Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Sếp Tập đoàn Tân Long kể chuyện “vượt khó” với thương hiệu “heo ăn chay”: Chúng tôi luôn duy trì tinh thần khởi nghiệp

Trong bối cảnh các doanh nghiệp đối mặt nhiều thách thức, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long cho biết họ đã nỗ lực thích nghi bằng cách thu hẹp mảng bán buôn, chuyển trọng tâm sang lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng thương hiệu, bao gồm việc ra mắt sản phẩm “heo ăn chay”.

Sếp Tập đoàn Tân Long kể chuyện “vượt khó” với thương hiệu “heo ăn chay”: Chúng tôi luôn duy trì tinh thần khởi nghiệp - Ảnh 1.
Sản phẩm thịt “heo ăn chay” của BaF – công ty thành viên của Tập đoàn Tân Long. Ảnh: VTC.

Chia sẻ trên được ông Nguyễn Chánh Trung – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long đưa ra trong Diễn đàn thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2023, do VnEconomy và Bộ Ngoại giao tổ chức hôm 11/1.

Tại sự kiện, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết môi trường quốc tế và khu vực được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều rủi ro, biến động, dẫn đến nhiều thách thức hơn. Do đó, ông đánh giá chủ đề “Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức” của diễn đàn năm nay là phương châm hành động thức thời đối với tất cả các ngành và doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Ông Nguyễn Chánh Trung cho biết Tập đoàn Tân Long cũng không tránh khỏi khó khăn giữa những biến động của thời cuộc và thị trường. Ngay khi doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gạo nội địa với nhãn hàng A An hồi giữa năm 2019, đại dịch Covid-19 bùng phát.

Thời điểm đó, Tân Long nghĩ đến việc phải ứng dụng nền tảng số vào quản trị, bởi nhận thấy chuyển đổi số một cách bài bản rất quan trọng. Tuy nhiên, ông Trung cho biết việc xây dựng nền tảng tốn chi phí rất lớn, kèm theo nhiều vấn đề nan giải khác.

Tới giai đoạn 2020-2021, Tân Long xác định lĩnh vực bán buôn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như tình hình chính trị – xã hội thế giới, những thay đổi trong thị trường bao gồm nguồn vốn, tỷ giá. Do đó, tập đoàn chủ động thu hẹp lĩnh vực bán buôn, tập trung đầu tư cho hai mảng lúa gạo và chăn nuôi.

Quá trình của chúng tôi là nghiên cứu chính sách, kế hoạch phát triển dài hạn và chuyển trục. Chúng tôi chủ động thu hẹp lĩnh vực bán buôn – vốn có nhiều yếu tố khó kiểm soát, đồng thời nhân cơ hội tập trung đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng thương hiệu”, Phó Tổng Giám đốc Tân Long chia sẻ.

Lấy ví dụ về thương hiệu gạo A An, ông Trung cho biết Tân Long cố gắng thêm giá trị gia tăng vào sản phẩm bằng cách giới thiệu mô hình lúa tôm Việt Nam tại thị trường Nhật Bản và nhận phản hồi tích cực. Trong ngành chăn nuôi, ông đánh giá Tân Long lựa chọn con đường khó bởi heo là loài khó nuôi nhất. Thêm vào đó, Tập đoàn còn phải cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI.

Ở Tập đoàn Tân Long luôn có tinh thần khởi nghiệp, phải tìm kiếm sự khác biệt. Trên thị trường, rất nhiều doanh nghiệp chăn nuôi đã hoạt động 20 năm rồi. Chúng tôi đang ở top 5 và định hướng trước 2023 có thể vào top 3, thậm chí trở thành doanh nghiệp top đầu với quy mô đàn heo khoảng 6 triệu con”.

Ngày 26/10 vừa qua, chúng tôi ra mắt sản phẩm heo ăn chay. Đó là cách tìm kiếm sự khác biệt cho sản phẩm. Heo ăn chay là lời cam kết đối với nguyên liệu đầu vào”.

Sếp Tập đoàn Tân Long kể chuyện “vượt khó” với thương hiệu “heo ăn chay”: Chúng tôi luôn duy trì tinh thần khởi nghiệp - Ảnh 2.
Ông Nguyễn Chánh Trung – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long.

“Đàn heo của chúng tôi ăn đạm thực vật, không có yếu tố tận thu từ ngành giết mổ động vật như bột lông vũ, bột huyết, bột xương thịt. Chúng ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Một tôn chỉ mà tôi nghĩ 10-20 năm sau chúng tôi vẫn sẽ bám vào là ưu tiên chất lượng sản phẩm”, ông Trung phát biểu.

Tóm tắt bí quyết vượt khó cho doanh nghiệp từ kinh nghiệm của Tập đoàn Tân Long, ông Trung chỉ ra rằng họ luôn duy trì tinh thần khởi nghiệp. Mới đây Tân Long cũng định hướng lại chiến lược, ưu tiên nguồn vốn để xây dựng chuỗi giá trị thực sự.

Ví dụ với lúa gạo chúng tôi xây dựng cánh đồng lớn, cùng nông dân đầu tư và bước đầu đã kêu gọi được nguồn vốn. Đối với chăn nuôi, chúng tôi vượt khó bằng cách không quá lệ thuộc vào nguồn vốn vay, mà chủ động làm việc với những bên như Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Họ đầu tư trái phiếu cho chúng tôi với lãi suất rất rẻ”, ông Trung giải thích.

Lãnh đạo Tập đoàn Tân Long kiến nghị thêm rằng doanh nghiệp mong muốn nắm bắt chính sách sớm hơn, nhằm giảm thiểu sự bị động trước những thay đổi của thị trường.

Trong khi đó, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực – người điều phối phiên thảo luận góp ý hai khía cạnh doanh nghiệp có thể cân nhắc.

Đầu tiên là làm thế nào để làm chủ được nguồn thức ăn chăn nuôi, giảm nhập khẩu, từ đó sẽ khắc phục được nhiều vấn đề bao gồm tỷ giá và chuỗi cung ứng. Thêm vào đó là khâu chế biến. Từ chia sẻ của đại diện Tập đoàn Tân Long, ông Lực đánh giá doanh nghiệp đã chủ động, linh hoạt, nhưng còn rất nhiều khó khăn thách thức.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển Thị trường Nông sản, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn góp ý thêm rằng việc đổi mới sáng tạo, kinh tế số trong nông nghiệp, tức là thay đổi phương thức quản trị sẽ là một phương hướng cho doanh nghiệp.

Đổi mới về mặt quản trị ngành hàng, phương thức quản lý, chiến lược của doanh nghiệp tập trung vào mũi nhọn thực sự mới khơi dậy được sức mạnh của nông nghiệp, nông thôn, đem lại giá trị cao nhất cho người nông dân”, ông Toản cho hay.

Theo Nhịp Sống Thị Trường