Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Điện thoại, ô tô, hàng không… tỷ phú Phạm Nhật Vượng dồn lực tăng tốc

Tỷ phú số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng tiếp tục ghi dấu ấn với những tham vọng lớn chưa từng có.

Tin từ Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho hay, Vingroup và Tập đoàn CAE của Canada vừa ký kết thoả thuận hợp tác đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không nhằm cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao cho Việt Nam và thế giới.

Theo thỏa thuận, dự kiến, mỗi năm sẽ có 400 phi công và thợ máy đạt tiêu chuẩn quốc tế CAAV, FAA và EASA được cung ứng ra thị trường.

Đây là một thông tin bất ngờ và thuộc dạng nóng bỏng trên thị trường chứng khoán cũng như hàng không Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh trong lĩnh vực này thời gian qua rất khốc liệt. Vài công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) có liên quan, trong đó có VietJet (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và FLC của ông Trịnh Văn Quyết.

Vingroup gia nhập lĩnh vực hàng không.

Trên thực tế, tình trạng thiếu phi công đã diễn ra trong nhiều năm qua kể từ khi VietJet tham gia vào lĩnh vực hàng không và phát triển bùng nổ. Sự xuất hiện hàng không thứ 5 Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết cùng với khả năng Thiên Minh Aviation, Vietravel Airlines và AirAsia cũng sẽ mở hãng hàng không tại Việt Nam sẽ khiến sự thiếu hụt phi công trở nên ngày càng trầm trọng.

Gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều thông tin về sự chậm chuyến, hủy chuyến,… liên quan tới việc cơ quan chức năng tăng cường quản lý về việc phi công không được bay quá số lượng giờ quy định.

Người đại diện pháp luật của Vinpearl Air là bà Nguyễn Thanh Hương. Vinpearl Air (vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng, thành lập 4/2019) có hoạt động chính là vận tải hành khách hàng không, ngoài ra còn có các lĩnh vực kinh doanh phụ như vận tải hàng hóa, kinh doanh bất động sản, lưu trú ngắn ngày, đại lý du lịch,… Từ đây, nhiều nhà đầu tư nhìn thấy một kịch bản khá rõ ràng về việc Vingroup có thể mở một hãng hàng không tham gia vào một lĩnh vực đầy tiềm năng.

Vinpearl Air có tên và địa chỉ trùng với hoạt động của Vingroup.

Thời gian gần đây, nhất là những tháng đầu năm 2019, ông Phạm Nhật Vượng đã ghi dấu nhiều kỷ lục với việc khai trương nhà máy Vinfast tại Hải Phòng, đưa những chiếc ô tô đầu tiên ra thị trường, cho tới nhà máy sản xuất điện thoại tại Hòa Lạc, lập không gian ảo siêu thị ảo VinMart (Virtual Store), hay tấn công vào lĩnh vực công nghệ với việc thành lập VinTech.

Hồi cuối tháng 5/2019, Vingroup của ông Vượng hút được dòng vốn tỷ USD từ tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc SK Group. SK Group đã chi tổng cộng 23 ngàn tỷ đồng (gần 1 tỷ USD) để nắm giữ 6,15% cổ phần của Tập đoàn Vingroup thông qua việc mua 154 triệu cổ phần phổ thông phát hành riêng lẻ của VIC cùng với 51,4 triệu cổ phiếu VIC mua lại từ Vincommerce (một công ty con của Vingroup).

Tham vọng của tỷ phú số 1 Phạm Nhật Vượng ngày càng mở rộng. Nhiều động thái cho thấy, những chuyển biến tại doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam đang diễn ra gấp gáp ở vào một thời điểm bước ngoặt để Vingroup có thể bước chân vào top các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới, nhất là nếu thành công trong lĩnh vực công nghệ.

Ở chiều ngược lại, áp lực đối với doanh nghiệp của ông Vượng cũng rất lớn, liên quan tới không chỉ vấn đề nguồn vốn đảm bảo cho tốc độ phát triển theo cấp số nhân mà còn là nguồn nhân lực đảm bảo cho sự vận hành của một hệ sinh thái Vingroup. Đây cũng là điểm yếu  mà được cho là nguyên nhân khiến cho một số tập đoàn lớn, mà gần đây nhất là Apple không chọn Việt Nam là nơi sản xuất.

Áp lực cũng rất lớn bởi cỗ máy in tiền đều đặn của Vingroup cho tới thời điểm hiện tại vẫn là Vinhomes. Mảng bán lẻ có nhiều khởi sắc, mạng lưới mở ra rộng khắp và doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận lớn vẫn là điều nằm ở tương lai.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giao dịch tiếp tục ảm đạm. Tuy nhiên, nhóm dầu khí tăng mạnh trở lại đã giúp VN-Index dần lấy lại mốc 970 điểm. Nhiều cổ phiếu chuyển động tích cực gồm: GAS, PVC, Vinamilk, Thế Giới Di Động, Bảo Việt…

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo CTCK Rồng Việt, nhìn chung xu thế chủ đạo vẫn đang là giằng co. Dòng tiền tiếp tục tỏ ra kém mặn mà với các cổ phiếu Bluechip và tập trung hơn ở các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, đặc biệt là trên sàn Upcom. Xu hướng này đã kéo dài khá lâu và chưa có dấu hiệu kết thúc.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/7, VN-Index tăng 2,7 điểm lên 969,05 điểm; HNX-Index tăng 1,29 điểm lên 105,1 điểm và Upcom-Index tăng 0,2 điểm lên 55,88 điểm. Thanh khoản đạt 200 triệu đơn vị, trị giá 4,8 ngàn tỷ đồng.

V. Minh

Theo Vietnamnet