệp với các doanh nghiệp.

Sau màn ra mắt, đại diện cộng đồng khởi nghiệp và nông nghiệp Việt Nam cùng nhau bàn thảo về tương lai của nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hậu Covid-19 cũng như những thách thức đối với công ty khởi nghiệp về nông nghiệp trong nước. Sự kiện được kết nối trực tuyến giữa đầu Hà Nội và TP HCM.

Ông Trương Gia Bình (áo cam) – Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), bà Nguyễn Thị Thành Thực – Ủy viên Ban chấp hành VIDA cùng các chuyên gia tại sự kiện. Ảnh: Tuấn Cao.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần tìm cách để xây dựng vị thế cường quốc trong nông nghiệp. Để làm được điều này, cần phải thay nông nghiệp truyền thống thành nông nghiệp khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại như máy bay không người lái, hay IoT để tăng năng suất, chất lượng cũng như sức cạnh tranh cho nông sản Việt.

Đánh giá về xu hướng, theo ông Nguyễn Trọng Huy – CLB Khởi nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Covid-19 khiến hành vi tiêu dùng của khách hàng thay đổi mạnh mẽ, nhu cầu thực phẩm tăng lên, trong khi đó tại Việt Nam, cả 63 tỉnh thành đều có thể làm nông nghiệp.

Tiềm năng để phát triển nông nghiệp của Việt Nam rất lớn. “Nếu tận dụng thời cơ thì trong năm nay và 5 năm tiếp theo, Việt Nam có thể thoát ra khỏi nông nghiệp truyền thống để canh tác kiểu mới. Theo đó, ứng dụng công nghệ sâu hơn, từ bỏ tư duy sản xuất manh mún, tạo ra chất lượng sản phẩm và gây dựng sức cạnh tranh cho thương hiệu nông sản Việt”, ông Huy nhấn mạnh.

Ông Trương Gia Bình. Ảnh: Tuấn Cao.

Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam đã khó, nhưng khởi nghiệp trong giai đoạn Covid-19 còn khó khăn hơn. Theo ông Huy, thách thức với các đơn vị khởi nghiệp trước tiên là vấn đề pháp lý và tiếp theo là thiếu tính liên kết. “Công ty nào cũng muốn làm từ đầu đến cuối, không hợp tác với nhau, và lo sợ đối tác sẽ trở thành đối thủ”, ông nói

Xuất phát từ góc nhìn thực tế của chính doanh nghiệp, từ đầu cầu TP HCM, ông Trần Đức An – Giám đốc Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh đồng tình với quan điểm, trong giai đoạn đầu khi mới khởi nghiệp công ty gặp vấn đề lớn khi đăng ký sở hữu trí tuệ, bản quyền, logo, phải mất 1 đến 2 năm mới có kết quả. Đây thực ra là vấn đề chung mà các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam gặp phải.

Vấn đề vốn cũng là thách thức mà doanh nghiệp nông nghiệp gặp phải. Vị lãnh đạo này cho biết, từ khi thành lập công ty, chưa có bất kỳ nguồn vốn nào tiếp cận, phần lớn ông phải tự đi tìm. Trong khi vốn vay ngân hàng, các thủ tục tài chính phức tạp, doanh nghiệp không thể vay số lượng lớn.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực. Ảnh: Tuấn Cao.

Thừa nhận giới khởi nghiệp nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, bà Nguyễn Thị Thành Thực – Ủy viên Ban chấp hành VIDA cho rằng, trong khởi nghiệp nông nghiệp, sự linh hoạt, sáng tạo là yếu tố quan trọng. Sáng tạo sẽ giúp các công ty sẽ học hỏi và ứng dụng tốt hơn, thích ứng được với những thay đổi nhanh chóng của thị trường.

Để trả lời cho câu hỏi phải làm gì khi đứng trước khó khăn. Ông Trương Gia Bình cho biết: “Khởi nghiệp tức là vượt khó, nếu vượt lên khó khăn, kiên trì thì sẽ thu được quả ngọt. Kinh nghiệm của những người khởi nghiệp thành công là không bao giờ chùn bước, liên tục đi tìm lời giải đúng và ở đâu đó sẽ luôn có quả ngọt đang chờ”.

Trong giai đoạn Covid-19, giới startup cần phải có tư duy mới, liên kết với các công ty khác nhằm tương hỗ và cùng bứt phá.

Theo VNE