Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Tổng giám đốc PMC Nguyễn Hồng Minh: Làm dịch vụ cần chạm đến trái tim khách hàng

Đằng sau mỗi lãnh đạo là một nhân viên, đằng sau mỗi khách hàng không phải là thượng đế mà là một con người bởi thượng đế bao dung, còn sự hài lòng của khách hàng không bao giờ là tuyệt đối.

“Chạm đến trái tim của từng khách hàng” là câu nói đầu lưỡi của những người làm trong ngành dịch vụ. Sự hiểu biết, tri thức cũng như ý chí rèn luyện là điều cần có, song để thực sự chạm được đến trái tim khách hàng lại là một câu chuyện không dễ bởi yếu tố xúc cảm phụ thuộc vào từng thời điểm, hoàn cảnh và điều kiện khác nhau.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý và khai thác tòa nhà PMC, muốn chạm đến trái tim khách hàng, điều trên hết một doanh nghiệp cần làm được là phải thực sự hiểu nhu cầu của họ. Khách hàng không chỉ đơn thuần là những người nằm ở điểm cuối cùng của chuỗi giá trị.

Như PMC không chỉ có một mà có tới ba đối tượng khách hàng, bao gồm các thành viên của chính công ty, cư dân ở các dự án do công ty quản lý và cuối cùng cũng quan trọng không kém là chủ đầu tư.

Chạm đến trái tim nhân viên từ chính sách đến quản trị

Ý chí của người lãnh đạo sẽ là vô nghĩa nếu không truyền được đến từng nhân viên của mình dù ở cấp bậc thấp nhất, để họ cùng nỗ lực vì mục tiêu chung là làm hài lòng khách hàng, tạo niềm tin trong mỗi cư dân thụ hưởng dịch vụ.

Các thành viên ở PMC chính là nhân viên trong công ty và các đối tác song hành hàng ngày như khối an ninh, làm sạch, kiểm soát côn trùng… Để các thành viên này chạm tới trái tim khách hàng/cư dân, ông Minh cho biết, điều đầu tiên cần làm là chạm tới trái tim của chính họ bằng việc xây dựng các chính sách đa dạng về nhân sự, quản trị, điều hành hàng ngày.

“Tập thể nào cũng đều có sự đa dạng về văn hóa, mục tiêu nghề nghiệp. Nếu chính sách và quản trị của chúng tôi chạm tới trái tim của các thành viên thì họ mới có thể đồng thuận, say mê và thực hành với các tiêu chuẩn và quy trình của Công ty, phục vụ tốt hai đối tượng khách hàng còn lại”, lãnh đạo PMC lý giải.

Tuy nhiên, thời gian và thiết kế lộ trình là những yếu tố cần có để làm được điều này. Ai cũng có nhu cầu việc làm, thu nhập, cơ hội thăng tiến nhưng lại chưa có kinh nghiệm, chưa được đào tạo. Đôi khi tỷ lệ nhân viên bỏ việc là rất lớn vì sau 1 – 2 năm bước vào môi trường chuyên nghiệp, người lao động mới biết mình có thực sự yêu nghề và có muốn đồng hành lâu dài hay không.

Ông Minh cho biết, nghề dịch vụ vận hành và quản lý toà nhà là một tổng hoà của rất nhiều khối từ làm sạch, an ninh, kiểm soát côn trùng, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, dịch vụ kế toán – tài chính… Đấy cũng chỉ mới là góc nhìn từ bên ngoài, có đi sâu tìm hiểu kỹ mới biết mỗi dòng sản phẩm như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, căn hộ, chung cư, cao ốc đến biệt thư đơn lẻ… đều có những tiêu chuẩn và yêu cầu dịch vụ khác nhau.

Vấn đề là Việt Nam không hề có trường dạy về nghề này. Dù có đi chăng nữa thì cũng không thể dạy hết được vì theo Tổng giám đốc PMC, bản chất của nghề dịch vụ là học qua thực hành.


Ông Nguyễn Hồng Minh từng là một kỹ sư vô tuyến điện chuyển sang làm quản lý bất động sản từ năm 2002.

Ngay như ông Minh là một giám đốc của công ty quản lý bất động sản hàng đầu Việt Nam cũng từng là một kỹ sư vô tuyến điện chuyển tay ngang sang làm quản lý bất động sản với nhiệm vụ đầu tiên là thành lập một công ty quản lý bất động sản chuyên nghiệp quản lý tòa nhà Ocean Park từ năm 2002.

Ông thừa nhận quản lý bất động sản là một nghề khó. Khi mới bắt đầu công việc với tư cách là một trong những nhà quản lý bất động sản Việt đầu tiên trên thị trường, PMC vẫn phải sử dụng quy trình và công nghệ của nước ngoài. 

Quản lý các loại bất động sản như bến cảng, nhà kho, cao ốc văn phòng hay bệnh viện thì chỉ cần lấy máy móc, toà nhà làm đối trọng và vận hành tốt, đảm bảo không có rủi ro là được.

Nhưng khi chuyển sang quản lý chung cư, nhà ở, hay đặc biệt là những khách sạn hạng sang thì câu chuyện không còn đơn giản như vậy nữa bởi lẽ công việc giờ đây phải gắn liền với các tiêu chuẩn phù hợp với hàng trăm nghìn con người hưởng thụ dịch vụ.

Quản lý mỗi loại hình bất động sản khác nhau sẽ có những đòi hỏi khác nhau. Sự khác biệt về chủ đầu tư, người hưởng thụ và cả những quy chuẩn dịch vụ tạo ra sự khác biệt trong từng dòng bất động sản.

“Dù vậy, khó hay dễ còn phụ thuộc vào từng thời điểm. Không chỉ nghề dịch vụ mà nghề nào cũng vậy, luôn phải tự học hỏi. Có thể hôm nay khó nhưng biết đâu ngày mai lại dễ và ngược lại”, ông Minh nhìn nhận.

Theo vị lãnh đạo này, dù áp dụng quy trình hay công nghệ nước ngoài, điều quan trọng trước hết là tinh thần luôn khám phá và đào sâu tìm hiểu. Quy trình chỉ là bề nổi, đằng sau đó, cần phải hiểu sâu rồi nghiên cứu thế nào là dịch vụ con người, và tiến đến thấu hiểu khách hàng. Có như vậy thì dù nhân sự có ở những trình độ khác nhau cũng đều tìm được về một điểm chung, theo một quy trình, tiêu chuẩn chung.

Ở PMC, từng thành viên từ lãnh đạo đến nhân viên không chỉ là những người tạo công ăn việc làm và những người lao động vì miếng cơm manh áo mà còn là những người thầy và cả những học trò thực thụ. Công ty không chỉ là nơi làm việc mà còn là trường học, họ được khuyến khích học mỗi ngày qua từng thói quen, qua công việc và qua trải nghiệm.

“Ở nước ngoài, sinh viên trường du lịch, khách sạn sẽ đến trường vào buổi sáng và đi làm vào buổi chiều, chủ yếu là học trong công việc, học qua trải nghiệm. PMC cũng tập trung đào tạo như thế mặc dù tốn rất nhiều chi phí. Chúng tôi hướng đến tiêu chuẩn quốc tế với chiến lược ba trụ cột bao gồm hiểu biết, kỹ năng và thái độ”, ông Minh chia sẻ.

Trụ cột thứ nhất là thái độ và cũng chính là lòng yêu nghề. Nếu như ở nước ngoài, học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông đã xác định được nghề nghiệp sau này của mình thì sinh viên Việt Nam phải tốn khoảng 1 – 2 năm sau khi tốt nghiệp mới chọn lựa được con đường tương lai mong muốn. Điều này đã dẫn đến sự bất ổn trong lực lượng lao động tại Việt Nam. Lúc này, việc lựa chọn được đúng người đối với các công ty như PMC là một thách thức không nhỏ bởi quá trình này tốn không ít thời gian và chi phí.

Trụ cột thứ hai là kỹ năng nghề. Đó là những thứ chỉ có được qua thực hành, trải nghiệm mà không thể có được khi chỉ đọc thuộc một vài trang sách hay học một vài công thức.

Ông Minh chia sẻ, đã là nghề thực hành thì cần phải có lộ trình đào tạo rõ ràng từ những môn nền tảng. Ở việt Nam hiện nay đang xảy ra một thực trạng đáng buồn là “tăng lương, giật người” thay vì chú trọng đào tạo, dẫn đến sự hỗn loạn về nhân sự mà nguyên nhân cơ bản là do thị trường còn đang sơ khai nên khách hàng vẫn còn dễ tính.

Tuy nhiên, khi thị trường trở nên khó tính và đòi hỏi khắt khe hơn thì việc đào tạo con người là điều tối quan trọng. Việc “giật người” có thể coi là vi phạm đạo đức của nghề dịch vụ. Không trung thực ngay từ khâu đầu tiên thì làm sao mong nhận được niềm tin của khách hàng.

Đối với người đứng đầu PMC, làm nghề dịch vụ là phải hướng đến phục vụ số đông và cần theo đuổi giá trị lợi tha. Làm kinh doanh không dựa trên sự thua cuộc của người khác mới là xứng đáng.

Và trụ cột thứ ba cũng quan trọng không kém là những hiểu biết về văn hoá, con người và nghệ thuật, những thứ sẽ làm giàu thêm đời sống tinh thần mỗi nhân viên, giúp họ tăng vốn hiểu biết về cuộc đời và có thêm nhiều cảm thụ cuộc sống.

Tổng giám đốc PMC tiết lộ, để làm tốt ba trụ cột này, PMC đã đề ra những giải pháp cụ thể. Đầu tiên, cần xác định công ty là một trường nghề đào tạo cho nhân viên để họ có thể làm chủ bản thân; tạo một môi trường, văn hoá chung để nhân viên sẵn sàng đồng hành, gắn bó.

“Phúc đến, phận đi. Họ đến với mình là cái phúc còn họ đi là cái phận. Cần phải thông thoáng, xác định trách nhiệm xã hội của mình là đào tạo cho nhân viên một cái nghề thật chuyên nghiệp. Cũng chính vì điều này mà tỷ lệ nhân viên nghỉ việc ở PMC rất thấp”, ông Minh chia sẻ.

Để tuyển dụng đúng người, phải xác định rõ công việc, vị trí đang tuyển cần những người có trình độ ra sao để từ đó tập trung tuyển người phù hợp thay vì người giỏi bởi suy cho cùng, nếu tuyển người giỏi mà không cho họ nhiều đất diễn như họ mong muốn, việc ra đi cũng là điều sớm muộn.

“PMC thường tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và một số trường đại học yếu thế vì chúng tôi xác định vị trí đang tuyển chỉ cần một kiến thức phổ quát rồi mới bắt đầu đào tạo thực hành”, ông Minh cho biết.

Việc đánh giá một con người cũng không thể quá vội vàng sau một vài câu phỏng vấn. Chẳng hạn, PMC sẽ cho ứng viên thời gian 1 – 2 tháng trải nghiệm nghề với những công việc tưởng chừng đơn giản nhưng khó khăn nhất như cọ toilet, bưng bê…để họ thực sự hiểu được ngành dịch vụ và xác định rõ là họ có phù hợp và mong muốn theo nghề lâu dài hay không.

Để tuyển được đúng người với tỷ lệ cao, PMC còn thiết lập cho mình những kênh tuyển dụng từ các trường đại học, cao đẳng có số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp làm việc lâu dài tại công ty. Từ đó hợp tác với các trường và đào tạo liên tục để có thêm nhân sự dự phòng.

Mặc dù phương án này có tốn kém nhưng lại an toàn và hiệu quả hơn nhiều so với việc dùng ngân sách để tuyển dụng như hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đang làm.

Nhân viên được làm chủ bản thân và được trao sự nghiệp thay vì chỉ đến làm công ăn lương. Mỗi nhân viên sẽ được cung cấp danh mục kỹ năng nghề nghiệp, bản đồ phát triển sự nghiệp để họ có thể biết hôm nay làm quản lý sảnh thì mười năm tới sẽ làm gì và để đạt được mục tiêu 10 năm đó, họ cần phải làm những gì.

Mỗi nhân viên được xác định cho mình tâm thế làm giàu không phải bằng tiền mà bằng kiến thức. Ở PMC, mỗi vị trí đều được tôn trọng, mỗi thành viên đều được đào tạo thực tế, trải nghiệm mọi công việc trong ngành dịch vụ, mỗi cá nhân đều được trao cơ hội phát triển và mỗi ước mơ đều được chắp cánh. Bởi thực tế là con đường ngắn nhất để bồi đắp kinh nghiệm; kỹ năng, thái độ, kiến thức là hành trang vững bước trên đường dài và sẵn sàng cống hiến.

Ông Minh khẳng định, thợ kỹ thuật ở nhiều tập đoàn nước ngoài có thể đạt được mức lương cao từ 8 – 10 triệu đồng ngay từ ban đầu nhưng gần như không có gì thay đổi và chỉ có thể làm mãi một công việc. Trong khi ở PMC, mức lương khởi điểm của thợ kỹ thuật còn thấp hơn cả bảo vệ nhưng họ có cơ hội phát triển nghề nghiệp để đến nay, có những người đã đạt được mức lương vài chục triệu và thậm chí là hàng trăm triệu đồng/tháng.

Nghề dịch vụ quản lý toà nhà tại PMC được xác định là lao động có tích luỹ, có thể khởi điểm với con số 0 về kiến thức nhưng được đào tạo bài bản để có được sự nghiệp về lâu về dài khác với lao động giản đơn, lao động bán mồ hôi và sức lao động như thợ hồ, công nhân làm sạch, lao động may mặc, thợ lắp ráp bình thường khi đến tầm 40 tuổi đã phải về hưu hết vì không còn nhiều sức khoẻ.

“PMC đào tạo cho nhân viên chỉ tốt nghiệp lớp 12 cũng có thể trở thành giám sát, nhân viên làm sạch hay phục vụ bàn cũng có thể trở thành quản lý toà nhà. Cần có các giải pháp chiến lược, mang lại giá trị tinh thần và cả sự nghiệp cho nhân viên để mức lương của họ gắn liền với sự nghiệp chứ không theo thâm niên tuần tự như thị trường”, ông Minh cho biết.


Nghề dịch vụ quản lý toà nhà tại PMC được xác định là lao động có tích luỹ

Nhờ việc tập trung vào đào tạo con người, trao cho nhân viên cần câu thay vì con cá đã làm nên cách giữ người, cách chạm đến trái tim nhân viên rất độc đáo của PMC.

Hướng đến sự bao dung và tinh thần xây dựng của mỗi khách hàng/cư dân

Mỗi chung cư đều có sự đa dạng về lối sống, đặc thù nghề nghiệp, lứa tuổi, dẫn đến sự đa dạng về văn hóa. Do vậy để chạm tới từng trái tim cư dân, nhằm xây dựng một cộng đồng đáng sống là cả một câu chuyện dài. Lý thuyết để xây dựng nên cộng đồng hoàn hảo thì rất nhiều, nhưng rất khó để áp dụng những điều đó vào thực tế.

Việc đáp ứng được kỳ vọng ngày càng gia tăng của cư dân đối với chủ đầu tư hay ban quản lý tòa nhà phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như môi trường, hoàn cảnh và các điều kiện cho phép.

Đặc biệt, sự va chạm giữa cư dân với chủ đầu tư diễn ra thường xuyên và gay gắt mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu sự thấu hiểu từ các bên.

Để vừa giải quyết được những va chạm đó, vừa chạm được tới trái tim của cư dân, sự bao dung và tinh thần xây dựng của mỗi khách hàng là điều mỗi đơn vị quản lý toà nhà như PMC luôn mong mỏi và hướng tới.

Theo ông Minh, đôi khi cư dân có cách nhìn chưa thực sự đúng về công ty quản lý. Quản lý mỗi công trình sẽ có đặc thù riêng như nhân lực trong khách sạn, văn phòng sẽ có tính chủ động hơn. Đặc biệt, khách sạn thường có ngân sách để tuyển trước nhân lực và đào tạo dài hạn.

Trong khi đó, ngân sách trong quản lý chung cư còn hạn hẹp, chi trả thấp, môi trường làm việc không được như khách sạn. Lúc này, các nhân sự an ninh, làm sạch chỉ đến làm việc với tâm thế thời vụ, không xác định dài hạn nên chất lượng công việc và tinh thần thái độ dịch vụ chưa được tốt, chưa hoàn hảo.

Như vậy, điều các công ty quản lý toà nhà như PMC hướng đến là tinh thần bao dung và xây dựng từ cư dân, nhìn ra được hoàn cảnh thực tế để cùng công ty quản lý xây dựng lộ trình và thời gian phát triển bộ máy nhân lực chuyên nghiệp, thay vì đốt cháy giai đoạn và đòi hỏi chất lượng dịch vụ tốt ngay từ đầu trong khi hoàn cảnh chưa cho phép.

Để giải quyết ổn thoả những xung đột giữa cư dân và chủ đầu tư xuất phát từ 30% lệch pha về kỳ vọng, công ty quản lý là đơn vị đứng ra để chắp nối.

Ông Minh cho biết, có những dự án công ty này phải cử luật sư đứng ra giảng hoà, chắp nối cư dân với chủ đầu tư để giảm thiểu bất đồng khi có tranh chấp, thậm chí sẵn sàng chấp nhận mất mát để giữ uy tín.

Theo quan điểm của ông Minh, ngành dịch vụ là một tổng hoà và trong tổng hoà đó phải hướng đến hạnh phúc của khách hàng. Không bao giờ nói không với cư dân mà cần tìm cách giải quyết hoặc tìm ra giải pháp thay thế.

Dù vậy, đối với những dự án có chủ đầu tư làm ăn không chuyên nghiệp, hay cách làm việc của chủ đầu tư không phù hợp với bộ tiêu chuẩn của PMC thì tập đoàn này sẵn sàng từ chối quản lý mặc dù ông Minh thừa nhận, việc đưa ra các lựa chọn có thể làm mất đi cảm xúc thị trường.

“PMC đã từng rút khỏi một dự án lớn chỉ sau một tháng ký hợp đồng vì chủ đầu tư đã không thực hiện vẹn toàn lợi ích của cư dân như đã tuyên bố trước đó”, ông Minh kể lại.

Cũng có những dự án PMC từ chối hợp tác vì chủ đầu tư can thiệp quá nhiều vào công tác quản lý của công ty này, dẫn đến những xung đột không đáng có trong khi công ty quản lý có những tiêu chuẩn dịch vụ riêng cần tuân thủ.

Trong khi đó, nhiều nhân viên do chủ đầu tư tuyển dụng có khi không được đào tạo bài bản, hoặc không hiểu được những triết lý của chủ đầu tư dẫn đến thực hiện sai và không đạt ý đồ trọn vẹn cuối cùng của cả chủ đầu tư và đơn vị quản lý là phục vụ hết mình để cư dân được hạnh phúc.

Như vậy, điều cốt lõi cần đảm bảo để dung hoà được các mối quan hệ này là sự đam mê công việc trong các đơn vị quản lý, kết hợp với các kỹ năng thuyết phục để cả chủ đầu tư và cư dân đều có tinh thần bao dung và tinh thần xây dựng, hướng đến mục tiêu lớn nhất mà ai cũng mong muốn là một cộng đồng văn minh, văn hóa.

Khiến cư dân hạnh phúc là con đường ngắn nhất đến trái tim chủ đầu tư

Khi đã có giao kèo bằng hợp đồng, chủ đầu tư và cư dân vẫn phải chung sống cho dù không muốn. Như vậy, để chạm được đến trái tim chủ đầu tư, cách tốt nhất một công ty quản lý như PMC có thể làm là khiến cộng đồng cư dân hạnh phúc, trong khuôn khổ cho phép. Lúc này, chủ đầu tư cũng sẽ tự tạo ra uy tín và giá trị đích thực. Đây có thể xem như một mũi tên trúng hai đích.

Lãnh đạo PMC nhận định, sự tin tưởng, hài lòng trong mỗi khách hàng không đến từ những bài quảng cáo được đầu tư kỹ lưỡng mà lại đến từ chính thực tế, văn hoá của doanh nghiệp. Và rõ ràng, minh bạch để xây dựng văn hoá cho toàn tổ chức, từ đó lan toả ra toàn cộng đồng mới tạo ra nhiều giá trị cốt lõi và niềm tin của khách hơn là quảng cáo mang tính tự tuyên.

Như thường lệ, vào sáng thứ Hai hàng tuần, dưới cột cờ toà nhà VNPT số 57 Huỳnh Thúc Kháng và hơn 70 toà nhà khác do Công ty PMC quản lý lại vang lên tiếng hát quốc ca hùng tráng, tiếp thêm năng lượng cho mỗi nhân viên để sẵn sàng cho tuần làm việc mới.

Cũng vào mỗi sáng ngày đầu tuần, tại hơn 70 toà nhà này lại phát trực tiếp hình ảnh từng nhân viên thực hiện cắt móng tay và rửa tay sạch sẽ trước khi vào ca làm việc.

Những người đứng đầu của PMC cũng không ngừng tiếp sức cho nhau và nhắc nhở bản thân nỗ lực hết mình để tận tâm phục vụ khách hàng như câu khẩu hiệu vẫn được hô vang đều đặn mỗi khi bắt đầu cuộc họp: “Chúng ta hiểu rằng đằng sau mỗi đồng nghiệp là một khách hàng, chính vì vậy chúng ta cần luôn luôn lắng nghe, luôn luôn tôn trọng, luôn luôn phục vụ, luôn luôn giúp đỡ, luôn luôn kịp thời, học trong công việc, học qua trải nghiệm, xây dựng con người, làm chủ bản thân”.

Những thói quen tưởng chừng nhỏ nhặt mà hiếm thấy kia lại mang đến nhiều thay đổi lớn. Những hành động này, theo ông Minh, thực chất đều thể hiện triết lý quản trị “hành động liên tục – tạo thói quen tốt”. Điều này đóng vai trò hết sức quan trọng khi nguồn lực chưa thích ứng được với các chuẩn hoá trong nghề nghiệp, tính kỷ luật của con người còn thấp bởi ý thức cộng đồng còn quá cao.

Ngoài ra, việc phát trực tiếp bản tin tại các toà nhà và trên mạng xã hội là công cụ để PMC lan toả hình ảnh cũng như để mỗi nhân viên cảm thấy hãnh diện với công việc mà mình đang làm. Điều này cũng nhằm thể hiện tính minh bạch trong công việc, đặc biệt đối với nghề dịch vụ, khi việc chuẩn hoá các hành động và điều chỉnh hành vi là cần thiết để có được niềm tin của khách.

Theo ông Minh, dịch vụ quản lý bất động sản không đơn thuần là dọn vệ sinh, bảo vệ an ninh, bảo trì, bảo dưỡng máy móc trong toà nhà mà là nghề dịch vụ phục vụ con người. Đằng sau mỗi lãnh đạo là một nhân viên, đằng sau mỗi khách hàng không phải là thượng đế mà là một con người bởi thượng đế bao dung, còn sự hài lòng của khách hàng không bao giờ là tuyệt đối.

Do vậy, việc đào tạo nhân viên có được một nề nếp văn hoá, coi trọng cuộc sống của chính mình để từ đó lắng nghe đời sống của khách hàng là điều PMC rất coi trọng.

Từ tháng 6/2017 đến nay, PMC đã có bước thay đổi mạnh mẽ trong chủ trương xây dựng con người, lấy văn hoá làm nền tảng. Mỗi một thành viên của công ty đều được trau dồi về mỹ học, âm nhạc, thẩm âm, học trà đạo… Đây là bước đi đầu tiên của công ty này trong chiến lược xây dựng con người, làm chủ bản thân trong giai đoạn 2020 – 2025.


Mỗi một thành viên của PMC đều được trau dồi về mỹ học, âm nhạc, thẩm âm, trà đạo

Mỗi thành viên PMC được trau dồi nền tảng cơ bản về âm nhạc, mỹ học để hình thành trong mình sự chủ động trong việc cảm thụ, thông qua hội hoạ để cảm nhận những điều tốt đẹp của cuộc sống, để họ không chỉ trở nên chuyên nghiệp hơn trong vai trò nhân viên dịch vụ mà còn giúp cho từng cá nhân cảm nhận được mục đích sống của mình, làm hành trang đón nhận những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

“Tại PMC, mỗi con người là một câu chuyện, mỗi một người là một triết lý mang tính nhất quán của ngành dịch vụ – ngành dịch vụ con người chứ không phải sản xuất hàng hoá”, ông Minh tự hào.

Theo ông Minh, học âm nhạc, mỹ học hay trà đạo là cách để con người nuôi dưỡng xúc cảm, làm chủ bản thân, tránh bị đẩy vào vòng cuốn của thế hệ doanh nghiệp siêu nhỏ, chỉ biết cuốn mình vào vòng xoáy phong trào.

Đó cũng chính là những giá trị giúp mỗi thành viên PMC vượt qua những thách thức trong công việc hàng ngày khi làm việc với khách hàng. Lấy những triết lý của phật pháp như lòng thành, lợi tha cũng như tinh thần Omotenashi của người Nhật để đối xử với khách hàng bằng lòng thành, phục vụ hết mình.

Xây dựng cá nhân trở thành công dân toàn cầu bắt đầu từ những bước đi nhỏ nhất, làm sạch theo tiêu chuẩn quốc tế, lấy phong cách làm sạch của đội ngũ tàu cao tốc Sinkasen Nhật Bản để đào tạo giúp nhân viên được thăng hoa trong công việc như khi được đắm chìm trong những bản nhạc tại các biệt thự, trụ sở, văn phòng, chung cư, trung tâm thương mại do PMC quản lý.

Sản phẩm của quá trình lao động sẽ là những tác phẩm hay, đặc sắc mà khán giả có cơ hội được thưởng thức chính là mỗi vị khách hàng.

Ông Minh nhìn nhận, để chạm được đến trái tim của cả ba nhóm khách hàng cũng như để họ chạm được đến trái tim của nhau thì tất cả phải có chung một nền tảng là tinh thần bao dung và hợp tác, phát triển và cùng một mục tiêu xây dựng cộng đồng chung cư an toàn, văn minh và đáng sống. Để mỗi một cư dân hãnh diện về nơi ở của mình, để “khi ta ở là nơi đất ở, khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn.”

Theo The Leader