Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam còn khoảng cách rất lớn so với Mỹ

Ông Trần Lương Sơn, nhà sáng lập Công ty phần mềm VietSoftware, sinh năm 1960 và có bằng tiến sĩ tại Nga. Năm 1998, ông Sơn nhận học bổng Fulbright của Chính phủ Mỹ và học tại Trường Quản trị Kinh doanh Sloan thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Sau khi tốt nghiệp MIT, ông Sơn làm việc tại Mỹ một thời gian trước khi về nước điều hành VietSoftware.

Tiến sĩ Trần Lương Sơn cũng là đồng sáng lập MITFive, một sáng kiến cộng đồng của nhóm cựu sinh viên MIT nhằm mục đích đào tạo và hỗ trợ startup Việt. MITFive từng đưa cuốn sách “Kinh điển về khởi nghiệp” của Bill Aulet về Việt Nam.

Tại sao ông quyết định về nước khởi nghiệp?

Ý nghĩa của học bổng Fulbright là cho những người nhận học bổng trở về phục vụ tổ quốc của mình. Thực tế, tôi bắt đầu khởi nghiệp VietSoftware khi còn đang ở Mỹ, các cộng sự ở nhà thành lập công ty, khi tôi về nước thì làm công tác quản lý luôn. Công ty hoạt động trong lĩnh vực gia công phần mềm quốc tế và phát triển một số phần mềm khác.

Nguồn nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam được đánh giá cao nhưng hiện nay vẫn chủ yếu làm gia công cho nước ngoài. Ông có mong muốn tạo ra được sản phẩm đặc biệt nào đó mang thương hiệu Việt thay vì làm thuê cho doanh nghiệp ngoại?

Bản thân VietSoftware từng làm những sản phẩm đột phá cho riêng thị trường Việt Nam và cũng từng mong muốn làm điều gì đó cho thị trường thế giới. Một phần nào chúng tôi đã bước được vào không gian đó rồi nhưng vẫn chưa thực sự thành công.

Tôi nghĩ không nên định kiến về chuyện gia công và cũng không nên quá bị cuốn hút vào việc phải làm những sản phẩm tầm cỡ thế giới vì đây là công cuộc rất tốn kém tiền bạc, thời gian và sức lực.

Điều quan trọng nhất là hiệu quả đầu tư. Nếu bạn làm gia công cho nước ngoài đạt hiệu quả đầu tư tốt thì hãy làm gia công, nếu bạn làm sản phẩm tốt thì hãy làm sản phẩm. Trong kinh doanh, có một nguyên tắc là “high risk high return” (rủi ro cao thì lợi nhuận cao). Lựa chọn như thế nào còn tùy vào từng doanh nghiệp, họ hướng tới sự ổn định hay dám chấp nhận rủi ro.

Khi khởi nghiệp, công ty của ông có đi gọi vốn từ các quỹ đầu tư?

Cách đây hơn 10 năm, công ty của tôi đã gọi vốn 2 lần, mỗi lần hơn 1 triệu USD và khi đó cũng là một con số lớn. Tuy nhiên, theo tôi, việc gọi vốn thành công không phải là yếu tố đảm bảo một doanh nghiệp thành công.

Nhưng hiện nay nhiều startup lại coi việc gọi được số vốn “khủng” là thước đo thành công của mình, ông nghĩ sao về điều này?

Hiện nay đúng là có một số startup gọi vốn theo trào lưu. Vốn là yếu tố tiên quyết để phát triển, nhưng có những startup không cần gọi vốn vẫn thành công. Việc gọi vốn hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như doanh nghiệp, chiến lược, ngành kinh doanh, nhà đầu tư… Vì vây, trước khi đưa ra quyết định, các startup nên đặt câu hỏi việc gọi vốn có thực sự cần thiết hay không, nếu có thì nên sử dụng vốn như thế nào cho hợp lý.

Một số nhà sáng lập sau khi gọi vốn thành công có thể mất quyền kiểm soát công ty vào tay những nhà đầu tư. Ông đã từng gặp mâu thuẫn với các nhà đầu tư trong quá trình khởi nghiệp?

Tất nhiên là có nhưng nếu biết cách có thể kiểm soát mâu thuẫn đó và không ảnh hưởng đến con đường phát triển công ty. Sự kiểm soát này có thể điều chỉnh bằn thỏa thuận hoặc nhiều khi là hành vi của người tham gia cuộc chơi chứ không phải trên giấy tờ.

Đâu là động lực khiến ông và những người bạn của mình quyết định thành lập MITFive?

Bản thân tôi là một doanh nhân, khi khởi nghiệp đã được chuẩn bị sẵn sàng với nhiều năm kinh nghiệm làm cho các công ty nước ngoài theo chuẩn mực quốc tế, học về quản trị kinh doanh tại một trong những trường hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình khởi nghiệp vẫn gặp nhiều bất ngờ và khó khăn.

Tôi nhận thấy những người không được trang bị kiến thức, kinh nghiệm sẽ còn khó khăn nhiều hơn khi khởi nghiệp. Vì vậy tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm thực tế của mình đến mọi người. Thời gian đầu, tôi đi giảng về khởi nghiệp, làm diễn giả hoặc tự tổ chức các buổi trao đổi. Đến năm 2015, tôi và 4 người bạn khác cũng là cựu sinh viên MIT – những người có chung quan điểm là cần giúp đỡ những người khởi nghiệp trong nước quyết định thành lập MITFive.

MITFive gồm những ai và nhóm hiện hoạt động ra sao?

Đúng như tên gọi của nó, nhóm có 5 người, mỗi người học một ngành khác nhau tại MIT, bao gồm quản trị kinh doanh, trí tuệ nhân tạo, cơ khí, kiến trúc… Anh Đoan Võ là một doanh nhân thành đạt và khởi nghiệp đến 4 lần. Anh Giang Lâm làm quản lý một quỹ đầu tư. Anh Trần Đằng Vân phụ trách nghiên cứu và phát triển của Grab. Anh Hãn Hoàng là CEO The BIM factory- công ty tư vấn công trình, thiết kế ứng dụng công nghệ.

Bản chất của MITFive là tổ chức phi lợi nhuận nhằm mục đích cố vấn và hỗ trợ. Chúng tôi từng tổ chức các chương trình đào tạo về khởi nghiệp. Hiện nay vì các thành viên của nhóm đều quá bận rộn nên không tổ chức được các chương trình đào tạo nữa. Dù vậy, chúng tôi vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với các bạn khởi nghiệp và sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ họ.

Từng có thời gian học tập và làm việc tại Mỹ, ông nhận thấy đâu là điểm khác biệt giữa môi trường khởi nghiệp của quốc gia này và Việt Nam?

Hiện nay, môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam còn khoảng cách rất lớn so với Mỹ về sự chuyên nghiệp và hoàn thiện của một hệ sinh thái. Điều đáng lạc quan là người Việt Nam rất chịu khó học hỏi và học hỏi rất nhanh. Rất tiếc chúng ta có xuất phát điểm thấp nên những bước đi còn nhiều khó khăn, startup chất lượng còn thiếu và còn khoảng cách rất lớn với các nhà đầu tư.

Ông đã đến Thung lũng Silicon và xem cách các startup ở đây hoạt động chưa?

Tôi đã từng có cơ hội đến Thung lũng Silicon và thấy rằng không khí ở đây rất sôi nổi. Các công ty có mối liên hệ rất thân thiện với nhau, từ công ty rất nhỏ chỉ có 1-2 người đến những công ty rất lớn đến hàng nghìn người như Google, Facebook

Với những “ông lớn” công nghệ như Google, Facebook, điều gì khiến ông ấn tượng nhất?

Họ tạo ra văn hóa mới, khác với những công ty tôi từng làm việc cùng theo truyền thống cũ. Các công ty này tạo ra không gian cho người trẻ có thể sáng tạo một cách tối đa và thường xuyên có sự giao tiếp giữa lãnh đạo với nhân viên.

Nếu được nhận xét về điểm mạnh và điểm yếu của startup Việt, ông sẽ nói gì?

Điểm mạnh của startup Việt là tinh thần khởi nghiệp rất cao so với nhiều quốc gia, khát khao để có được tự do về tài chính và sự tò mò muốn được học hỏi rất lớn. Tuy nhiên, điểm yếu là chưa biết nhiều và thiếu cơ hội để nâng cao sự hiểu biết. Một số startup khi đạt được thành công trong giai đoạn ngắn nghĩ là đủ nhưng việc học tập cần thường xuyên, liên tục.

Có những công ty được định giá hàng chục tỷ USD nhưng cuối cùng vẫn gặp khủng hoảng như trường hợp của WeWork. Thành công là tạm thời thất bại cũng tạm thời, chỉ có làm việc là mãi mãi.

– Cảm ơn ông!

Theo NDH