Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Tỷ phú gốc Á lọt top 500 người giàu nhất hành tinh

Với doanh thu hàng năm gần 400 triệu USD, Zoom được đánh giá là kỳ lân công nghệ hiếm hoi IPO trong trạng thái kinh doanh có lãi. Công ty có khoảng 50.000 khách hàng doanh nghiệp, trong đó có một số cái tên nổi bật như Uber, Walmart và Capital One.

Eric Yuan là nhà sáng lập của Zoom, công ty cung cấp giải pháp họp trực tuyến hiện có hơn 2.000 nhân viên, đạt hơn 120 triệu USD doanh thu hàng quý, vốn hóa thị trường đạt mức trên 20 tỷ USD và kinh doanh có lãi. 

Sau IPO, Zoom đã đạt được giá trị thị trường khổng lồ cùng hàng trăm triệu USD trong ngân hàng để tiếp tục phát triển. Còn Eric Yuan, người sở hữu 20% cổ phần công ty đã trở thành tỷ phú ở tuổi 49 khi lượng cổ phần này trị giá 3,2 tỷ USD. Ông là một trong những tỷ phú nhập cư mới nhất của làng công nghệ trong năm nay.

Tuy đã trở thành tỷ phú thế giới nhưng Yuan khá kín tiếng và giản dị. Ít ai biết rằng đằng sau thành công khá muộn của ông là một câu chuyện về sự kiên trì và nỗ lực không ngừng của một kỹ sư nhập cư với “giấc mơ Mỹ” mong đổi đời.

Yuan là con trai của một kỹ sư hầm mỏ, ông sinh ra và lớn lên tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Lần kinh doanh đầu tiên, Yuan đã suýt thiêu rụi ngôi nhà của người hàng xóm. Năm học lớp 4, ông bắt đầu thu gom phế liệu xây dựng để tái chế và kiếm tiền từ đó.

Khi biết rằng các cơ sở chỉ thu mua kim loại, Yuan tìm cách đốt những vật liệu thừa trong chuồng gà ở phía sau nhà hàng xóm. Một lần không may, đám cháy đã vượt quá tầm kiểm soát của ông và lính cứu hỏa phải đến tận nơi dập lửa. Cha mẹ của Yuan đã rất buồn khi biết tin đó.

Lớn lên, Yuan theo học Đại học Khoa học và Công nghệ Sơn Đông, khoa toán ứng dụng và khoa học máy tính. Năm 22 tuổi, ông kết hôn rồi tiếp tục học lên Thạc sĩ. Sau khi nghe Bill Gates thuyết trình về tiềm năng của Internet trong tương lai tại một sự kiện ở Trung Quốc, chàng trai trẻ Eric Yuan đã ấp ủ ước mơ đến Thung lũng Silicon lập nghiệp và đặt mục tiêu vào sự bùng nổ công nghệ ở Mỹ.

“Ông trùm” công nghệ Bill Gates chính là người truyền cảm hứng cho Yuan.

Thế nhưng “nói bao giờ cũng dễ hơn làm”, sau khi trình hải quan Mỹ danh thiếp bằng tiếng Anh, Yuan bị hiểu lầm là một người lao động bán thời gian và visa của ông bị từ chối.

Trong 1 năm rưỡi tiếp theo, visa của ông tiếp tục bị từ chối thêm 7 lần nữa. Ngay cả như vậy, Yuan vẫn không chịu bỏ cuộc. Ông tự nhủ: “Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể cho đến khi người ta nói rằng tôi không thể đặt chân đến đây. Nếu không, tôi không bao giờ chấp nhận từ bỏ”.

Năm 1997, ở tuổi 27, chàng trai kiên trì này mới có thể đặt chân đến Mỹ. Dù không nói được tiếng Anh nhưng nhờ biết viết mã máy tính, Yuan được nhận làm nhân viên kỹ thuật của công ty cung cấp dịch vụ hội nghị trực tuyến WebEx. Ông thường xuyên thức xuyên đêm thứ 6 rồi sau đó tham gia một trận bóng suốt buổi trưa ngày hôm sau. Tháng 7/2000, WebEx tiến hành IPO.

10 năm sau, Cisco thâu tóm WebEx với giá 3,2 tỷ USD và Yuan được thăng chức thành phó Chủ tịch kỹ thuật của công ty mới, nhận mức lương 6 con số rất hậu hĩnh. Thế nhưng không lâu sau, khi trò chuyện với khách hàng của công ty về sản phẩm, ông phát hiện họ đều không hài lòng. Theo quan điểm của mình, Yuan cho rằng sản phẩm của Cisco phát triển không đủ nhanh.

Nhớ về quãng thời gian phải di chuyển liên tục 10 tiếng để gặp bạn gái hồi đại học, Yuan mong muốn có một thiết bị thông minh giúp hai người trò chuyện và nhìn thấy nhau chỉ bằng một cú nhấp chuột.

Chính vì vậy, là một kỹ sư phần mềm lâu năm sở hữu nhiều bằng sáng chế liên quan đến công nghệ thời gian thực, Yuan cảm thấy sự phát triển của smartphone và máy tính bảng đã tạo ra những cơ hội mới giúp hình thức hội nghị trực tuyến trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết.

Yuan nhận ra rằng để tạo ra sản phẩm theo cách mình muốn, ông phải nói lời tạm biệt với công việc điều hành được trả lương cao để tự mình gây dựng công ty mới. Ông quyết định rời Cisco và bắt đầu phát triển nền tảng phần mềm hội nghị trực tuyến của riêng mình đồng thời tự huy động vốn đầu tư.

Một trong những rào cản lớn nhất mà Yuan cần vượt qua là thuyết phục vợ. Lẽ dĩ nhiên, hiếm có ai lại chấp nhận để chồng của mình bỏ việc quản lý thu nhập cao ngất ngưởng để khởi nghiệp. Ông chủ của Zoom đã nói với vợ: “Anh biết đây là một chuyến đi dài và vô cùng vất vả nhưng nếu không thử, anh sẽ hối tiếc”.

Nhờ sự kiên định của Yuan, Zoom đã ra đời như một công cụ có thể hoạt động tốt từ phòng họp ở Mỹ cho đến cả nhà bếp ở Trung Quốc. Bất cứ cuộc họp nào dưới 40 phút đều được miễn phí.

Với doanh thu hàng năm gần 400 triệu USD, Zoom được đánh giá là kỳ lân công nghệ hiếm hoi IPO trong trạng thái kinh doanh có lãi. Công ty có khoảng 50.000 khách hàng doanh nghiệp, trong đó có một số cái tên nổi bật như Uber, Walmart và Capital One.

Đầu tiên, Yuan nhờ bạn bè viết cho mình một tờ séc trị giá 250.000 USD để ông trả cho 30 kỹ sư (trong đó có người Trung Quốc) để thực hiện ý tưởng mới: Cải tiến công nghệ hội nghị trực tuyến sau đó xây dựng ứng dụng. Do có niềm tin vào Yuan, các nhà đầu tư, bao gồm cựu CEO của WebEx đã rót tổng cộng 3 triệu USD cho startup của ông.

Thời điểm đó, thị trường hội nghị trực tuyến không còn quá mới mẻ với việc Microsoft sở hữu Skype, Google với Hangouts và Cisco vẫn dẫn đầu về thị phần. Vì vậy, quyết định thành lập Zoom của Yuan được coi là một nước đi mạo hiểm. Ông đã phải đấu tranh với các nhà đầu tư để duy trì hoạt động cho công ty.

Tại những văn phòng tồi tàn ở Santa Clara với thang máy bị hỏng, Yuan cùng đồng nghiệp đã âm thầm phát triển sản phẩm trong gần 2 năm. Và khi ra mắt năm 2011, Zoom đã trở thành một hiện tượng khác biệt: Nó có thể tìm ra gần như ngay lập tức thiết bị mà người dùng đang sử dụng, hay nói cách khác, Zoom không cần những phiên bản khác nhau cho Mac hay PC.

Ngoài ra, Zoom còn có thể hoạt động ngay cả khi mất dữ liệu 40%. Do đó, ứng dụng này vẫn chạy khá tốt khi kết nối internet bị chậm. Và ở mức giá đăng ký 14,99 USD mỗi máy chủ mỗi tháng, Zoom đã hạ gục gần như mọi đối thủ.

Sau khi huy động thêm 6,5 triệu USD từ Horizons Ventures của tỷ phú Lý Gia Thành, Zoom tiếp tục gọi vốn thành công 30 triệu USD từ Emergence Capital năm 2015. Sau đó, Zoom bắt đầu nhắm mục tiêu vào khách hàng doanh nghiệp lớn hơn. Vào thời điểm Sequoia đầu tư cho Zoom 115 triệu USD đầu năm 2017, định giá công ty đạt mức 1 tỷ USD.

Có thể nói, không ít người trên thế giới ấp ủ giấc mơ đến Mỹ để đổi đời nhưng không phải ai cũng kiên trì và nỗ lực hết lần này đến lần khác được như Yuan. Câu chuyện thành công của ông đã cho chúng ta thấy giấc mơ sẽ mãi chỉ là giấc mơ nếu bạn không thực sự cố gắng và dốc toàn bộ tâm sức của mình vào công việc.

Theo Trí Thức Trẻ