Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Dịch Covid-19 bước vào giai đoạn mới, nền kinh tế Việt Nam sẽ đối đầu như thế nào?

“Chúng ta sẽ phải chung sống với dịch Covid-19 trong thời gian dài hơn. Do đó, cách ứng xử với dịch bệnh sẽ phải rất khác, và cần có sự tham gia, chia sẻ của toàn bộ: Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, người dân…”, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế xã hội (MASSEI) nói với Trí Thức Trẻ.

-Dịch Covid-19 đang bước vào giai đoạn 2 và nhiều khả năng sẽ kéo dài hơn so với các kịch bản đề ra trước đó. Ở thời điểm này, liệu có thể đưa ra dự báo gì cho kinh tế Việt Nam?

Nhìn vào diễn biến của các dịch bệnh trong quá khứ như SARS (năm 2003) thì thời gian để khống chế bệnh dịch sẽ trong khoảng từ 6 – 8 tháng. Tuy nhiên, với những đợt dịch trước, quy mô của nó chỉ trong một số quốc gia. Ví dụ SARS là 26 nước. Còn với Covid-19, tình hình đã phực tạp hơn khi lan đến hơn 100 nước. Mức độ ảnh hưởng của nó cũng không gói gọn trong vài nền kinh tế nhỏ mà ngay cả những nền kinh tế lớn, có sức ảnh hưởng toàn cầu như EU hay Mỹ (đang có dấu hiệu), cũng bị tác động.

Điều này buộc chúng ta phải nhìn ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên nền kinh tế là trong thời gian tương đối dài chứ không kết thúc trong ngày một ngày hai. Tất nhiên, có thể kỳ vọng sẽ sớm khống chế được dịch, nhưng điều đó không có nghĩa là không phải chuẩn bị những kế hoạch, kịch bản dài hơi hơn.

-Gần như chúng ta sẽ phải “sống chung” với bệnh dịch?

Đúng vậy. Vì thế chúng ta cũng cần một cách thức ứng xử khác. Việc dịch bệnh có thể kéo dài buộc các mối quan hệ xã hội, kinh tế cũng phải thay đổi so với những gì đã diễn ra trước đó. Tôi cho rằng sắp tới cần có nhiều hơn sự tham gia, chia sẻ của toàn xã hội: từ Chính phủ, đến doanh nghiệp, người dân trong phòng, chống dịch. Các nhóm, các bộ phận sẽ không thể chỉ mong đợi được hỗ trợ từ phía Chính phủ. Chính phủ cũng không thể chỉ tập trung vào một bộ phận. Tầm nhìn phải dài hạn hơn.

-Ông có thể phân tích rõ hơn về cách ứng xử khác?

Thứ nhất là về phía Chính phủ. Trong bối cảnh dịch bệnh đang phức tạp như hiện tại, Chính phủ gần như là người “cầm trịch”, dẫn dắt niềm tin của xã hội. Vai trò của Chính phủ là làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, không cho dịch lan rộng, giảm tối đa các thiệt hại về người và những tổn hại lên nền kinh tế. Còn những gì mà nền kinh tế có thể tự làm được, giải quyết được thì Nhà nước không nên tác động vào.

Với doanh nghiệp và người dân, một mặt cần tin tưởng và nghe theo các định hướng của Chính phủ liên quan đến công tác phòng, chống dịch. Đó là việc rất quan trọng để kiểm soát được dịch. Mặt khác, doanh nghiệp và người dân phải có ý thức vượt khó và có sự chia sẻ trong cộng đồng về rủi ro.

Bản chất của kinh doanh là tính cộng sinh nên sẽ phải có sự san sẻ, hỗ trợ thôi. Ví dụ chủ mặt bằng có thể giảm bớt tiền thuê trong lúc khó khăn, doanh nghiệp có thể hỗ trợ nhân viên trong mức nhất định khi cho họ nghỉ tạm thời, người lao động cũng chia sẻ ngược trở lại với chủ sử dụng lao động…

Khi có ý thức hơn về sự cộng sinh, chúng ta sẽ giải quyết được các vấn đề lớn hơn trong nền kinh tế thời dịch bệnh, ví dụ như hàng hoá, dịch vụ công. Điều này cũng giúp cho Chính phủ không phải can thiệp quá sâu, sử dụng những biện pháp hành chính trong nền kinh tế.

-Quay trở lại với những động thái gần đây của Chính phủ, ông đánh giá các biện pháp được đưa ra như thế nào? Đơn cử như 2 gói hỗ trợ có tổng giá trị là 280.000 tỷ đồng?

Cần nhìn các hỗ trợ của Chính phủ dưới hai góc độ. Thứ nhất là hỗ trợ trực tiếp cho một bộ phận các dành, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp với nguồn được lấy ra từ ngân sách. Thứ hai là các cách hỗ trợ có tính gián tiếp cho các nhóm bị tác động.

Theo tôi hiểu, 2 gói với tổng giá trị là 280.000 tỷ đồng mang tính chất hỗ trợ gián tiếp nhiều hơn. Ví dụ như với gói tín dụng 250.000 tỷ đồng là kêu gọi các ngân hàng thương mại hỗ trợ cho các khách hàng doanh nghiệp. Còn gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỷ là các khoản giãn thuế, chậm thu phí cho doanh nghiệp.

Tôi nghĩ đây vẫn chưa phải là thời điểm Chính phủ cần đưa ra những hỗ trợ trực tiếp cho một nhóm đối tượng bị ảnh hưởng cụ thể nào đó. Tôi cũng thiên về phương hướng hỗ trợ gián tiếp như khuyến khích Chính phủ có những động thái giảm thuế trên diện rộng cho doanh nghiệp. Ví dụ như giảm thuế TNDN cho DNNVV xuống 15%. Đây là dịp để triển khai ngay các hướng như thế. Nó sẽ trợ lực cho nền kinh tế.

-Ông từng đưa ra quan điểm cần thận trọng trong vấn đề chính sách tiền tệ khi hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh. Đến thời điểm hiện tại, quan điểm này có tiếp tục duy trì?

Chính sách tiền tệ là chính sách rất dễ bị lạm dụng đối với Việt Nam. Đây là chính sách khá nhạy cảm, có thể gây ra lạm phát. Kinh tế Việt Nam rất khác so với các nền kinh tế của các nước phát triển như Mỹ, Nhật hay châu Âu… khi tại các nước này, tiêu dùng trong nước quyết định chính đến tăng trưởng. Do đó, họ thường có các chính sách tiền tệ để kích cầu.

Tính chất kinh tế Việt Nam khác hẳn. Việt Nam là quốc gia có độ mở rất lớn, do đó, nền kinh tế sẽ bị tác động bởi các hàng hoá mang tính chất xuất nhập khẩu. Còn tiêu dùng trong nước nhìn chung sẽ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế như những nước kia.

Do đó, khi dùng chính sách tiền tệ để kích cầu có thể gây ra hiệu ứng lạm phát. Điều này có thể nhìn thấy rất rõ trong những thời kỳ mà Chính phủ chỉ cần có động thái bơm tiền để kích thích thì đã gây ra lạm phát rồi. Vậy nên dù trong điều kiện nào thì kinh tế Việt Nam vẫn nên duy trì chính sách tiền tệ trung tính. Tức là chỉ cần đảm bảo tính thanh khoản cho nền kinh tế.

Ví dụ khi một số ngân hàng thương mại hoặc cả hệ thống ngân hàng bị rơi vào tình trạng mất thanh khoản thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể giảm lãi suất cơ bản, lãi suất chiết khấu… để bơm tiền vào. Nó khác hẳn với chính sách như kiểu hỗ trợ lãi suất để đẩy tín dụng ra nền kinh tế.

Tín dụng phải để ngân hàng tự quyết định. Họ sẽ tự cân đối, tính toán sao cho hợp lý. Vì vậy, với chính sách khuyến khích từ phía NHNN như hiện nay khá hợp lý khi để các ngân hàng thương mại tự đưa ra gói hỗ trợ cho doanh nghiệp. Mỗi ngân nhàng sẽ có chính sách khác nhau, tuỳ thuộc vào khả năng của họ. Điều này không phải là hành động mang tính mệnh lệnh hành chính trên toàn bộ hệ thống ngân hàng để đẩy tín dụng ra.

Cảm ơn ông!

Theo CafeF