Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Đột phá doanh thu bán hàng cho cửa hàng thực phẩm

Ngày nay, người tiêu dùng chuộng mua thực phẩm trực tuyến thay vì thói quen đi chợ truyền thống hàng ngày.

Dịch Covid-19 đã khiến cho người dân trên Thế Giới nói chung và người Việt Nam nói riêng dành mối quan tâm nhiều hơn về vấn đề an toàn thực phẩm. Trong đó, thực phẩm sạch là nhóm đối tượng được ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh nhiều thách thức thì dịch Covid cũng mở ra không ít cơ hội. Thực phẩm được xem là ngành có triển vọng lớn nhất. Cụ thể, giai đoạn trong và sau dịch, thương mại điện tử cùng với mua sắm trực tuyến tăng tốc rõ rệt và làm chủ thị trường. Sự chuyển dịch từ các sàn thương mại điện tử đến các ứng dụng công nghệ như: Lazada, Shopee, GrabFood, GrabMart, ví điện tử, VinID… đã không còn quá xa lạ với người tiêu dùng Việt. Đặc biệt là người dân ở các khu vực trọng điểm tập trung đông dân nhất cả nước là: TP.HCM và Hà Nội.

Vì sao giờ đây sàn thương mại điện tử và mua hàng trực tuyến là một phần không thể thiếu đối với người tiêu dùng thông minh? Xu hướng mua thực phẩm trực tuyến này vừa được bàn luận trong sáng nay (Ngày 16/10) tại buổi Workshop “Xu hướng Thương mại điện tử và giải pháp bứt phá doanh thu cho các cửa hàng thực phẩm” được tổ chức bởi Giải pháp Kết nối và tiêu thụ thực phẩm bền vững Food Connect tại Sihub, 273 Điện Biên Phủ, Phường 7, Quận 3, TPHCM.

Buổi workshop có sự tham gia của các diễn giả hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, thương mại điện tử và thực phẩm: ông Nguyễn Mạnh Tấn – Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Công nghệ Haravan, ông Nguyễn Quốc Tuấn – Giám đốc Phát triển Thương mại – Grab Việt Nam, bà Đỗ Phan Hoàng Sương – Founder & CEO DalatFOODIE.

Ông Nguyễn Mạnh Tấn – Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Công nghệ Haravan, bà Đỗ Phan Hoàng Sương – Founder & CEO DalatFOODIE ,ông Nguyễn Quốc Tuấn – Giám đốc Phát triển Thương mại – Grab Việt Nam, (Từ phải sang)

65% dân số hiện tại của Việt Nam chuyển từ mua sắm offline sang online, đưa online trở thành kênh mua sắm được sử dụng nhiều nhất.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn – Giám đốc Phát triển Thương mại – Grab Việt Nam lý giải: “Vì thế cũng không khó hiểu khi mà doanh thu online của thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam năm vừa rồi đạt khoảng 7 tỉ đô. Con số này dự kiến sẽ tăng gấp 3,7 lần, đạt mức 25 tỷ USD vào năm 2025.”

Cùng với đó, mức tăng mua sắm online cho groceries gấp 2,7 lần. Đây là cơ hội cho hàng loạt doanh nghiệp bán hàng hóa, dịch vụ và các nền tảng online. Đặc biệt, dịch Covid-19 đã thúc đẩy mảng kinh doanh thực phẩm, nông sản với “top trending” cả về mua online và offline.

Do vậy, thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến sẽ là động lực tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp – Giám đốc Phát triển Thương mại – Grab Việt Nam nhấn mạnh về sự chuyển dịch mạnh mẽ ở nhu cầu mua sắm của đại bộ phận người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn – Giám đốc Phát triển Thương mại – Grab Việt Nam

GrabMart là một trong những đại diện tiêu biểu về nền tảng online hỗ trợ doanh nghiệp bứt phá doanh thu, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dùng. Dựa trên siêu ứng dụng Grab, GrabMart phát triển nền tảng của mình cùng nhiều đối tác trong nhóm hàng thực phẩm, nông nghiệp. Cụ thể, nền tảng GrabMart sẽ tạo ra mạng lưới đối tác liên kết là các cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị,…

Cùng với ứng dụng công nghệ, các sàn thương mại điện tử sẽ là “thế giới” mua sắm trực tuyến thứ 2. Nó sẽ giúp người tiêu dùng thuận tiện hơn khi có thể hạn chế đi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc, đồng thời giúp họ “đi chợ” một cách tiết kiệm thời gian.

Có đến 47% người tiêu dùng mua hàng dùng website thương hiệu để tìm kiếm sản phẩm cần mua. Trong đó, 23% khách hàng lựa chọn thương hiệu có Website chuyên nghiệp sẽ giúp họ an tâm hơn khi đặt hàng và thanh toán.

Qua thống kê trên, có thể khẳng định việc xây dựng website chuyên nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp và là nhân tố quan trọng để tiếp cận sự quan tâm của người tiêu dùng dành cho một thương hiệu nào đó – Ông Nguyễn Mạnh Tấn – Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Công nghệ Haravan khẳng định.

Ông Nguyễn Mạnh Tấn – Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Công nghệ Haravan

Được chứng nhận là Facebook Marketing Partner năm 2018, Haravan đồng thời là đối tác Việt Nam duy nhất nằm trong danh sách nhà phát triển nền tảng công nghệ hỗ trợ kinh doanh trên Facebook Messenger. Sau hơn 6 năm hoạt động, Haravan cung cấp nền tảng và các dịch vụ liên quan đến ecommerce cho hơn 50.000 khách hàng. Trong đó, có thể kể đến các ông lớn trong ngành thực phẩm và bán lẻ như: Vinamilk, Aeon, Nestle,… đến các chuỗi cửa hàng và người kinh doanh bán lẻ quy mô nhỏ.

Điểm nhấn thú vị của Workshop “Xu hướng Thương mại điện tử và giải pháp bứt phá doanh thu cho các cửa hàng thực phẩm” chính là câu chuyện khởi nghiệp của CEO trẻ Đỗ Phan Hoàng Sương – Founder DalatFOODIE.

35% dân số thành thị, trong đó chiếm 27% người tiêu dùng quan tâm đến thực phẩm hữu cơ. Những con số này là một trong những lý do “khai sinh” DalatFOODIE.

DalatFOODIE là startup ra đời tháng 1/2015 mang sứ mệnh mở rộng cộng đồng nuôi trồng, sản xuất và sử dụng thực phẩm hữu cơ để nâng cao nhận thức và sức khỏe của con người. Từ đó cải thiện thiên nhiên, bảo vệ môi trường thông qua việc phát triển nông nghiệp bền vững. Toàn bộ sản phẩm tại DalatFOODIE được trồng và liên kết với những người nông dân cũng như các nhà cung cấp nuôi trồng và chế biến thực phẩm hoàn toàn theo hướng hữu cơ.

Không ngừng day dứt về cái cảnh “Sáng rau chiều rác”, CEO Đỗ Phan Hoàng Sương mãi trăn trở về nỗi đau lớn nhất của những người làm nông nghiệp đó chính là “hao hụt”. Hao hụt ở đây đâu chỉ là trên nông trại mà còn ở chính cửa hàng thực phẩm. Chúng ta đâu thể bắt cây rau, cái củ ngừng héo được khi mà phải trưng bày tại cửa hàng.

Không dừng lại ở đó, nhu cầu mua sắm thực phẩm khi “đi chợ” tại store cực kỳ khắt khe, nhất là đối với những ai theo đuổi dòng sản phẩm hữu cơ. Người tiêu dùng thường có xu hướng chọn lựa những món đồ tươi ngon và có mẫu mã đẹp mà hay bỏ lại những loại thực phẩm kém bắt mắt, nhanh hỏng. Do vậy, dẫn đến lượng hao hụt rất lớn mà khó thể kiểm soát được.

Nhận thấy việc tiêu thụ thực phẩm quan trọng không kém khâu sản xuất, CEO trẻ Đỗ Phan Hoàng Sương cùng đồng đội của mình quyết tâm tìm ra thói quen, nhu cầu của khách hàng để “làm mới” cửa hàng thực phẩm hữu cơ của mình. Bên cạnh mặt hàng rau củ quả tươi, DalatFOODIE tạo ra những sản phẩm mới, phù hợp, tiện lợi, đáp ứng sự thay đổi liên tục của thị trường bằng cách tập trung vào sản phẩm chế biến từ nông sản hữu cơ.

Bà Đỗ Phan Hoàng Sương – Founder & CEO DalatFOODIE

“Không nên thay đổi mà hãy hiểu thói quen của khách hàng” – Đó là giải pháp mà DalatFOODIE giải quyết lượng hao hụt của thực phẩm từ việc đóng gói sản phẩm hữu cơ chế biến. Hiểu được nỗi đau của các nhà bán lẻ, DalatFOODIE chuẩn hóa công thức sản phẩm chế biến, tập trung sơ chế và chế biến để phục vụ nhu cầu tiện lợi tối đa cho người tiêu dùng.

Để xây dựng lòng tin ở khách hàng khi mua hàng trực tuyến, DalatFOODIE đưa ra chính sách bảo hành “trên từng cọng rau”. Tức khách hàng có 2 ngày đổi trả cho các loại rau củ bị dập, úng,… Bên cạnh đó, để khách hàng yên tâm hơn khi đặt hàng, toàn bộ quá trình canh tác, sản xuất, chế biến cũng được DalatFOODIE công khai minh bạch trên các kênh của họ.

Không chỉ xây dựng kênh bán hàng trên các công cụ Facebook,… DalatFOODIE còn chú trọng mở rộng liên kết với đa kênh với các sàn thương mại điện tử và chăm sóc website của mình.

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của website và thương mại điện tử, Founder DalatFOODIE quan điểm rằng, “Thương hiệu là cái hiệu mà người ta thương”. Chính vì lẽ đó, doanh thu online của DalatFOODIE chiếm đến 80%.

Phần Q&A sôi nổi với nhiều câu hỏi được đặt ra cho các diễn giả
Workshop thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm
Bà Hợp Hồ – CEO Công ty Cổ phần Food Network, đơn vị sáng lập dự án Food Connect trao hoa cảm ơn các diễn giả

Workshop “Xu hướng Thương mại điện tử và giải pháp bứt phá doanh thu cho các cửa hàng thực phẩm” được tổ chức bởi Giải pháp Kết nối và tiêu thụ thực phẩm bền vững Food Connect là một trong những hoạt động của chiến dịch “Yêu nông sản Việt”, nằm trong khuôn khổ chương trình “Ủng hộ nông dân – Chung tay vì nông sản Việt”, thuộc dự án Food Connect do Công ty Cổ phần Network sáng lập và vận hành.

Food Connect là Giải pháp Kết nối và tiêu thụ thực phẩm bền vững giữa người nông dân và vùng nguyên liệu ở các địa phương với các đơn vị, cửa hàng, doanh nghiệp thực phẩm. Việc kết nối trực tiếp nhằm lược bỏ các khâu trung gian sẽ hỗ trợ người nông dân tiết kiệm chi phí, đồng thời giúp doanh nghiệp thực phẩm có được nguồn thực phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn, minh bạch để phục vụ cho người tiêu dùng.

Thông tin chi tiết về dự án Food Connect

Website: https://foodconnect.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/Foodconnect.vn