Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Kỹ năng mềm nhà tuyển dụng nào cũng tìm kiếm

Tại sao EQ cũng quan trọng như kinh nghiệm làm việc và câu trả lời phỏng vấn của bạn.

Chỉ số EQ (trí tuệ cảm xúc) của bạn là bao nhiêu?

Khi nghĩ về câu hỏi thường được hỏi trong một cuộc phỏng vấn xin việc, câu hỏi trên sẽ không xuất hiện trong đầu bạn. Câu hỏi trên cũng chắc chắn không nổi tiếng như những câu hỏi kinh điển khác như “Giới thiệu bản thân” và “Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?” Nhưng nó ngày càng trở nên phổ biến. Gần đây, một số bạn bè và đồng nghiệp đang tìm việc của tôi đã kể họ được hỏi câu hỏi hơi khó hiểu này và không biết chính xác nên trả lời như thế nào.

Trí tuệ cảm xúc là gì? Và sao bạn lại phải đánh giá một cái thứ như vậy trong chính bản thân mình? “Tôi đoán EQ của mình được 7 trên 10? Tôi bị trừ 3 điểm vì thỉnh thoảng tôi nói chuyện riêng trong các cuộc họp.”

Lúc đầu, câu hỏi này đúng là khó nhằn thiệt. Trí tuệ cảm xúc – trong giới kinh doanh, nó được biết đến như là chỉ số cảm xúc, hay EQ – nổi tiếng là rất khó định nghĩa. Nhưng nó cũng trở thành một trong những kỹ năng đáng mơ ước nhất mà các nhân viên nên có. Đây là những gì bạn cần biết.

Tại sao EQ giúp ích cho công việc?

EQ là khả năng tận dụng và kiểm soát cảm xúc của một người trong khi giải quyết các mối quan hệ và các tình huống căng thẳng. EQ cao có nghĩa là người đó dùng lý trí và sự đồng cảm tốt ở mức độ ngang nhau, và cũng có nghĩa là người đó giải quyết vấn đề và xử lý căng thẳng rất tốt. Bộ kỹ năng này đặc biệt có giá trị trong thị trường việc làm hiện nay, vì công nghệ đang thay đổi nhanh đến mức khả năng thích ứng là quan trọng nhất.

Shoshanna Hecht cho biết: “Người có EQ càng cao, khả năng kiểm soát phản ứng càng tốt. Đây là nền tảng giúp bạn thoát khỏi chế độ hoảng loạn và giúp bạn dùng lý trí để phản hồi.”

Nghiên cứu đã chỉ ra mối tương quan mạnh mẽ giữa EQ và hiệu suất tổng thể. Theo báo cáo Xu hướng tài năng toàn cầu năm 2019 của LinkedIn, 92% các nhà tuyển dụng nói rằng các kỹ năng mềm (EQ) quan trọng như các kỹ năng cứng nếu không muốn nói là quan trọng hơn.

Đánh giá EQ

Đáp lại, các nhà tuyển dụng đang dần sáng tạo trong khâu phỏng vấn và mong muốn các nhân viên tương lai cũng như vậy.

Steve Perlman, CEO của Syfter, một công ty nhân sự lớn ở thành phố New York hỏi các ứng viên những câu hỏi lạ để xem cách họ xử lý sự cố. Ông cũng nói rằng ông cũng đã luận ra được rất nhiều từ những đại từ mà ứng viên sử dụng: “Họ dùng “chúng ta” thay thì dùng “tôi” bao nhiêu lần trong khi trả lời câu hỏi? Họ đang đặt mình trong bối cảnh cả team hay chỉ nghĩ đến mình họ?”

Đây không phải là đánh giá tốt hay xấu, nhưng nếu bạn đang kiểm tra EQ, bạn sẽ muốn nghe “chúng ta” nhiều hơn là nghe “tôi”. Dùng “chúng ta” có nghĩa họ cộng tác tốt, một dấu hiệu của EQ cao.

Vì vậy, bạn có thể tìm hiểu xem liệu bạn có EQ cao hay thấp hay không? Và nếu nó quá thấp, bạn có thể làm gì để thay đổi không?

Câu trả lời ngắn thôi: Có, và có.

Có một số bài kiểm tra online miễn phí. Một bài test có uy tín là của Viện Sức khỏe và Tiềm năng Con người, một tổ chức nghiên cứu EQ, đưa ra một loạt các chương trình đào tạo mà bạn có thể học để tìm hiểu thêm về EQ của chính mình, những điểm mạnh mà bạn có và cách cải thiện chúng.

Nếu bạn thích một trải nghiệm trực tiếp hoặc 1-1, bạn cũng có thể tìm hiểu EQ của mình trực tiếp với một huấn luyện viên nghề nghiệp, nhiều người trong số họ tự ra bài đánh giá EQ của riêng mình.

Theo Hecht, có bốn lĩnh vực mà bài test thường đánh giá: nhận thức về cảm xúc (hiểu cảm xúc của chính bạn và tác động của chúng đối với người khác), quản lý cảm xúc (có thể kiểm soát cảm xúc của bạn), quản lý cảm xúc xã hội (nhận thức được cảm xúc của người khác) và quản lý mối quan hệ (giao tiếp và làm việc tốt với người khác).

Hecht cũng khuyến khích khách hàng của mình liên tục đánh giá lại bản thân, thay vì đánh giá một lần là xong. Cô nói: “Đánh giá liên tục là một cách để duy trì mối quan hệ giữa việc tự học hỏi và phát triển. Nó cung cấp cho bạn cái nhìn sâu sắc về những lĩnh vực bạn cần phát triển và khám phá những cách để phát triển.”

Cải thiện EQ

Dựa trên cả những đánh giá và phản hồi nhận được tại nơi làm việc, một huấn luyện viên có thể giúp khách hàng xác định tổng quát và phát triển các chiến lược để cải thiện điểm yếu trong EQ của họ. Ví dụ, Hecht thường dạy khách hàng của mình “nhận ra các tín hiệu và ngôn ngữ cơ thể để biết thông tin mà người phỏng vấn đang tìm kiếm mà không nói rõ ràng ra” và để “đề phòng các câu hỏi tư duy để đưa ra một câu trả lời phù hợp.” Một câu hỏi tư duy có thể là một câu hỏi thách thức EQ của người phỏng vấn, bằng cách yêu cầu họ suy nghĩ lớn hơn (suy nghĩ khác biệt) và đòi hỏi một câu trả lời thấu đáo hơn.

Bạn cũng có thể cải thiện EQ với những bước sau. Ví dụ, giả sử bạn là một người biết lắng nghe đồng cảm với đồng nghiệp của bạn, nhưng bạn có xu hướng xúc động khi phải đối mặt với một thách thức không lường trước được. Ví dụ quý này bạn bị đánh giá là làm việc không được hiệu quả. Điều này rơi vào loại quản lý cảm xúc. Trong trường hợp này, Hecht sẽ khuyên bạn nên chậm lại, hít thở và dành một chút thời gian để suy ngẫm về thông tin bạn vừa nhận được.

Sau đó, xem xem trong thông tin đó có gì tích cực không, thay vì chỉ nhìn chăm chăm vào những điều tiêu cực. Làm thế nào bạn có thể cải thiện những tích cực này, và học hỏi những sai lầm?

Câu ngạn ngữ “dừng lại, lắng nghe, học hỏi” nói dễ hơn làm. Nhưng nếu bạn làm được điều này, cuối cùng nó sẽ trở thành bản chất của bạn. Và EQ của bạn sẽ được cải thiện.

Trí tuệ cảm xúc của ai cũng có thể được phát triển theo thời gian. Chỉ đơn giản là phải tiếp thu những khả năng và cách suy nghĩ mới. Nếu bạn có tư duy đúng đắn, mọi cuộc phỏng vấn việc làm, mọi dự án mới, mọi trở ngại và thậm chí mọi sai lầm là một cơ hội để nâng cao EQ của bạn.

Theo Nhịp sống kinh tế