Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Phó TGĐ Công ty CP Thương mại – Cơ khí Tân Thanh Kiều Ngọc Phương: “Tôi khởi nghiệp vì sự phát triển của công ty và xã hội”

Kiều Ngọc Phương sinh năm 1991, hiện làm Phó tổng giám đốc Công ty CP Thương mại – Cơ khí Tân Thanh. Chị tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh tại Đại học La Verne – California (Mỹ) và là một trong những gương mặt tiêu biểu của Liên đoàn lãnh đạo và doanh nhân trẻ thế giới tại Việt Nam (JCI Việt Nam). 

* Khi nhiều bạn trẻ 9X còn đang loay hoay với giấc mơ khởi nghiệp thì Phương đã là lãnh đạo của một doanh nghiệp lớn. Chị có thể chia sẻ với bạn đọc Báo Doanh Nhân Sài Gòn những trở ngại mà chị đã vượt qua?

– Sau khi tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh tại Mỹ về nước năm 2012, tôi quyết định về làm tại Công ty CP Thương mại – Cơ khí Tân Thanh, một trong những công ty sản xuất và kinh doanh container, sơmi rơmooc lớn nhất Việt Nam. Khi đó Tân Thanh đã là một doanh nghiệp gần 20 năm tuổi, đã có quy trình, đang được vận hành hiệu quả. Đây là công ty của gia đình tôi. Dù được sự hậu thuẫn chu đáo của ba mẹ và hướng dẫn tận tình của các cô chú, anh chị em trong công ty… nhưng bản thân tôi đã gặp vô số những trở ngại ngay từ những ngày đầu nhận việc. Có hai vấn đề lớn mà tôi phải đương đầu lúc đó. Thứ nhất, bản thân tôi phải nhanh chóng nắm bắt kiến thức ngành hàng, chủng loại sản phẩm, về thị trường, về đối thủ cạnh tranh. Thứ hai, áp lực rất lớn đến từ sự kỳ vọng của ba mẹ tôi, cũng như sự “không phục” từ những đồng nghiệp khác. 

Để có thể vượt qua những trở ngại này, tôi đã cố gắng làm việc, khiêm tốn và không ngừng học hỏi trong hơn 7 năm qua. Tôi đã được luân chuyển qua nhiều vị trí, nay là quản trị cao cấp phó tổng giám đốc. Tôi đang tự tin gánh vác một mảng lớn công việc do Hội đồng quản trị công ty giao phó.

Phó TGĐ Công ty CP Thương mại – Cơ khí Tân Thanh Kiều Ngọc Phương: “Tôi khởi nghiệp vì sự phát triển của công ty và xã hội”

* Chị như là một hình mẫu mà giới trẻ muốn hướng đến: tốt nghiệp trường đại học nước ngoài, có sản nghiệp gia đình là điểm tựa vững chắc. Chị có bị áp lực “phải” luôn chỉn chu, luôn thành công và luôn là người dẫn đầu ?

– Sự chỉn chu bề ngoài thể hiện tâm hồn bên trong là sự chu đáo, tinh tế và kỹ lưỡng. Vì vậy, tôi thích vẻ ngoài chỉn chu, phù hợp tình huống và bối cảnh mà mình tham gia hay xuất hiện. Tôi chưa bao giờ bị áp lực “phải” luôn thành công và “phải” luôn là người dẫn đầu. Điều này thật mệt mỏi vì phải gồng mình thể hiện. Tôi thích lối sống chân thành, gần gũi, chu đáo.

* Công ty Tân Thanh là doanh nghiệp mà ba mẹ Phương đổ công sức và tâm huyết gầy dựng suốt cả cuộc đời. Hiện tại Tân Thanh là doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất – kinh doanh dịch vụ container, sơmi rơmooc và các dịch vụ logistics. Ở thời khắc nhận chuyển giao thế hệ, chị có thấy trách nhiệm gìn giữ và phát triển sản nghiệp gia đình là áp lực?

– Thực sự đây là một áp lực vô cùng lớn, bao gồm trách nhiệm riêng chung.Trách nhiệm riêng là trách nhiệm đối với ba mẹ trong việc giữ gìn, phát triển sản nghiệp gia đình. Trách nhiệm chung của tôi lại còn lớn lao hơn: Tân Thanh là “nồi cơm” nuôi sống hàng ngàn nhân viên và gia đình họ, tôi có trách nhiệm giữ gìn và phát triển công ty; để cán bộ, nhân viên Tân Thanh có công việc ổn định, có nguồn thu nhập tốt, gia đình của họ được ấm no hạnh phúc.

* Theo nghiên cứu mới đây của Deloitte toàn cầu, chỉ có 30% doanh nghiệp gia đình thực hiện chuyển giao thành công sang thế hệ thứ hai, chị đánh giá thế nào về sự chuyển giao đang diễn ra tại Tân Thanh?

– Số liệu 30% trên khá thú vị, nhưng tôi nghĩ kết quả điều tra diện rộng chỉ để tham khảo. Còn tôi thì hiểu rất rõ nội tại của Tân Thanh, nên cũng biết cách làm thế nào để việc chuyển giao thành công.Công việc chuyển giao trách nhiệm lãnh đạo công ty không phải là những tuyên bố ầm ĩ. Mà thực tế, nó diễn ra âm thầm, lặng lẽ trong nhiều năm với nhiều phần việc, nhiều vấn đề phải nắm bắt. Ban đầu, tôi được ba mẹ giao những công việc hàng ngày, giao quyền điều hành từng dự án, cho tới việc ủy thác các mối quan hệ đối tác… Cứ thế, cho đến khi người kế nghiệp có thể tự tin, độc lập trong vai trò quản trị chính thức. Khi đó, văn bản thông báo chỉ là thủ tục.

* Chị có nhận xét gì về sự phát triển của ngành logistics ở Việt Nam hiện tại, năng lực cạnh tranh đối với khu vực và thế giới trong tương lai?

– Hiện nay, chi phí logistics trong vận chuyển ở nước ta còn tương đối cao. Nhu cầu phát triển, mở rộng dịch vụ logistic giúp cho việc giao thương hàng hóa cần được tối ưu hóa để giảm chi phí là nhu cầu bức thiết. Đối với vấn đề này, Chính phủ cùng các bộ, ngành hiện rất quan tâm và đã phê duyệt kế hoạch hành động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Vì thế, bản thân tôi tin tưởng ngành logistics Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

* Sản xuất – kinh doanh container và sơmi rơmooc vốn là lĩnh vực đặc thù và có vẻ không phù hợp với phụ nữ – nhất là phụ nữ trẻ, chị có tự tin đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp?

– Để Tân Thanh có được thành công như hôm nay, yếu tố quan trọng nhất chính là sự quyết tâm thành đạt của ba mẹ tôi. Bản thân anh em tôi (tôi và anh trai) cũng trải qua vô số sự chịu đựng, hy sinh. Và biết bao công sức cống hiến thầm lặng của hàng ngàn cán bộ nhân viên Tân Thanh trong suốt 25 năm qua. Với thị trường trong và ngoài nước, ngành logistics tương lai vẫn còn nhiều tiềm năng, tôi tin rằng nếu duy trì và phát huy tinh thần làm việc đầy trách nhiệm của mọi người, doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững. Khi ký được hợp đồng với khách hàng Nhật Bản và trong suốt quá trình hợp tác với họ, tôi đã học được ở người Nhật tư duy cải tiến không ngừng. Điều này tương tự những gì thế hệ đi trước tôi từng làm. Họ giống nhau ở một điểm là mục tiêu luôn hướng về chất lượng. Điều này mới là quan trọng, chứ không do người lãnh đạo doanh nghiệp là nam hay nữ!

* Chị áp dụng kiến thức đã học tại Mỹ vào doanh nghiệp của mình như thế nào? Và có kế hoạch gì cho việc phát triển Tân Thanh trong giai đoạn mới?

– Tôi đã áp dụng rất nhiều phương pháp quản trị tại Mỹ vào Tân Thanh.Trong đó có hai yếu tố quan trọng: phải đặt người tài năng vào đúng chỗ của họ để họ có thể phát huy hết năng lực và việc quản trị ở qui mô lớn cần áp dụng phần mềm quản lý trực tuyến (ai đang ở đâu, làm gì, làm như thế nào, tình trạng công việc, các bước tiếp theo, kết quả mong đợi…). Vào năm 2016, bản thân tôi cùng ban lãnh đạo công ty đã thành công khi là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam đạt Chứng chỉ quản lý chất lượng ISO 9001:2015 từ tổ chức QMS. Giấy chứng nhận do QMS cấp được ban hành theo hệ thống công nhận JAS-ANZ tại Úc có giá trị toàn cầu. Năm 2018 đến nay, Tân Thanh còn phối hợp với FPT xây dựng hệ thống ERP (Enterprise Resoure Planning). Tôi chấp nhận đầu tư thời gian, tiền bạc, chất xám để hoàn thành hệ thống này. Với doanh thu tăng trưởng ổn định ở mức 25-30%/năm, tôi tin vào định hướng phát triển bền vững của Tân Thanh.

* Không chỉ là một lãnh đạo doanh nghiệp, chị còn tham gia công tác xã hội. Được biết, hiện chị đang là thành viên JCI kiêm Giám đốc Dự án Build Your Future 2018. Đây là dự án trọng điểm của JCI, thuộc chi hội Nam Sài Gòn (JCI South Saigon). Dự án này hướng dẫn học sinh trung học cơ sở lựa chọn nghề nghiệp; vào đời phù hợp với năng khiếu, đam mê, nhu cầu của bản thân và xã hội. Chị mong muốn điều gì khi tham gia các hoạt động này?

– Tính đến cuối năm 2017, theo Bộ Lao động Thương binh Xã hội, có hơn 200.000 cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp; mà một trong những nguyên nhân chính là do sự đánh giá, chọn lựa ngành nghề của các em không phù hợp với tính cách, sở trường và đam mê. Do đó, với Dự án Build Your Future 2018, chúng tôi muốn giúp hàng ngàn học sinh trung học cơ sở sớm xác định được hướng đi, chuẩn bị hành trang vào đời với một công việc phù hợp. Chúng tôi muốn mọi người chú ý nhiều hơn vào việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp cho các em ở giai đoạn trung học cơ sở, chứ không chỉ quan trọng việc chọn ngành thi vào đại học.

* Hội Doanh nghiệp quận 2 tin tưởng trao cho chị vị trí phó chủ tịch, chị sẽ làm gì để hỗ trợ hội viên và phát triển hội?

– Bản thân tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; sát cánh cùng các anh chị trong ban chấp hành hội tổ chức, tập hợp, kết nối hiệu quả các doanh nghiệp trong và ngoài quận với nhau. Để từ đó tạo sự gắn bó, hỗ trợ giữa các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

* Được biết, chị còn là đại biểu HĐND quận 2, chị đã thực hiện lời hứa với 5 chương trình hành động khi tham gia tranh cử như thế nào?

– Thực tế khi chính thức trở thành người đại biểu của dân, là cầu nối giữa cử tri với chính quyền, tôi mới cảm nhận hết vai trò, trách nhiệm và sự phức tạp của cuộc sống đang diễn ra hàng ngày. Không ngờ làm người đại biểu nhân dân lại khó đến vậy! Người dân vốn hiền hòa, nhân hậu. Điều họ quan tâm rất giản dị, gần gũi. Đó là an sinh cuộc sống, là an toàn thực phẩm, an toàn giao thông… Khi tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ, tôi đã nhận thức đúng đắn hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trước chính quyền, trước nhân dân. Tôi luôn luôn cố gắng lắng nghe và đề đạt nguyện vọng của nhân dân lên các cấp thẩm quyền vào những lúc hiệu quả nhất, cần thiết nhất.

* Chị có lời khuyên hay chia sẻ gì với các bạn trẻ trên con đường khởi nghiệp?

– Tôi cho rằng, dù bạn chọn ngành nghề gì đi nữa, sản phẩm và dịch vụ mà bạn cung cấp phải thực sự hữu ích với nhu cầu xã hội, thực sự giúp đời sống con người tốt đẹp hơn. Như vậy sẽ dễ thành công hơn. Bài học quí giá này tôi học được từ ba mẹ tôi, từ thế hệ những người đi trước.

* Cảm ơn chị đã chân tình chia sẻ!  

Theo Doanh nhân sài gòn