Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

COVID-19 mang tới cơ hội chưa từng có cho các sàn TMĐT khắp Châu Á

Các sàn TMĐT đều nhìn nhận COVID-19 đã thúc đẩy nhanh sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng và đây là một xu hướng không thể đảo ngược.

Các nhà bán lẻ thương mại điện tử (TMĐT) trên khắp Châu Á đang chứng kiến doanh số bùng nổ trong lúc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, theo Nikkei.

Khi cửa hàng phải đóng cửa tại nhiều quốc gia do lệnh phong toả hoặc giãn cách xã hội, thực tế này mang đến cho các sàn TMĐT cơ hội phát triển chưa từng có.

Nhà cung cấp giải pháp quảng cáo số Criteo nói rằng nghiên cứu do hãng thực hiện cho thấy hơn 50% người tiêu dùng dự tính sẽ thực hiện nhiều giao dịch mua sắm trực tuyến hơn vì đại dịch. Cùng thời điểm, chỉ 17% người tham gia khảo sát nói rằng họ sẽ mua sắm trên sàn TMĐT ít hơn.

COVID-19 khiến xu hướng mua sắm trực tuyến được nhiều người tiêu dùng sử dụng hơn. Ảnh: Nikkei

“Chúng tôi thấy nhu cầu cho các mặt hàng vệ sinh cá nhân và y tế như khẩu trang hay nước rửa tay, nhu yếu phẩm hàng ngày tăng mạnh”, Zhou Junjie, giám đốc thương mại Shopee, chia sẻ.

Shopee ghi nhận tổng giá trị giao dịch hàng hoá (GMV) tăng 74,3% và chạm mốc 62 tỉ USD trong quý 1/2020.

Tổng số đơn hàng của trang TMĐT có trụ sở tại Singapore thực hiện cũng lên tới 429,8 triệu trong quý 1, tăng 111,2% từ con số 203,5 triệu đơn hàng của cùng kì năm ngoái.

Tận dụng cơ hội mà COVID-19 mang tới, Shopee đã triển khai một chương trình thúc đẩy khách hàng mua các mặt hàng phục vụ nấu ăn, làm việc và môi trường với gói giao hàng miễn phí.

Hồi tháng 5, Sea, công ty mẹ của Shopee, nhấn mạnh rằng hãng đang tính đến việc mở rộng kinh doanh và thực hiện các thương vụ thâu tóm bằng nguồn vốn huy động từ khoản trái phiếu chuyển đổi 1 tỉ USD tới năm 2025 mới đến hạn.

“COVID-19 đã đẩy nhanh xu hướng chuyển dịch đời sống sang trực tuyến một cách sâu rộng và chúng tôi tin là không thể đảo ngược”, Zhou chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp cũng đang nhanh chóng chớp thời cơ để đảo ngược xu hướng giảm trong nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu.

CapitalLand, một trong những đơn vị bất động sản lớn nhất Châu Á, cho biết họ sẽ ra mắt sàn TMĐT eCapitaMall với sự tham gia của các cửa hàng vật lí đang sử dụng không gian trong các trung tâm thương mại của nó.

“Là nhà vận hành trung tâm thương mại lớn nhất Singapore, chúng tôi muốn giúp các nhà bán lẻ tiếp cận tới nhiều khách hàng và các cơ hội bán hàng trực tuyến hơn”, Chris Chong, giám đốc điều hành mảng bán lẻ của CapitalLand Singapore, chia sẻ.

(Nguồn: Nikkei/ Criteo, Việt hoá: Thái Sơn)

Ở Trung Quốc, nhiều sàn TMĐT đã tham gia vào một sự kiện mua sắm có tên “Double Five” (tạm dịch: Số 5 kép) khởi động vào ngày 5/5. Sự kiện này thu hút 2,2 tỉ USD doanh thu trong 24 giờ đầu tiên, theo Uỷ ban Thương mại Trung Quốc.

Hàng tỉ nhân dân tệ đã được các sàn TMĐT chi dưới dạng coupon hoặc phiếu giảm giá trong sự kiện mua sắm. Sự kiện Double Five sẽ kéo dài 2 tháng và một số nhà bán lẻ trực tuyến còn hợp tác với những cửa hàng truyền thống để bán cả những mặt hàng xa xỉ như xe hơi cao cấp.

Invesco, công ty quản lí đầu tư Mỹ, nói rằng mức độ thâm nhập của bán lẻ trực tuyến tại Trung Quốc đã chạm mốc 28,2% trong quý 1/2020, tăng lên từ 23% của cùng kì năm ngoái.

Lúc này, thách thức cho các nhà bán lẻ trực tuyến là làm sao để có thể giao hàng tới người mua nhanh chóng khi ngành logistics chịu nhiều ảnh hưởng từ COVID-19.

“Chúng tôi thấy nhiều công ty đang làm việc dựa trên các lời khuyên của chính phủ và đang phải thay đổi mô hình giao hàng từ nhà kho tới người dùng cuối”, William Yuen, giám đốc đầu tư của Invesco, nói với Nikkei.

Arne Jeroschewski, người đồng sáng lập của công ty theo dõi đơn hàng Parcel Perform, nhận định rằng khó khăn đến từ việc nhiều nhà kho phải đóng cửa khi phát hiện nhân viên nhiễm COVID-19 mới.

“Không phải ai cũng mua những thứ họ từng mua trước đây. Vì thế, rất nhiều sản phẩm cháy hàng và các sàn TMĐT không thể nhanh chóng bổ sung”, anh giải thích thêm.

Mặc dù TMĐT nằm trong nhóm các ngành kinh doanh “hưởng lợi” từ đại dịch, Sachin Kapur, giám đốc marketing của Coupang, nói rằng sàn TMĐT Hàn Quốc đang phải nỗ lực hơn để giữ đúng cam kết với khách hàng.

Hợp tác cũng là cách các công ty tìm cách vượt qua các rào cản vì bệnh dịch. Sàn TMĐT Bukalapak đã hợp tác với Grab và Go-Jek để tiếp cận dễ dàng với khách hàng hơn.

Với Sendo, đại dịch khiến sàn TMĐT Việt Nam buộc phải tìm cơ hội hợp tác để mở rộng các sản phẩm người dùng có thể mua sắm trực tuyến.

“Chúng tôi đàm phán với nhiều thương hiệu đa quốc gia như Unilever hay P&G và giúp họ tạo cửa hàng trên Sendo để giao hàng đến người dùng”, Đức Phạm, Phó giám đốc marketing Sendo, nói.

Clement Lee, người sáng lập công ty hỗ trợ TMĐT Singapore Synagie Corp, nhấn mạnh đại dịch đã thay đổi thói quen và lối sống của người tiêu dùng.

“Mọi người sẽ làm việc ở nhà và mua sắm từ nhà. Nó mang đến cơ hội chưa từng có trong mảng TMĐT mà bất kì công ty nào cũng cần chú ý”, ông nhấn mạnh.

Theo Vietnambiz