Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Hàng không ‘vật lộn’ mùa Covid-19

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng trực tiếp đến ngành hàng không Việt Nam bao gồm các hãng hàng không, các đơn vị vận hành cảng hàng không, dịch vụ mặt đất cũng như kinh doanh dịch vụ tại sân bay. Ảnh hưởng trực tiếp đầu tiên là việc ngừng toàn bộ đường bay đến và đi tới Trung Quốc đại lục, chiếm tới hơn 26% hành khách đến Việt Nam bằng đường hàng không. Thêm vào đó, do lo sợ dịch bệnh lây lan, hành khách có xu hướng giảm du lịch, công tác…khiến lượng khách cả nội địa và quốc tế đều giảm.

Số liệu của Cục hàng không cho biết, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay đến và đi từ Trung Quốc đại lục của các hãng hàng không Việt Nam hơn 10.000 tỷ đồng. Một số hãng hàng hạn chế công bố thiệt hại thực tế do có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trong khi Vietnam Airlines cho biết thiệt hại 250 tỷ đồng mỗi tuần.

Trước diễn biến tiêu cực này, giá cổ phiếu của Vietnam Airline (HoSE: HVN), Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (UPCoM:ACV) giảm 18% và Vietjet (HoSE: VJC) giảm 12% so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát. Đứng trước khó khăn, các đơn vị ngành hàng không đưa ra nhiều giải pháp để cải thiện tình hình kinh doanh.

Ảnh: Hà Nội Mới

Kiến nghị giảm thuế, phí

Trong bối cảnh khó khăn của ngành, Cục Hàng không đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế giảm giá dịch vụ hàng không do Nhà nước quản lý (giá dịch vụ điều hành bay đi/đến, hạ cất cánh) cũng như chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không có các biện pháp giảm giá, phí do doanh nghiệp quyết định cho các hãng hàng không Việt Nam.

Cơ quan chức năng này cũng khuyến khích các hãng hàng không và các nhà cung cấp dịch vụ hàng không (Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam – ACV, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam – VATM…) chủ động thảo luận, hiệp thương để điều chỉnh các mức giá dịch vụ cũng như giãn tiến độ thanh toán giá dịch vụ phù hợp.

Bên cạnh đó, Cục cũng kiến nghị xem xét giảm thuế nhập khẩu xăng dầu cho các hãng hàng không để giúp đỡ các đơn vị này giảm bớt khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Kích cầu bằng các đợt khuyến mại

Theo ước tính của Vietnam Airlines, không chỉ lượng khách quốc tế giảm mà lượng khách trên các tuyến nội địa của hãng cũng giảm 20%-30% trong 2 tuần qua. Trước nhu cầu thấp trên cả các tuyến nội địa cũng như quốc tế, các hãng có xu hướng giảm giá vé tương đương với các đợt khuyến mại 0 đồng hay những mùa, giờ thấp điểm.

Điển hình giá vé khứ hồi “chặng bay nhộn nhịp nhất thế giới” Hà Nội – TP HCM hiện chỉ dao động quanh 1 triệu đồng, tương đương 1/2, 1/3 giá thông thường.

Giá vé khứ hồi bao gồm thuế phí tới các địa điểm du lịch khác như Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt, Quy Nhơn, Phú Quốc…cũng không quá 2 triệu đồng. Theo tính toán, giá vé trên hầu như chỉ đủ chi trả cho các dịch vụ mặt đất, dịch vụ tại sân bay và thuế.

Giá vé khứ hồi (đã bao gồm thuế, phí) từ Hà Nội, TP HCM đi các địa điểm du lịch trong tháng 3. Nguồn: Google Flight

Khảo sát cho thấy, nhiều hãng hàng không đã giảm tần suất bay tới một số chặng tại khu vực châu Á hoặc trong nước để giảm chi phí. Nhiều hãng cũng tung ra các chương trình khuyến mại như Vietnam Airlines giảm 50% giá vé (không áp dụng phần thuế, phí) đối với hành trình nội địa và Việt Nam đi Đông Nam Á. Một đơn vị khác thuộc Vietnam Airlines Group là Jetstar Pacific tung chương trình mua 4 vé hoán tiền 1 vé với các chặng nội địa.

Nguồn: VNA

Mở thêm đường bay và cho thuê máy bay

Khác với Vietnam Airlines và Jestar Pacific, Vietjet lựa chọn mở rộng khai thác đường bay Ấn Độ – một thị trường đông dân thứ 2 thế giới để bù đắp cho việc giảm cầu từ Trung Quốc. Đầu tháng 2, hãng hàng không công bố mở thêm 3 đường bay từ Đà Nẵng, Hà Nội, TP HCM với New Delhi và Mumbai. Theo đó, đường bay Đà Nẵng – New Delhi và Hà Nội – Mumbai được khai thác từ ngày 14/5/2020 với tần suất lần lượt là 5 chuyến/tuần và 3 chuyến/tuần trong khi đường bay TP HCM – Mumbai khai thác 4 chuyến/tuần từ ngày 15/5/2020.

Ngoài ra, hãng hàng không thế hệ mới vẫn khai thác thị trường Đài Loan, Hong Kong thay vì ngừng toàn bộ như Vietnam Airlines, Bamboo.

Trước ảnh hưởng việc ngừng, giảm các đường bay, theo Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, các hãng của Việt Nam đang dư thừa khoảng 30 máy bay. Vì vậy, Vietnam Airlines thông báo cho thuê đội tàu bay cả thân rộng và thân hẹp, dự kiến bắt đầu từ tháng 4. Quy mô đội tàu của Vietnam Airlines đạt 100 máy bay, bao gồm 28 chiếc máy bay thân rộng và 72 chiếc máy bay thân hep.

Theo NDH