Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Đâu là lý do kinh tế Việt Nam phục hồi chậm?

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, các chính sách phục hồi nền kinh tế đặc biệt là chính sách tài chính, tài khóa còn khá lúng túng.

Việt Nam là một trong những nước phục hồi chậm nhất trên thế giới

Kinh tế Việt Nam đang phục hồi rất chậm theo hình chữ U

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, trong đại dịch, Việt Nam là một trong những nước phục hồi chậm nhất. 

Nếu như các nước trên thế giới coi dịch bệnh này là tai nạn chứ không phải là một cuộc khủng hoảng cấu trúc. Do đó, nền kinh tế xuống rất nhanh và phục hồi cũng rất nhanh theo hình chữ V. Trong khi đó, quá trình phục hồi của Việt Nam có vẻ như đang là chữ U chứ không phải chữ V.

Ông Nghĩa cho rằng, khủng hoảng dịch bệnh ở Việt Nam có cả vấn đề về cấu trúc chứ không đơn thuần là khủng hoảng y tế. 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến phục hồi kinh tế chậm theo ông Nghĩa là do Việt Nam rất chần chừ trong việc đưa ra các gói kích thích để phục hồi nhanh. Hầu hết biện pháp hỗ trợ hiện nay mới là các gói gián tiếp mang tính giãn, hoãn, chưa tới 1% GDP.

“Chính sách có vẻ lúng túng, chính sách tài khóa 2021 không có mục nào là chống Covid-19. Cả giai đoạn tới đây cũng không có mục nào là tài chính dành cho Covid, mà chỉ dùng ngân sách dự phòng để xử lý. Điều đó cho thấy chúng ta không có quy định nào rõ ràng về tình trạng khẩn cấp của thảm họa như các nước khác. Cơ quan hành pháp của Việt Nam không có đủ quyền lực để điều hành như trong tình trạng khẩn cấp”, ông Nghĩa nhận định. 

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng cho rằng, Covid-19 là cuộc khủng hoảng chưa bao giờ xảy ra với thế giới và Việt Nam.

Đối phó với cuộc khủng hoảng này, ngay từ năm 2020 các nước đã tung ra những gói rất mạnh, trong khi, Việt Nam còn rất rụt rè. Bên cạnh đó, mức độ rủi ro của đại dịch còn rất lớn, những biện pháp đưa ra nếu không tính toán đến yếu tố dịch tễ thì rất khó.

Việt Nam sử dụng chính sách tiền tệ nhiều hơn các nước, trong khi chính sách tài khóa còn khiêm tốn. Chính sách tài khóa cần được có vai trò lớn trong thời gian tới. Việt Nam nên cân nhắc chấp nhận tăng nợ công và tăng bội chi, tất nhiên là cần thiết lập kỷ luật tài khóa trong trung và dài hạn.

Về chính sách tiền tệ, Việt Nam sử dụng tương đối nhiều dư địa của chính sách này và đến ngưỡng phải cân nhắc về sự an toàn, ông Cường dự báo đã khoảng 7%. Trong khi đó, ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, nếu tiếp tục gây áp lực thì sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Không nên đẩy rủi ro cho các ngân hàng thương mại

Khuyến nghị của ADB là chính sách tài khóa sẽ là trụ cột chính, bên cạnh sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ. Theo ADB và các tổ chức khác, các chính sách tài khóa của Việt Nam mới hỗ trợ khoảng 2% GDP, là mức rất thấp so với các nước trong khu vực. Điều này cho thấy nó hoàn toàn có dư địa để tăng lên. Tuy nhiên, quan trọng hơn là hiệu quả, nếu không thực hiện nhanh thì về mặt số lượng cũng không có ý nghĩa nhiều.

Đưa ra giải pháp giúp phục hồi nền kinh tế, tại tọa đàm “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế”, ông Nghĩa cho rằng, trong các cuộc khủng hoảng, không nên kéo ngân hàng vào cuộc. 

Ông Nghĩa khuyến nghị nên tránh việc đưa ra gói kích thích tài trợ lãi suất như năm 2009. Nó đã làm tốc độ tăng trưởng tăng lên rất cao, kéo theo lạm phát, đây là cách làm không đạt hiệu quả như mong muốn. 

Do đó, chính sách hỗ trợ phải kiên quyết đạt được các nguyên tắc. 

Một là không kéo các ngân hàng thương mại vào cuộc. Các doanh nghiệp vay đúng chuẩn mực hiện nay, doanh nghiệp nào có nhu cầu tài trợ thì đến Bộ Tài chính, chứ không cấn trừ ngay vào lãi suất của hệ thống ngân hàng, làm méo mó, khoản cho vay đắt, khoản cho vay rẻ, đó là điều tối kị.

Hai là không kéo dài kế toán kiểm toán và xử lý tài chính. Ba là không ảnh hưởng gì đến méo mó lãi suất thị trường. Bốn là không đẩy ngân hàng thương mại vào rủi ro có thể có.

Đây cũng là cách làm giúp kiểm soát lạm phát. Hiện nay, các ngân hàng trung ương trên thế giới dự kiến tăng lãi suất, trong khi đó Việt Nam lại giảm, điều này phải cân nhắc, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Thực tế trên thế giới cho thấy, các nước như Mỹ và Trung Quốc đã rơi vào 2 lạm phát. Một là lạm phát chi phí đẩy (do thiếu cung), hai là do kích thích từ rất sớm, cách đây 2 năm dẫn tới lạm phát cầu kéo, tức là số tiền bỏ ra cách đây 2 năm giờ phát huy tác dụng.

“Người ta hi vọng giảm phát này có thể giảm xuống vì khi cung tăng lên, giá cả sẽ giảm đi nhưng tôi không nghĩ như vậy. Vì số lượng tiền các Chính phủ in ra lần này cực lớn, chưa từng có trong lịch sử. Đó là rủi ro lạm phát cầu kéo trong tương lai, có thể dẫn đến chiến tranh thương mại, chiến tranh tiền tệ, ngoài ra còn là rủi ro về tỷ giá”, ông Nghĩa phân tích.

Đây chính là bài học cho Việt Nam, sắp tới, Chính phủ nên có các gói giãn hoãn, giảm bớt liều lượng, kể cả thuế, lãi suất, phí, phân loại nợ… Đồng thời cho phép ngân hàng thương mại trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn. Hiện nhiều ngân hàng thương mại đang ghi nhận lãi cao đến mức họ phát sợ.

Đặc biệt là trong vài năm trở lại đây, tốc độ tăng lợi nhuận một số ngân hàng có thể lên hàng trăm %. Đó là điều không nên vui mừng, không bình thường và đáng lo ngại!

Nguyên nhân là do khối lượng nợ xấu rất lớn, không phải như con số thông báo. Bằng chứng là mức ROE, ROA của ngân hàng đang tăng nhanh, tức là không phải trích lập dự phòng rủi ro nên lợi nhuận tăng như vậy, nói cách khác lãi dự thu là rất lớn. Dòng tiền của ngân hàng khó khăn, tức là tồn ở nợ xấu. Vì vậy, các gói kích thích kéo ngân hàng thương mại vào là rủi ro kinh tế vĩ mô thực sự.

Sau cuộc khủng hoảng này, các ngân hàng thương mại sẽ khá vất vả. Vì thế nếu kinh tế phục hồi thì bắt đầu là vấn đề của ngân hàng và thị trường chứng khoán.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, vị chuyên gia này khuyến cáo các chính sách phục hồi nền kinh tế nên tập trung vào các biện pháp ngắn hạn, mà trước mắt là phục hồi lao động. 

Ngoài gói kích thích lãi suất, Chính phủ cần có thêm gói tài chính trực tiếp như đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay để phục hồi việc làm, tài trợ an sinh xã hội.

Theo The Leader