Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thực thi EVFTA hiệu quả

Quá trình làm ăn với Liên minh châu Âu, chắc chắn doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất cần sự hỗ trợ và tư vấn về pháp lý để đảm bảo đàm phán, kinh doanh có hiệu quả và an toàn. 

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) tạo ra cơ hội mới cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong quan hệ làm ăn với các nước trong Liên minh châu Âu (EU). Dù vậy, theo TS. Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), DN Việt Nam phải đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm thì mới xuất khẩu được nhiều hàng hóa sang EU. 

* Thưa ông, EVFTA được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy và cải thiện tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam. Ý kiến của ông về vấn đề này? 

– Khi EVFTA có hiệu lực, EU xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% dòng thuế, tương đương 75% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU; trong vòng 7 năm, hai con số đó lần lượt là 99,2% và 99,7%, và Việt Nam xóa bỏ ngay 65% và 10 năm bỏ 99% số dòng thuế hàng hóa nhập khẩu từ EU. Việt Nam cam kết xóa bỏ hầu hết thuế xuất khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu sang EU, không tăng thuế xuất khẩu đối với sản phẩm còn lại.

Như vậy, EVFTA tạo ra cơ hội mới cho DN Việt Nam khi làm ăn với DN EU. Trước mắt, một số sản phẩm như dệt may, giày dép, nông hải sản được hưởng lợi nhiều nhất vì thuế nhập khẩu khá cao sẽ đưa về 0% khi EVFTA có hiệu lực. Ví dụ hàng dệt may đang phải chịu thuế từ 7-17%, sẽ về 0%.

* Cùng với những kỳ vọng đó, vậy theo ông, DN sẽ phải đối mặt với những thách thức gì?

– Đi kèm với cơ hội luôn là thách thức. Thứ nhất, EU quy định khá nghiêm ngặt đối với hàng nhập khẩu. EU thường áp dụng rào cản kỹ thuật, như đã sử dụng “thẻ vàng” đối với hàng thủy sản của nước ta và luật chống bán phá giá để hạn chế hàng nhập khẩu từ một nước nào đó.

Đối với một số sản phẩm xuất khẩu là thế mạnh của mình, EU đòi hỏi đối tác cắt giảm hàng rào phi thuế quan, loại bỏ phương thức trợ giá của chính phủ.

EU đòi hỏi DN Việt Nam phải thực hiện nghiêm túc quy định về xuất xứ sản phẩm để được hưởng thuế ưu đãi, như đã từng xảy ra đối với thép, hàng may mặc.

Xuất khẩu hàng hóa sang EU, nếu DN không cập nhật thông tin về thị trường để ứng phó kịp thời thì sẽ bị thiệt hại khi EU áp dụng các biện pháp như kể trên. Như vậy để tham gia xuất khẩu vào thị trường EU, DN phải không ngừng hoàn thiện quy trình sản xuất, gia tăng tính minh bạch, xuất xứ hàng hóa…

Thứ hai, cạnh tranh trên thị trường trong nước gia tăng. Do không phải chịu thuế nhập khẩu nên hàng hóa của EU vừa có chất lượng tốt, vừa có giá cả cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại của DN Việt Nam, vì thế đòi hỏi DN Việt Nam phải đổi mới công nghệ, sáng tạo mẫu mã mới, nâng cao chất lượng thì mới có thể tồn tại, ngược lại sẽ chịu thua lỗ, thậm chí phá sản.

Thứ ba, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ EU được dự báo tăng trưởng nhanh hơn do việc thực hiện EVFTA, đặc biệt là sẽ có nhiều tập đoàn kinh tế lớn của EU đầu tư vào Việt Nam. Đây cũng sẽ là áp lực rất lớn đối với DN Việt Nam. Nhưng DN Việt có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết với DN và các nhà đầu tư từ EU để tăng tốc phát triển thông qua hợp tác trong chuỗi giá trị hay tham gia vào M&A.

* HUBA có kế hoạch hỗ trợ DN hội viên như thế nào để tận dụng được cơ hội và vượt qua những thách thức từ EVFTA, thưa ông?

– Để đồng hành và hỗ trợ DN trước những cơ hội và thách thức khi thực hiện EVFTA, HUBA sẽ tập trung vào một số hoạt động như sau:

Thứ nhất, hỗ trợ DN về thông tin. Bằng quan hệ của mình, HUBA sẽ tăng cường kết nối với các trung tâm tư vấn, các chuyên gia, các cơ quan… để cung cấp thông tin thị trường cho DN, trước mắt là thông tin về lộ trình cắt giảm thuế quan của EU và của Việt Nam.

HUBA sẽ thông tin về điều kiện xuất khẩu vào EU, như tỷ lệ xuất xứ nguyên liệu, điều kiện kỹ thuât, lao động, môi trường để DN đầu tư đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm và xây dựng quan hệ hợp tác với bạn hàng tại các quốc gia thành viên EU, tuân thủ các quy định của EU về thương mại và đầu tư. 

Thứ hai, thông qua mối quan hệ với Euro Charm và các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở EU, HUBA sẽ giới thiệu và tạo kênh kết nối DN Việt Nam và DN EU để tăng cường hợp tác theo chuỗi cung ứng sản phẩm được hình thành tại các cụm công nghiệp chuyên ngành để tận dụng có sở hạ tầng kỹ thuật, tiết kiệm chi phí logistics, hạ thấp giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường đầy tiềm năng và khó tính như EU. 

Thứ ba, HUBA sẽ là cầu nối để giúp DN trong nước kết nối, hợp tác với DN EU để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, kết nối trong chuỗi giá trị, thị trường. 

Quá trình làm ăn với EU, chắc chắn DN Việt Nam sẽ rất cần sự hỗ trợ và tư vấn về pháp lý để đảm bảo đàm phán, kinh doanh có hiệu quả và an toàn. HUBA sẽ chủ động tìm kiếm, kết nối với các công ty tư vấn pháp luật có uy tín quốc tế để giúp đỡ và đồng hành cùng DN.

Thứ tư, HUBA sẽ theo sát quá trình hội nhập của DN hội viên để kiến nghị, đề xuất với UBND TP.HCM và với Chính phủ đưa ra những chủ trương, chính sách tạo điều kiện và đồng hành cùng DN phát huy những cơ hội mà EVFTA mang lại nhằm phát triển thị trường, củng cố, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo DNSG