Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Phát thật nhiều tiền cho dân: Kế sách được chuyên gia Workd Bank khuyên các nước nghèo thực hiện nhằm đối phó với Covid-19

Tại những thời kỳ đặc biệt như hiện nay, nước càng nghèo càng phải phát tiền rộng rãi để cứu người dân lẫn nền kinh tế. Tiết kiệm ngân sách thời điểm này là không khôn ngoan.

Trong khi những cường quốc như Mỹ có thể thông qua gói cứu trợ hàng nghìn tỷ USD để chống lại các tác động kinh tế tiêu cực do Covid-19 gây ra thì nhiều nước nghèo trên thế giới lại đang phân vân do ngân sách hạn hẹp.

Mới đây, Chuyên gia Berk Ozler đã có bài đăng trên trang web của Ngân hàng thế giới (World Bank) về việc liệu những nước thu nhập thấp có thể làm gì để vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế do Covid-19 gây ra mà lại không có nhiều ngân sách.

Theo đó với một nền kinh tế thu nhập thấp, các gói cứu trợ cho những người nghèo dù là nhỏ nhất cùng với các chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ để duy trì hoạt động được coi là hợp lý để đối phó khủng hoảng hiện nay.

Nói cách khác, chính phủ vẫn nên phát tiền cho người dân thông qua bất kỳ hình thức nào, từ vay vốn ưu đãi cho đến các chương trình hỗ trợ tín dụng. Thậm chí dù ngân sách hạn hẹp nhưng tại các nước nghèo, chính phủ còn nên phát tiền tích cực hơn bởi khủng hoảng sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến cả tầng lớp trung thượng lưu.

Phát tiền là khôn ngoan nhất

Theo chuyên gia Ozler, do phần lớn thành phần kinh tế của những nước nghèo nằm trong mảng không chính thức, không thể với đến các khoản ưu đãi của ngân hàng nên chính phủ không có nhiều lựa chọn ngoài việc dựa vào hệ thống an sinh xã hội cũng như khoản ngân sách hạn hẹp của mình để cứu người dân.

Thêm vào đó tại nhiều nước, hệ thống tài chính cũng không hiệu quả để thực hiện một chính sách ưu đãi tín dụng trong cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra. Bởi vậy phát tiền diện rộng vẫn là cách tối ưu nhất.

Mặc dù một số nước có những chương trình hội chợ việc làm nhằm đảm bảo lao động có việc làm trong thời gian khủng hoảng. Tuy nhiên biện pháp này không thực tế trong thời dịch Covid-19 do phải hạn chế tụ tập.

Tất nhiên, việc phát tiền này có thể thay đổi bằng phiếu mua hàng hay bằng hiện vật như nhu yếu phẩm. Dẫu vậy, do dịch bệnh hoành hành nên việc chuyển tiền dễ dàng cũng như an toàn hơn rất nhiều so với việc tổ chức vận chuyển phân phát nhu yếu phẩm.

Như vậy, chính phủ các nước nghèo nên phát tiền cho người dân, nhưng với ngân sách ít ỏi, nhiều nhà hoạch định chính sách tỏ ra khá ngại ngần với việc cứu trợ trên diện rộng. Dẫu vậy, đây lại không phải là thời điểm để tiếc tiền.

Càng nghèo càng phải phát tiền

Chuẩn nghèo ở nhiều quốc gia thường khá khác nhau. Trong khi một số tổ chức quốc tế như World Bank quy định mức thu nhập để liệt vào dạng nghèo là 1,9 USD/ngày thì con số này biến động ở nhiều nền kinh tế khác nhau.

Ví dụ khu vực Châu Phi cận sa mạc Sahara, khoảng 2/3 dân số có thu nhập 3,2 USD/ngày và những người không được coi là siêu giàu đều có thu nhập bình quân khoảng 5,5 USD/ngày. Con số này cũng tương tự ở Nam Á dù khác nhau tùy vùng.

Do phần lớn cư dân của các quốc gia nằm ở tầng lớp trung lưu, nghĩa là không nghèo cũng chẳng được hưởng các chính sách trợ cấp cho người thu nhập thấp.

Ở thời điểm bình thường, chính sách này là thích hợp để tiết kiệm ngân sách cho các quốc gia nghèo nhưng trong những thời kỳ đặc biệt như đại dịch Covid-19 hiện nay, tiết kiệm tiền không phải bước đi khôn ngoan.

Cụ thể, thu nhập của tầng lớp trung thượng lưu sẽ chịu tác động mạnh trong thời kỳ dịch bệnh do lệnh cách ly. Nói chính xác hơn là toàn bộ nền kinh tế sẽ bị đình trệ một thời gian không ngoại trừ ai cũng như chẳng phân biệt giàu nghèo.

Như vậy, không chỉ riêng người nghèo mà tầng lớp cận nghèo, thậm chí trung lưu cũng phải đối mặt với khó khăn. Nếu tình hình này kéo dài, chúng sẽ ảnh hưởng nặng đến toàn bộ nền kinh tế. Vấn đề lúc này sẽ không chỉ là phá sản, đói ăn, suy dinh dưỡng… mà còn ảnh hưởng sâu rộng hơn như suy giảm lực lượng lao động, gây bất ổn xã hội, qua đó tác động ngược lại nền kinh tế tạo thành vòng tròn luẩn quẩn.

Do đó, phát tiền rộng rãi bất chấp giàu nghèo là phương án đáng để tham khảo thay vì chỉ nghĩ đến việc tiết kiệm ngân sách. Tại thời điểm này, những người đáng được hưởng trợ cấp sẽ tăng mạnh do có quá nhiều tầng lớp dễ rơi vào cảnh đói nghèo do đình trệ kinh tế.

Phát tiền như thế nào?

Trong thời kỳ dịch bệnh, việc phát tiền trợ cấp cho người dân cũng là vấn đề đáng bàn bạc. Tại các quốc gia thu nhập thấp, rất nhiều người không đăng ký hộ khẩu hoặc thẻ cư trú, tạo khó khăn cho chính phủ khi muốn chuyển tiền mặt trợ cấp.

Việc cầm chứng minh thư hay giấy tờ tùy thân đi lĩnh tiền là điều bất khả thi với nhiều người nghèo khi họ đánh mất, nhầm lẫn hay gặp các vấn đề sai lệch thông tin. Thêm nữa, việc tụ tập lĩnh tiền ở các cơ quan cũng không phải một phương án hay.

Thay vào đó, chính phủ có thể phân nhỏ các đoàn thể xuống từng khu vực làm việc. Tất nhiên các nhóm công tác này cần được mặc đồ bảo hộ chặt chẽ.

Một biện pháp nữa là dùng thanh toán trực tuyến, chuyển tiền qua điện thoại hay Internet. Phương án này không cần tiếp xúc trực tiếp nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xác định danh tính thực sự cũng như dễ nhầm lẫn. Tại nhiều miền quê nghèo, việc phổ cập công nghệ thông tin vẫn còn hạn chế và nhiều người dân vẫn chưa quen với thanh toán số.

Phát bao nhiêu là đủ?

Hãy lấy một ví dụ là nước Malawi với GDP bình quân đầu người theo sức mua tương đương (PPP) là 1.163 USD (Số liệu mới nhất của World Bank với Việt Nam là 7.447,8 USD).

Nếu lấy bình quân 10% GDP bình quân đầu người chuyển cho người dân mỗi tháng, vậy mỗi công dân Malawi sẽ nhận được khoảng 10 USD/tháng theo sức mua tương đương. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành thì chỉ vào khoảng 5 USD/người/tháng.

Với dân số 18 triệu người, khoản ngân sách hỗ trợ của Malawi sẽ vào khoảng 90 triệu USD/tháng và nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trong 6 tháng tới, con số này sẽ là hơn nửa tỷ USD.

Tất nhiên những tính toán trên chỉ mang tính tham khảo. Các quốc gia cần áp dụng tùy tình hình.

Phát tiền có nên kèm điều kiện?

Câu trả lời là KHÔNG. Đại dịch Covid-19 sẽ tàn phá nặng nền kinh tế và người dân đang cần rất gấp các khoản cứu trợ. Sự ảnh hưởng lan rộng này sẽ không ngoại trừ bất kỳ ai và những điều kiện đi kèm các khoản tiền cứu trợ sẽ chỉ khiến việc phát tiền trở nên phức tạp và không đủ hiệu quả.

Tất nhiên, chính phủ có thể phát kèm thông điệp cùng những khoản tiền, ví dụ như tuyên truyền ý thức sức khỏe cộng đồng, cổ vũ lối sống lành mạnh chống dịch bệnh, làm thế nào để chung tay đối phó Covid-19…

Theo Cafebiz