Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Cuộc đua thâu tóm doanh nghiệp Việt của giới đầu tư Hàn Quốc và Trung Quốc

Nếu tính theo lượt góp vốn, mua cổ phần thì Trung Quốc và Hàn Quốc là hai quốc gia có số lượt góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam 9 tháng năm 2019 nhiều nhất, lần lượt là 1.973 lượt và 1.267 lượt góp vốn, mua cổ phần…
Ảnh: Tạp chí tài chính

Dữ liệu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài vừa được Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho thấy, 9 tháng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 26,16 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Giải ngân vốn FDI đạt 14,22 tỷ USD

Trong đó, cả nước có 2.759 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tăng 26,4% số dự án so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký cấp mới 10,97 tỷ USD, bằng 77,7% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư đăng ký cấp mới giảm so với cùng kỳ do quy mô dự án giảm, trong 9 tháng năm 2019 không có dự án đầu tư mới nào có quy mô vốn trên 300 triệu USD. 

Có 1.037 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký điều chỉnh gần 4,79 tỷ USD, bằng 86,4% so với cùng kỳ năm 2018. 

Cũng trong 9 tháng đầu năm 2019, cả nước có 6.502 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 10,4 tỷ USD, tăng 82,3% so với cùng kỳ 2018 và chiếm 39,8% tổng vốn đăng ký.

Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 14,22 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Hàn Quốc và Trung Quốc đổ xô thâu tóm doanh nghiệp Việt

Trong 9 tháng năm 2019, đã có 109 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,89 tỷ USD; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 4,62 tỷ USD; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,77 tỷ USD; Nhật Bản vượt lên Trung Quốc và xếp vị trí thứ tư với tổng vốn đăng ký 3,067 tỷ USD.

Tuy nhiên, nếu tính riêng theo lượt góp vốn, mua cổ phần thì Trung Quốc và Hàn Quốc là hai quốc gia có số lượt góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam 9 tháng năm 2019 nhiều nhất, lần lượt là 1.973 lượt và 1.267 lượt góp vốn, mua cổ phần. Các nhà đầu tư đến từ hai quốc gia này cũng có tổng số dự án cấp mới và số vốn đăng ký cấp mới vào Việt Nam cao nhất. Hàn Quốc có 819 dự án cấp mới với vốn đăng ký cấp mới đạt 2 tỷ USD. Trung Quốc có 486 dự án cấp mới với số vốn đăng ký mới đạt 2 tỷ USD.  

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 18,09 tỷ USD, chiếm 69,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. 

Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,77 tỷ USD, chiếm 10,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,4 tỷ USD, chiếm 5,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 25,28 tỷ USD 

Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô đạt 134,73 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 69,3% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 133,21 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ 2018 và chiếm 68,6% kim ngạch xuất khẩu.

Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt 109,45 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 58,1% kim ngạch nhập khẩu.

Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2019, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 25,28 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 23,76 tỷ USD không kể dầu thô. 

Mặc dù khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,4 tỷ USD, nhưng suất siêu khu vực đầu tư nước ngoài đã bù đắp được nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước. Vì vậy cả nước xuất siêu 5,87 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2019.

KIỀU LINH

Theo VnEconomy