Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Đề xuất thêm các gói cứu trợ mới cho thị trường bất động sản

Đây là ý kiến được nhiều doanh nghiệp đưa ra tại Hội nghị lắng nghe những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản được tổ chức sáng qua (18/2), nhằm kịp thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2020.

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phát triển và đưa ra đề xuất kiến nghị sát với thực tế, sáng ngày 18/2 Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã tổ chức hội nghị trao đổi những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư về chính sách của nhà nước đối với thị trường bất động sản Việt Nam. Kiến nghị tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho thị trường bất động sản Việt Nam phát triển ổn định và bền vững.

Hội nghị do ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chủ trì. Cùng tham dự của đại diện Bộ Xây dựng có ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản; ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản và các trưởng phòng. Hội nghị cũng có sự tham gia của đại diện 23 doanh nghiệp bất động sản thành viên của Hiệp hội như Vinhomes, Sun Group, FLC, Novaland, Phúc Khang, BRG, BV Group…

Phát biểu tại hội nghị, Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, TGĐ Eurowindow Holding nêu ý kiến: “Không phải ngẫu nhiên Thủ tướng có chỉ đạo lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, nhất là trong bối cảnh tình trạng dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến bất động sản nghỉ dưỡng. Từ góc độ doanh nghiệp tham gia thị trường, Eurowindow Holding kiến nghị Thủ tướng có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng như giảm thuế, giảm lãi suất vay và có các chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điểm đến an toàn.

Về bất động sản nói chung, những kế hoạch tính đến thời điểm hiện tại rất khó để có thể thực hiện bởi những đợt mở bán của Eurowindow Holding vừa qua không có nhiều khách hàng đến xem. Cùng với đó, nguồn cung bất động sản, giao dịch bất động sản trong năm nay có thể đi xuống do vướng mắc các thủ tục pháp lý.

“Tôi cho rằng, một trong những chính sách chính là giải tỏa về vốn cho doanh nghiệp bất động sản. Thứ nữa là chúng tôi rất quan tâm đến Nghị định 20. Mong rằng, VNREA sẽ tiếp tục có những kiến nghị để sửa đổi các quy định này”, bà Chi cho biết.

Tham gia phát triển 4 tòa nhà ở xã hội, ông Bùi Viết Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long cũng kiến nghị: “Phân khúc nhà ở xã hội còn nhiều gặp khó khăn vì chủ đầu tư và khách hàng đều không được vay. Theo đó, cần được Chính phủ đưa ý kiến để các ngân hàng thương mại có cơ chế miễn lãi và hỗ trợ lãi suất thì doanh nghiệp sẽ tự tìm đến ngân hàng vay vốn để tiếp tục phát triển các dự án phục vụ những người nghèo”.

Bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng Giám đốc FLC chia sẻ, trong quá trình hoạt động, FLC nhận thấy những khó khăn liên quan đến 3 vấn đề lớn là pháp lý, nguồn vốn, thủ tục hành chính. Về nguồn vốn, theo bà Dung gói tín dụng 30 nghìn tỷ hỗ trợ thị trường BĐS đã kết thúc từ năm 2016, hiện nay thị trường BĐS đang trong giai đoạn khó khăn mong chờ những nguồn vốn hỗ trợ mới, gói tín dụng mới để giúp thị trường bình ổn.

Về pháp lý, đại diện FLC cho rằng có sự chồng chéo, thiếu đồng bộ liên quan đến 4 luật khác, ảnh hưởng rất nhiều đến các dự án bất động sản, nếu khơi thông được luật thì sẽ khơi thông được dự án bất động sản. Trong 2 năm trở lại đây, các địa phương rất ngại vấn đề về phê duyệt dự án. Theo đó, các tỉnh giao đất cho doanh nghiệp không nhiều, nếu tình trạng này không được khắc phục thì năm sau số dự án được phê duyệt xây dựng sẽ rất ít, làm giảm cơ hội đầu tư kinh tế địa phương… Bên cạnh đó còn những vấn đề mâu thuẫn giữa đấu thầu với đấu giá cũng khiến doanh nghiệp gặp không ít trở ngại.

“Có thể nói, làm hết thủ tục bài bản để xây dựng dự án, ít nhất doanh nghiệp phải mất 2 năm, điều đó gây khó khăn và bỏ lỡ các cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp”, bà Dung khẳng định.

Tiếp tục cho ý kiến về những vướng mắc trong vấn đề pháp lý, ông Lê Huy Giang – Phó TGĐ Tập đoàn Bách Việt (BV Group) cho biết hiện vẫn còn tồn tại một số bất cập trong công tác giao đất đối với trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ TNMT và các cơ quan có thẩm quyền. 

Theo đó, theo Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 30/2015/NĐ-CP cho phép hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện, dự án có sử dụng đất, được áp dụng cho cả các dự án chưa hoàn thành công tác GPMB. Sau khi trúng thầu, nhà đầu tư sẽ ứng tiền để triển khai công tác GPMB dự án (công tác này khó khăn và mất nhiều thời gian triển khai thực hiện).

Theo Luật đât đai, hiện không có quy định cụ thể và rõ ràng áp dụng cho trường hợp giao đất, cho thuê đất cho Nhà đầu tư trên cơ sở kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. Vì vậy, việc giao đất cho nhà đầu tư có khó khăn, chậm và kéo dài ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và pháp lý mua bán hàng, huy động vốn của dự án.

Đối với các dự án của BV Group, trước năm 2019 các thủ tục về giao đất được triển khai áp dụng bình thường theo các quy định tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP và các quy định khác. Tuy nhiên, hiện nay không có quy định nào cụ thể về giao đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án có sử dụng đất qua hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và nhà đầu tư ứng tiền GPMB. 

“Như vậy, các dự án đã GPMB đã phải tạm dừng việc giao đất để chờ hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền đối với bất cập trên, điều này gây khó khăn cho các Nhà đầu tư khi dự án không (chưa) thực hiện được việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý (giao nhận đất, cấp giấy CNQSDĐ và bán hàng, huy động vốn…)”, ông Giang cho biết.

Lắng nghe ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), hồi đáp: “Cần phải phân biệt rõ hai vấn đề, một là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản và hai là tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, mà cụ thể là nhà ở xã hội”.

Tôi cho rằng, thị trường bất động sản có rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ nên đề nghị các doanh nghiệp cần phải kiến nghị rõ, điều nào, khoản nào trong các quy định đang gây khó khăn cho thị trường thì Bộ Xây dựng mới có thể căn cứ vào đó để tập hợp và nêu ý kiến. Hiện nay, Luật Đầu tư đang được sửa, nếu những vấn đề sáng nay doanh nghiệp nêu ý kiến về khó khăn trong chấp thuận đầu tư có thể sửa đổi thì sẽ thông thoáng cho thị trường. Với vấn đề nhà ở xã hội, đúng là việc cấp vốn, chính sách hỗ trợ vốn cho phân khúc này còn nhiều khó khăn nên cần phải đưa thêm nhiều các kiến nghị lên Chính phủ. Trong ngày hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp đã nêu và sẽ chắp bút ghi nhận để tập hợp và báo cáo lên lãnh đạo Bộ”, ông Ninh cho biết.

Tổng kết hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam kết luận: “Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp tại Hội nghị hôm nay, tổng kết lại có 4 vấn đề chúng tôi sẽ nêu kiến nghị lên Thủ tướng là: Các quy định trong Nghị định 20; Pháp lý cho dự án bất động sản; Thủ tục hành chính và gỡ về vốn, giảm lãi suất cho vay. Chúng tôi sẽ thực hiện một văn bản tổng hợp toàn bộ về thông tin thị trường, kiến nghị các vấn đề liên quan đến các bộ luật, nghi định, văn bản và những giải pháp chi tiết cho từng kiến nghị để trình lên Chính phủ”.

Theo CafeF