Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Thời cơ vàng để doanh nhân Việt “chinh phục” châu Âu

Liên minh châu Âu (EU), với các thiết chế pháp lý minh bạch và đồng bộ áp dụng cho một thị trường chung tập hợp nhiều quốc gia phát triển, cộng với việc ký kết Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, hứa hẹn sẽ là khu vực đáng giá để nhà đầu tư Việt quan tâm.

Các loại hình sản xuất và thương mại, các mô hình kinh doanh của các quốc gia EU hết sức đa dạng và nhà đầu tư có thể “xuống tiền” ở hầu hết các lĩnh vực. Bên cạnh dịch vụ, các ngành công nghiệp quan trọng của Liên minh châu Âu phải kể đến bất động sản, logistic, công nghệ Nano, công nghệ viễn thông hay công nghệ hàng không.

Các nguyên tắc tạo “đòn bẩy” cho thị trường nội khối

Các mục tiêu cơ bản đáng chú ý của EU là thiết lập thị trường chung, song song đó là một liên minh hải quan để tạo điều kiện cho tự do lưu thông hàng hoá, vốn, dịch vụ và con người giữa các quốc gia thành viên; bên cạnh việc áp dụng một hệ thống thuế quan thống nhất. Hàng hoá sau khi được nhập vào thị trường chung châu Âu sẽ không phải chịu thuế hải quan hay thuế hạn chế nhập khẩu.

Chính sách thương mại đáng chú ý tiếp theo phải kể đến quyền tự do lưu chuyển dòng vốn được EU phê chuẩn nhằm giúp việc đầu tư nội khối dễ dàng hơn. Sau khi Hiệp ước Maastricht được ký kết, rất nhiều quy phạm pháp luật về lưu chuyển vốn đã được ban bố, khiến cho quá trình này trở nên phù hợp hơn với nhà đầu tư. Ngay cả các quốc gia không thuộc EU cũng công nhận quyền này.

Với công dân EU, họ được tự do đi lại và làm việc tại các nước thành viên. Quyền tự do di chuyển về dịch vụ và cư trú đảm bảo rằng công dân EU hoạt động trong ngành dịch vụ được tự do di chuyển trong nội khối vì các mục đích tìm kiếm lợi nhuận hợp pháp.

Khu vực đồng tiền chung và nỗ lực đảm bảo cạnh tranh lành mạnh

Việc tạo ra khu vực đồng tiền chung Euro được tạo ra nhằm thiết lập một thị trường tài chính thống nhất, minh bạch tối đa có thể, bình ổn giá cả và duy trì mức lãi suất phù hợp. EU cũng có đạo luật cạnh tranh được quản lý bởi Hội đồng châu Âu với mục đích ngăn chặn các hành vi phản cạnh tranh của các công ty trong trường hợp do muốn liên kết để tạo thế độc quyền, gây phương hại đến thị trường.

Với EVFTA, doanh nhân Việt đã được “trải thảm đỏ”

Với các cam kết ưu đãi về thuế quan được nêu trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), doanh nghiệp Việt sẽ có nhiều điều kiện tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) quy định về việc Việt Nam và EU cam kết đối xử tối huệ quốc với nhà đầu tư của hai bên, không trưng thu tài sản của nhà đầu tư mà không có bồi thường thỏa đáng.

Như vậy, với các lợi thế từ EVFTA và IPA, cộng với chính sách ưu đãi đặc thù của từng quốc gia cụ thể, doanh nghiệp và doanh nhân Việt hiện đang có “thời cơ vàng” để phát triển kinh doanh tại châu Âu. Chẳng hạn như Hy Lạp có chương trình “Visa vàng” thông qua đầu tư bất động sản với điều kiện hết sức dễ dàng, có thể giúp cả gia đình của nhà đầu tư hưởng các quyền lợi hấp dẫn sau khi có được tư cách công dân châu Âu. Hay Cộng hoà Síp cũng được biết đến với chương trình đầu tư thị thực và dành rất nhiều ưu đãi thuế cũng như chính sách cho doanh nghiệp.

Theo Nhịp Sống Kinh Tế