Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Ông chủ bút bi Thiên Long kể về 3 lần vượt “sóng dữ” và cách đi qua Covid-19 khi mảng đồ dùng học tập bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì trường học đóng cửa

Tập đoàn Thiên Long đã đi qua 3 lần khủng hoảng lớn: 1997, 2008 và Covid-19. Trong Covid-19, mảng đồ dùng học sinh của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng doanh nghiệp này đã ứng biến nhanh nhạy, ra mắt các sản phẩm mới như gôm diệt khuẩn, nước rửa tay, dụng cụ cho học sinh học tập tại nhà…

Ông Cô Gia Thọ – chủ tịch tập đoàn Thiên Long, đã có những chia sẻ về câu chuyện công ty bút bi Thiên Long, thương hiệu gắn liền với cuộc sống của bao người Việt, vượt qua các cuộc khủng hoảng tại tọa đàm Vượt qua sóng dữ do Forbes Việt Nam tổ chức tối 18/5.

Ông Cô Gia Thọ chia sẻ, Thiên Long đã trải qua 3 cuộc khủng hoảng kinh tế lớn, đó là năm 1997, 2008 và Covid-19.

Về cuộc khủng hoảng năm 1997, lúc đó Thiên Long còn nhỏ nên không bị tác động nhiều.

Đến “sóng dữ” 2008 thì Thiên Long đã IPO, là công ty đại chúng và đã huy động được tiền. Trước thời điểm khủng hoảng diễn ra, Thiên Long đã đầu tư vào 2 nhà máy ở Nam Định và Long Thành (tỉnh Đồng Nai) với nguồn vốn huy động được từ IPO. Nhận thấy kinh tế đang khủng hoảng, nguồn tiền hạn hẹp, ban điều hành công ty đã ngưng đầu tư vào nhà máy ở Nam Định dù đã bỏ ra 20 tỉ đồng (tương đương với 10% tổng chi phí cho dự án). Thiên Long lúc đó chỉ tập trung vào phát triển nhà máy ở Long Thành, dồn lực vào nhà máy này. Nhờ nhận định và đưa ra quyết định chính xác và tập trung, Thiên Long đã vượt qua khủng khoảng năm 2008.

Kết quả kinh doanh của Thiên Long trong 5 năm trở lại đây

Hơn 40 hình thành và phát triển, Thiên Long đã xây dựng và phát triển hệ thống kênh phân phối sâu rộng tại thị trường nội địa. Sản phẩm của Thiên Long có mặt tại hơn 65.000 điểm bán lẻ (POS) trên khắp 63 tỉnh/thành trong cả nước và các trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng, nhà sách, cửa hàng tiện ích… và được phân phối thông qua các kênh như kênh thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tiếp cho trường học, doanh nghiệp (B2B), siêu thị…

Thiên Long liên tục đầu tư phát triển thị trường xuất khẩu, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng ở khắp nơi trên thế giới. Cuối năm 2019, Công ty đã xuất khẩu tới 65 quốc gia ở khắp 6 châu lục.

Cuộc khủng hoảng thứ ba, đó là Covid-19. “Khác với 2008 là về tài chính, lãi suất và lạm phát, Covid-19 gây ra khủng hoảng về thị trường do không đi lại, di chuyển được”, ông Cô Gia Thọ nhận định.

Gửi lời nhắn gửi đến các cổ đông của Thiên Long, ông Cô Gia Thọ nhận định, thế giới vẫn đang thay đổi như vốn dĩ nó đã diễn ra từ trước tới nay. Chỉ có điều, tốc độ thay đổi trong những năm gần đây, nhờ có công nghệ, nhờ có trí tuệ nhân tạo… đang ngày một nhanh chóng và đa dạng hơn rất nhiều. Những thách thức vì thế cũng muôn màu và ngày càng khó khăn hơn. Dịch bệnh Covid-19 lan rộng khắp thế giới, chỉ trong vài tháng đã gây ảnh hưởng trầm trọng tới toàn bộ doanh nghiệp toàn cầu, từ châu Á tới châu Âu, châu Mỹ…. Điều này cho thấy rõ thế giới dần trở nên phẳng hơn, tình hình kinh tế, xã hội của các quốc gia có tác động qua lại với nhau rõ rệt hơn, toàn cầu hóa ngày một trở thành thực tế tất yếu xảy ra. Thế nhưng, chân lý mà Thiên Long luôn tin tưởng, đó là khó khăn trui rèn nên bản lĩnh và tạo ra cơ hội mới, vậy nên nó là động lực để doanh nghiệp chuyển mình và vươn xa hơn.

Khi Covid-19 ập đến, mảng đồ dùng học sinh bị ảnh hưởng nặng nề vì trường học đóng cửa trong dịch bệnh nhưng Thiên Long đã “biến hóa” rất nhanh, cho ra sản phẩm mới.

Ban lãnh đạo Thiên Long nhận định không biết bao giờ mới có thể khống chế được Covid-19 nhưng tin rằng hàng chất lượng, uy tín vẫn được người tiêu dùng đặt niềm tin và làm sao giữ được niềm tin với khách hàng là điều quan trọng nhất. Và Thiên Long giữ tình cảm của khách hàng bằng cách sản xuất ra các sản phẩm bảo vệ môi trường, tốt cho sức khỏe như định hướng của Thiên Long trong nhiều năm qua.

Thiên Long có sự chuẩn bị và đã lên kế hoạch lại cho kinh doanh, sản xuất. Đối với kinh doanh, trong chiến lược ngắn hạn, công ty xác định phải tồn kho cao để duy trì sản xuất cho người lao động.

Bên cạnh đó, phát triển kinh doanh bằng cách đẩy mạnh thương mại điện tử, cho ra mắt các sản phẩm để học sinh học vẽ, tự học ở nhà khi không đến trường. Thiên Long cũng tung ra các sản phẩm như gel rửa tay, gôm kháng khuẩn… phù hợp với tình hình mới.

Mảng R&D (nghiên cứu phát triển) được Thiên Long đẩy mạnh đầu tư trong thời gian qua. Công ty luôn trăn trở làm sao nghiên cứu sản phẩm để đạt chất lượng tốt, mẫu mã tốt để phát triển bền vững. “Khi có bệ phóng vững vàng thì mới nhảy sang những sản phẩm khác”, chủ tịch Thiên Long chia sẻ.

“Trong mùa dịch, chỉ một thời gian ngắn mà anh em trong công ty Thiên Long đã ra mắt được các sản phẩm như gôm kháng khuẩn, đồ bảo hộ, gel rửa tay… Mọi người đã nỗ lực rất nhiều. Thiên Long vốn đã nghiên cứu các sản phẩm thân thiện môi trường, tiết kiệm nguyên vật liệu từ trước nên đợt dịch này thúc đẩy nhanh hơn trên thị trường”, ông Gia Thọ chia sẻ.

Công ty cũng chú trọng nghiên cứu và tự thiết kế, chế tạo nhiều máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất; đẩy mạnh hoạt động thiết kế, chế tạo các khuôn mẫu để thay thế khuôn mẫu ngoại nhập, nhằm giảm giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh. Cuối năm 2019 tỷ lệ tự động hóa của nhà máy Nam Thiên Long đã nâng lên 77% so với 75% vào cuối năm 2018.

Covid-19 đã khiến Thiên Long ghi nhận lỗ lần đầu sau 3 năm

Năm 2020, HĐQT dự kiến trình ĐHĐCĐ phê duyệt các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh với: Doanh thu thuần 3.200 tỷ đồng, Lợi nhuận sau thuế 325 tỷ đồng, Cổ tức 20%/mệnh giá.

Kế hoạch 2020 được Công ty xây dựng dựa trên giả định kịch bản học sinh đi học trở lại vào tháng 5, thị trường hồi phục dần và trở lại bình thường đầu quý 3. Do diễn biến khó lường của dịch bệnh, trường hợp diễn bến dịch thay đổi, Công ty sẽ điều chỉnh kế hoạch để phù hợp với thực tế kinh doanh tại từng thời điểm cụ thể.

Theo Cafef