Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Trung Quốc tặng voucher thay vì phát tiền cho dân

Thay vì phát tiền mặt cho dân như Mỹ, Hong Kong hay Nhật, chính quyền địa phương tại nhiều nơi ở Trung Quốc chọn cách phát voucher mua sắm.

Có rất ít tín hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng dùng giải pháp phát tiền cho dân như một số nước. Thay vào đó, ngày càng nhiều chính quyền địa phương tại nước này chọn cách phát phiếu mua hàng (voucher) cho người dân trong nỗ lực phục hồi chi tiêu sau đại dịch.

Chương trình phát voucher lần đầu tiên xuất hiện tại Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô vào giữa tháng 3/2020. Các voucher phát dưới dạng trực tuyến dùng mua hàng ở một số nhà bán lẻ cụ thể, có giá trị 50 hoặc 100 nhân dân tệ (7 hoặc 14 USD) được phân bổ thông qua một hệ thống xổ số.

Cho đến nay, có ít nhất có 30 thành phố khắp Trung Quốc đang phát voucher mua sắm một số sản phẩm cụ thể đến người dân, với tổng giá trị 5 tỷ nhân dân tệ (704 triệu USD), chiếm chưa đến 0,01% tổng doanh số bán lẻ trong năm 2019. Theo chuyên gia, các chính quyền địa phương chọn cách phát voucher cũng có lý riêng.

“Phát tiền mặt sẽ không được chuyển hóa thành số tiền chi tiêu tương đương vì mọi người có xu hướng gửi tiền vào ngân hàng trong những thời điểm bất ổn”, Zhang Jun, Nhà kinh tế trưởng tại Morgan Stanley Huaxin Securities, lý giải.

Người mua hàng đeo khẩu trang trên đường phố Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Zhu Zhengfu, một thành viên của Hội nghị Tham vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc, cơ quan tư vấn lập pháp, từng đề nghị chính phủ xem xét cho phát mỗi người dân 2.000 nhân dân tệ (282 USD) như một khoản trợ cấp cho đại dịch.

Ông Zhu, đồng thời cũng là phó chủ tịch Hiệp hội Luật sư Toàn Trung Quốc, cho biết số tiền này tương đương với chi tiêu tiêu dùng hàng tháng của người dân trung bình trong năm ngoái, có thể cứu được nhiều doanh nghiệp nhỏ.

Tuy nhiên, trái ngược với Mỹ, Hong Kong và Nhật Bản, với chính sách phát tiền trực tiếp cho các hộ gia đình, kế hoạch hỗ trợ kinh tế của chính quyền trung ương Trung Quốc chủ yếu dựa vào cách bơm tiền vào hệ thống ngân hàng, với hy vọng sẽ hỗ trợ đến được các doanh nghiệp nhỏ. Các chính quyền địa phương thì đang bơm vốn để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng mới, nhằm tạo công ăn việc làm.

Năm ngoái, tiêu dùng cá nhân chiếm khoảng 60% tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Đó là một sự thay đổi đáng kể trong mô hình tăng trưởng, sau giai đoạn phụ thuộc lớn vào đầu tư và xuất khẩu. Ông Zhang Jun dự báo, sự phục hồi tiêu dùng trong quý II hoặc nửa cuối năm cũng không đủ bù lại phần đã mất, ngay cả khi đại dịch đã được kiểm soát.

Dù sức ép là như vậy, giới chuyên gia dự báo chính quyền trung ương của Trung Quốc cũng sẽ không thực hiện ý tưởng phát tiền mặt cho các hộ gia đình trên toàn quốc. Năm ngoái, tổng thu chính phủ của Trung Quốc là hơn 19.000 tỷ nhân dân tệ (2.700 tỷ USD), tương đương 13.570 nhân dân tệ (1.900 USD) mỗi người dân. Trong khi đó, Hong Kong hứa sẽ phát cho mỗi người 10.000 đôla Hong Kong (1.300 USD), còn người Mỹ dưới mức thu nhập nhất định sẽ nhận 1.200 USD.

“Chính phủ Trung Quốc thích chi rất nhiều tiền, nhưng không phải cho người dân. Lần này cũng không có gì khác”, ông Keith Hu, Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Capital.

Việc thiếu viện trợ trực tiếp cho các hộ gia đình đang làm dấy lên một cuộc tranh luận ở Trung Quốc. Có ý kiến đặt vấn đề rằng, liệu phụ thuộc vào giải pháp cho vay và đầu tư sẽ có lợi cho những người thiệt hại kinh tế bởi Covid-19 hay không. Đó là những lao động nhập cư dựa vào công việc tự do để kiếm sống hoặc những người quá nghèo để được vay.  

Trong khi đó, kế hoạch hỗ trợ kinh tế mới nhất của Trung Quốc lần này bao gồm thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đáng chú ý như trung tâm dữ liệu và truyền thông 5G. Đây là một thay đổi lớn so với gói kích thích khổng lồ từng được nước này tung ra một thập kỷ trước, chủ yếu là cho vay lãi suất thấp đến doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương. Điều này dẫn đến hệ quả là các dự án đầu tư lãng phí, không hiệu quả và nợ nần cao.

Tuy nhiên, Wang Jun, chuyên gia kinh tế trưởng của Zhongyuan Bank, cảnh báo rằng phần lớn số tiền mà chính phủ đang lên kế hoạch cho phép chính quyền địa phương huy động bằng trái phiếu sẽ bị lãng phí vào các dự án cơ sở hạ tầng không cần thiết, thay vì có thể được sử dụng để kích thích chi tiêu của người dân.

“Voucher là một cách để giúp ngành tiêu dùng và các gia đình có thu nhập thấp. Nhưng chính phủ có khả năng tiến hành một kích thích chi tiêu lớn hơn, chỉ cần họ điều chỉnh phân bổ lại gói hỗ trợ kinh tế”, ông nói.

Trung Quốc vẫn chưa tiết lộ mục tiêu tăng trưởng năm 2020 và kế hoạch đạt được mục tiêu như thế nào. Một số dự đoán cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục kích thích đầu tư và cho vay, trong khi những người khác nhận thấy có sự chuyển hướng sang thúc đẩy tiêu dùng và phương thức tăng trưởng mới thông qua các biện pháp cải cách.

“Đây sẽ là một thử nghiệm để xem liệu Trung Quốc sẽ xét lại tư duy kinh tế theo kế hoạch hay thực sự tin tưởng vào vai trò của thị trường và người dân”, ông Wang nói thêm.

Phiên An (theo SCMP)