Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Từ “bánh mì thanh long” và “ATM gạo”, ngẫm về bí quyết thành công của một chương trình CSR thời khó: Hãy tạo cảm hứng cho cộng đồng dễ dàng lan tỏa điều tử tế!

Cho tới thời điểm này, có thể xem “bánh mì thanh long” của ABC Bakery và “ATM gạo” từ PHGLock chính là 2 chương trình CSR thành công nhất của các doanh nghiệp Việt trong thời dịch Covid-19. Nếu xét kỹ, thì điểm chung lớn nhất của cả 2 sự kiện này chính là tạo được cảm hứng cho cộng đồng dễ dàng làm theo.

Không như trước đây, phải khi nào thật giàu hoặc bị thúc ép, các doanh nghiệp Việt Nam mới bỏ tiền ra đi làm từ thiện. Ngày nay, với sự tiệm cận cùng dòng chảy kinh doanh thế giới, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp Việt không chỉ tặng tiền hoặc dùng tiền mua vật phẩm gì đó tặng người khó khăn mà là phải sáng tạo các chương trình CSR bài bản, có tác động sâu rộng và lâu dài với những thành phần yếu thế trong xã hội.

Thực trạng này được phản ánh rõ nét thông qua rất nhiều chương trình thiện nguyện – CSR của các doanh nghiệp Việt trong mùa dịch Covid-19. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng hầu hết doanh nghiệp từ tập đoàn đến SMEs lẫn startup đều cố gắng góp 1 phần nhỏ bé của mình, giúp đỡ những người lao động thất nghiệp, nông dân thất thu và các y bác sỹ tuyến đầu trong mùa dịch. Họ xem đây như là phần trách nhiệm mà mình buộc phải làm khi đất nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Trong rất nhiều chương trình CSR quy mô lớn nhỏ khác nhau đến từ các doanh nghiệp, nổi bật nhất có lẽ là công cuộc giải cứu thanh long cho nông dân Việt thông qua sản phẩm bánh mì thanh long từ ABC Bakery trong giai đoạn I và cách phân phối gạo độc đáo qua máy “ATM gạo” của PHGLock trong giai đoạn II của mùa dịch.

Cách giải cứu nông sản theo hướng bền vững và giá trị gia tăng cao của lão doanh nhân Kao Siêu Lực – ABC Bakery

Như từng chia sẻ với chúng tôi, ý tưởng làm bánh mì thanh long chỉ là ý tưởng nảy sinh bất chợt trên chuyến xe từ vùng trồng thanh long về thành phố. Mới đầu, khi chứng kiến cảnh các cánh đồng thanh long chín đỏ nhưng cửa khẩu qua Trung Quốc chẳng biết bao giờ mở lại, ông Kao Siêu Lực chỉ định bỏ ra ít tiền rồi mua vài tấn thanh long để phát cho nhân viên cũng như người quen, giống rất nhiều doanh nghiệp ứng xử ở thời điểm đó.

Nhưng ông biết, kiểu ‘giải cứu’ truyền thống chỉ giải quyết phần ngọn chứ không phải phần gốc và số lượng thanh long mà một mình ông mua được chỉ là muối bỏ bể so với tổng sản lượng thanh long mà bà con khắp Việt Nam thu hoạch được. Ngoài ra, cũng khá may mắn, là loại trái cây mà ông thử nghiệm kết hợp với bánh mì đầu tiên là thanh long chứ không phải dưa hấu; vì sau khi thử nghiệm dưa hấu, ông cho biết là một mình dưa hấu không đủ tốt để làm ra ổ bánh mì ngon như thanh long.

Doanh nhân Kao Siêu Lực – chủ thương hiệu bánh ABC

Có lẽ, chính ngay bản thân ông Kao Siêu Lực và cả ABC Bakery cũng không ngờ được, hiệu ứng truyền thông của sản phẩm mới – bánh mì thanh long lại tốt đến như thế. Doanh nghiệp này không cần bỏ ra bất cứ đồng tiền nào, vẫn được báo đài xếp hàng đề nghị được phỏng vấn, trong đó có chúng tôi.

Thêm nữa, bánh mì thanh long còn trở thành niềm cảm hứng cho rất nhiều doanh nghiệp – cửa hàng/nhà hàng trên khắp Việt Nam sáng tạo ra những món tinh bột mới lạ như pizza thanh long, bún dưa hấu, bánh cuốn thanh long, hambuger thanh long… Ngoài ra, ông còn chia sẻ công thức làm bánh mì thanh long cho người làm bánh trong nước và quốc tế, với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Bánh mì Quốc tế Khu vực Đông Nam Á.

Thế nên, công lao của ông Kao Siêu Lực với nền nông sản Việt Nam, không chỉ là qua vài chục tấn thanh long mà ABC Bakery tiêu thụ cho tới thời điểm này, mà còn qua rất nhiều chục tấn thanh long – dưa hấu mà những doanh nghiệp/cửa hàng khác đã sử dụng cho các sản phẩm tinh bột khác nhau cũng như phương cách mới để tăng giá trị cho nông sản Việt.

Cũng theo chia sẻ từ ông Kao Siêu Lực, thì việc sáng tạo ra bánh mì thanh long cũng là một bước tiến mới trong sự nghiệp làm bánh của mình. Bởi sản phẩm này không chỉ là đầu tiên trên thế giới mà nó còn giúp nâng tầm bánh mì truyền thống. Sau vài chục năm miệt mài lao động, cuối cùng ông đã sáng tạo một sản phẩm gây tiếng vang không chỉ trong Việt Nam mà cả ở quốc tế.

“ATM gạo” – cuộc cách mạng trong cách phân phối vật phẩm cứu trợ cho các chương trình thiện nguyện

Với bánh mì thanh long, ông Kao Siêu Lực đã làm một cuộc cách mạng trong việc tiêu thụ sản phẩm nông sản Việt để hạn chế việc ‘giải cứu’, thì thông qua “ATM gạo”, ông Hoàng Tuấn Anh – chủ công ty khóa thông minh PHGLock đã làm một cuộc cách mạng trong cách phân phối vật phẩm cứu trợ.

Thường thì cách phân phối vật phẩm cứu trợ – như gạo, theo kiểu truyền thống sẽ diễn ra như thế này: doanh nghiệp đứng ra mua gạo, sau đó chia từng túi nhỏ và đứng một góc được hoặc đến cơ sở/địa bàn nào đó, để phát cho các hộ gia đình hoặc cá nhân gặp khó khăn vì kinh tế. Cách làm đó, trong mùa dịch sẽ phát sinh vài điều bất cập sau: có thể phát sinh chuyện tụ tập đám đông do chương trình phải kết thúc trong thời gian ngắn, không kéo dài được hết mùa dịch, thời gian không linh động cho người thụ hưởng….

Thế nên, ông Hoàng Tuấn Anh đã nghĩ ra ý tưởng làm một cái máy như máy ATM của ngân hàng, thay vì nhả ra tiền, thì máy này lại nhả ra gạo. Có thể, số tiền mà ông Hoàng Tuấn Anh bỏ ra trong đợt thiện nguyện này không phải lớn nhất và “ATM gạo” cũng chẳng phải loại máy móc hiện đại nhất; nhưng rõ ràng ý tưởng của ông là sáng tạo và hiệu quả nhất.

Hiện tại, PHGLock đang điều hành 3 máy “ATM gạo” tại Quận Tân Phú – Quận 12 và huyện Bình Chánh. Họ cũng đang có 1 máy “ATM gạo” di động, có thể cho các mạnh thường quân khác trên địa bàn TP. HCM mượn, chỉ cần đăng ký trước, cộng với mức hỗ trợ 500 kg gạo/điểm.

Chi phí sản xuất 1 chiếc máy “ATM gạo” khoảng 10 triệu đồng, bồn chứa phía trên có thể dung nạp khoảng 500kg gạo, hoạt động 24/24. Mục tiêu của ông Hoàng Tuấn Anh là có thể lắp đặt 100 chiếc máy, mỗi tỉnh tối đa 5 máy, có thể giúp được 1 triệu người no bụng.

Hiện mỗi ngày có bình quân 3.000 lượt người xếp hàng trật tự để nhận gạo. Lượng gạo phát ra bình quân khoảng 4 tấn. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo việc nhận và cấp phát công khai, minh bạch, an ninh trật tự. Với tấm lòng thiện nguyện, chúng tôi cam đoan không làm thất thoát bất cứ một hạt gạo nào của các mạnh thường quân, đúng với tâm niệm khai sáng kiến hệ thống này.

Các UBND quận/huyện tại TP.HCM, các tỉnh/thành trên cả nước, nếu mong muốn lắp đặt các hệ thống tương tự, tập thể chúng tôi sẽ biếu/tặng hoặc chuyển giao công nghệ. Đối với các cá nhân, công ty, tổ chức khác thì chúng tôi sẽ chuyển giao và tính bằng chi phí sản xuất. Quá trình vận hành, đảm bảo an ninh trật tự, công tác tổ chức công khai, mình bạch, đều do mỗi nơi tự chịu trách nhiệm.

Chúng tôi kính mong bà con cô bác, các mạnh thường quân tiếp tục chia sẻ và ủng hộ. Với những nơi đang sử dụng danh nghĩa của “ATM gạo” để vận động đóng góp, kính mong quý mạnh thường quân xem xét và cân nhắc để tránh lòng tốt bị sử dụng không đúng mục đích“, ông Hoàng Tuấn Anh chia sẻ trên Facebook.

Với những ý nghĩa to lớn mà “ATM gạo” mang lại, chỉ vài ngày sau, ý tưởng này được nhân đi khắp cả nước và số lượng người muốn góp gạo cho các “ATM gạo” ngày càng nhiều theo cấp số nhân.

Một phần của chiếc máy “ATM gạo” tại Thành phố Huế.

Ngày 11/4, tại Thành phố Huế tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có kế hoạch khai trương cây ATM gạo, nhưng do người dân tập trung quá đông và không theo yêu cầu giãn cách cần thiết từ Ban tổ chức, nên đã bị hủy. Sau đó, để tránh lặp lại sự cố, Ban tổ chức chương trình “ATM gạo” tại Huế đã đặt 3 máy ở 3 điểm, hoạt động từ 9h sáng đến 5 giờ chiều. Ngoài tặng mỗi người dân khó khăn 2kg gạo, Ban tổ chức còn tặng thêm dầu ăn.

Máy “ATM gạo” tại Huế được sản xuất bởi Công ty TNHH MTV Giải pháp Công nghệ 1A (1ASmart) và có tên là Máy Cấp Gạo. Nhìn sơ qua, cơ chế vận hành của chiếc máy ATM này khá giống máy ATM của PHGLock và cũng được ấn bằng tay.

Cũng trong ngày 11/4, Hà Nội có cây ATM gạo đầu tiên do anh Doãn Thanh Tùng sáng chế đặt tại Quận Cầu Giấy. Có vài khác biệt trong vận hành giữa chiếc máy “ATM gạo” Hà Nội và TP. HCM: trong khi ở TP. HCM, người nghèo dùng tay ấn nút để nhận gạo và mỗi lần nhận khoảng 1,5 kg thì Hà Nội dùng chân và nhận khoảng 3 kg gạo. Ngoài ra, cây “ATM gạo” này sẽ hoạt động từ 8h sáng đến 17 giờ chiều hằng ngày đến hết 30/4. Bên cạnh đó, trong khi máy “ATM gạo” của PHGLock bỏ trong container thì của Hà Nội treo ở trên lầu của Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân.

Chưa hết, ngày 14/2, tạo TP. Cà Mau cũng đã lần đầu khai trương 1 “ATM gạo” do nhóm CM Share chế tạo. Bồn chứa của “ATM gạo” ở Cà Mau khoảng 350kg gạo, mỗi người được nhận tối đa 2kg.

Rõ ràng, hành động của ông Hoàng Tuấn Anh và PHGLock đã tạo rất nhiều niềm cảm hứng cho các doanh nghiệp cá nhân và tỉnh thành trên khắp Việt Nam, sáng tạo – tổ chức các “ATM gạo” giúp người lao động nghèo không bị bỏ đói trong thời buổi khó khăn như hiện tại. Theo đó, không chỉ trong mùa dịch, giải pháp phân phối này còn rất hữu dụng sau mùa dịch.

Theo CafeF