Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

‘Thắt lưng buộc bụng’ – chiến lược sinh tồn của startup Đông Nam Á thời đại dịch COVID-19

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến các startup Đông Nam Á phải cắt giảm chi phí, hoãn kế hoạch mở rộng, thậm chí sa thải một số nhân viên.

Khi thế giới phải đối phó với đại dịch COVID-19, các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á phải đối mặt với một trận chiến khác: Thiếu hụt tiền mặt.

Dịch bệnh bùng phát khiến hoạt động kinh tế tê liệt, các startup buộc phải vật lộn để cắt giảm chi phí, sa thải nhân sự và giảm thu nhập của nhân viên.

Fomo Pay, một startup về thanh toán kỹ thuật số đã mong đợi một năm tăng trưởng đầy hứa hẹn, khi lĩnh vực công nghệ tài chính ở Đông Nam Á tiếp tục bùng nổ với số lượng người tiêu dùng tăng chi tiêu qua ví điện tử.

Nhưng công ty có trụ sở tại Singapore này chưa bao giờ tưởng tượng về một đại dịch sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới như COVID-19. Tất cả đều phải nỗ lực ngăn chặn lây nhiễm virus corona và tìm mọi cách kiểm soát dịch bệnh.

Fomo chứng kiến các giao dịch thanh toán kỹ thuật số giảm hơn 50% trong tháng 2 khi dịch bệnh bùng phát ở khu vực Đông Nam Á. Công ty phải sa thải một số nhân viên bán thời gian và tạm hoãn các kế hoạch mở rộng quy mô ở Malaysia và Myanmar trong quý III, hoặc lâu hơn nữa.

“Các biện pháp này đã giúp chúng tôi giảm bớt khoảng 10%-20% chi phí”, Zack Yang, đồng sáng lập Fomo nói với Nikkei Asian Review. “Đây là một tình huống rất tồi tệ – thị trường tài chính không có tín hiệu khả quan nào cả”.

Năm 2019, vốn rót vào các startup trong khu vực Đông Nam Á đạt 9,5 tỷ USD, giảm 30% so với năm trước, theo DealStreetAsia. Lý do là các nhà đầu tư trở nên cẩn trọng hơn khi lựa chọn các công ty khởi nghiệp sau các đợt IPO gây thất vọng ở Mỹ, bao gồm cả Uber.

Trong bối cảnh đó, dịch COVID-19 bùng phát khiến các nền kinh tế và thị trường trên toàn cầu gặp khủng hoảng trong quý đầu năm 2020. Điều này làm cho các startup càng khó khăn hơn trong việc huy động vốn.

“Khả năng sẽ có rất ít vốn đầu tư”, GV Ravishankar, Giám đốc điều hành tại Sequoia Capital Ấn Độ, cảnh báo các nhà sáng lập khởi nghiệp trong một cuộc họp video hồi đầu tháng này. Ông đưa ra lời khuyên, các startup nên cắt giảm chi tiêu “nhanh chóng và sâu rộng”.

Yang cho biết, startup của ông cũng phải thực hiện cắt giảm lương từ 20% đến 50%. Các hoạt động kinh doanh tài chính quốc tế cùng động thái cắt giảm chi phí sớm đã giúp cho công ty may mắn đủ doanh thu để trang trải chi phí hoạt động trong tháng 3.

Fomo là một trong số những startup trẻ ở Đông Nam Á phải đối mặt với thời kỳ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Yang và một số nhà sáng lập đã tìm đến sự hỗ trợ trong cộng đồng khởi nghiệp có tên “SEA founders” gồm hơn 30 doanh nhân đến từ Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Giden Lim, Giám đốc điều hành của Bloom This – một startup giao hoa có trụ sở tại Malaysia và là thành viên của SEA Founders cho biết, công ty bị ảnh hưởng nặng nề do Malaysia cấm các cuộc tụ tập đông người, hạn chế di chuyển và các hoạt động xuất/nhập cảnh.

“Doanh thu giảm 90% và chúng tôi không biết rõ tình trạng này còn kéo dài đến bao lâu”, ông nói, “Điều đó cũng không có nghĩa là mọi thứ sẽ trở lại như trước đây [sau khi các hạn chế được dỡ bỏ] khi hiện tại khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về tài chính”.

Lim buộc phải cắt giảm tất cả các chi phí tiếp thị, nhờ chủ nhà giúp đỡ, tìm kiếm hỗ trợ từ các ngân hàng và xem xét giảm lương. “Chúng tôi xác định rằng tình trạng này có thể kéo dài 12 tháng hoặc thậm chí cần nhiều thời gian hơn để phục hồi. Cố gắng hết sức để cắt giảm chi phí nhiều nhất có thể và tìm kiếm cơ hội mới sẽ rất quan trọng để sống sót qua cuộc khủng hoảng này“, ông nói.

Nhà phát triển trò chơi Agate International có trụ sở tại Indonesia quyết định dừng các hoạt động tuyển dụng vì không có doanh thu. Giám đốc điều hành của Agate, Shieny Aprilia cho biết, công ty của cô phải cắt giảm chi phí và duy trì hoạt động tối thiểu để có thể tồn tại trong thời gian từ 6 đến 12 tháng cho đến khi mọi thứ trở lại bình thường.

Ngay cả những công ty có nguồn tài chính vững vàng cũng tìm cách cắt giảm chi phí. Ảnh: Nikkei

Theo khảo sát các thành viên trong nhóm SEA founders, hơn 70% các công ty khởi nghiệp coi doanh thu bị đóng băng là thách thức lớn nhất của họ. 62% trong số đó cho rằng cắt giảm chi phí là cấp thiết. Do trước đây chi tiêu nhiều để mở rộng thị trường, các công ty này đã phải xem xét và thay đổi hướng đi.

Nhà bán lẻ kính mắt trực tuyến của Thái Lan Glazziq và nền tảng tuyển dụng Urbanhire của Indonesia cũng cho biết, họ phải điều chỉnh các hoạt động vận hành trước những thách thức hiện tại. Theo Giám đốc điều hành của Glazziq, Prinda Pracharktam, startup của cô đã tạm hoãn kế hoạch điều chỉnh lương và các khoản thưởng cho đến cuối năm đồng thời dừng các kế hoạch mở rộng.

Ngay cả các công ty khởi nghiệp có tài chính vững vàng do huy động được vốn từ trước cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Caecilia Chu, Giám đốc điều hành của ví kỹ thuật số YouTrip có trụ sở tại Singapore, cho biết công ty đã cắt giảm chi phí nhân sự ở các vị trí quản lý cấp cao và 50% chi phí tiếp thị. Mặc dù YouTrip đã nhận được một khoản đầu tư 30 triệu USD thì “người tiêu dùng giảm chi tiêu, vì vậy chúng tôi bị ảnh hưởng”, Chu nói.

Nhiều công ty quy mô lớn khác cũng bị ảnh hưởng. Startup kỳ lân đặt phòng du lịch Indonesia Traveloka buộc phải sa thải 100 nhân viên tương ứng 10% số lượng nhân sự của công ty. Công ty này phải hoàn một khoản tiền khổng lồ cho khách hàng trong tháng 2 do ảnh hưởng của dịch liên quan đến lĩnh vực du lịch.

Các biện pháp hạn chế di chuyển để tránh virus lây lan đã khiến các công ty khởi nghiệp khó khăn trong hoạt động huy động vốn.

Hyuk-Tae Kwon, Giám đốc điều hành của công ty liên doanh có trụ sở tại Singapore, cho biết ông sẽ tập trung vào việc hoàn thành một số ít các thỏa thuận mà ông đã cam kết trong thời gian trước đó.

“Tôi không chủ động xem xét các giao dịch mới vì các cuộc gặp mặt trực tiếp rất khó khăn”, ông nói. “Đầu tư mạo hiểm là một ngành công nghiệp “kỹ tính”, nơi bạn không thể chỉ nhìn vào bảng tính và giấy.”

Trong khi các công ty khởi nghiệp có thể dựa vào các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ Đông Nam Á, Jixun Foo, quản lý tại công ty đầu tư mạo hiểm GGV Capital có trụ sở ở Trung Quốc, cho biết các công ty khởi nghiệp cũng nên tối ưu hóa các hoạt động trong khi vẫn duy trì các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của họ.

Nhìn vào nội bộ để quản lý tài chính của công ty tốt hơn và củng cố lại một số hoạt động. Điều này sẽ cho các nhà đầu tư thấy được sức mạnh của công ty trong tương lai vì [khả năng đối phó] với khủng hoảng là một trong những yếu tố mà các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm đối với bất kì một doanh nghiệp nào”, Foo nói.

Theo DNSG