Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc, doanh nghiệp Việt giải bài toán thiếu vốn

Tại diễn đàn thường niên lần thứ 4 của APEC về chủ đề “Phát triển thị trường tài trợ chuỗi cung ứng tại các nền kinh tế mới nổi như thế nào?”, bà Vũ Thị Thu Hoàn, Trưởng bộ phận thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại, ngân hàng Citibank Việt Nam cho biết Việt Nam đang đứng trước cơ hội dịch chuyển đầu tư rất lớn do chiến tranh thương mại gây ra.

Thiếu vốn để gia nhập chuỗi cung ứng toán cầu

Theo khảo sát của Citibank thực hiện với các doanh nghiệp đang hoạt động tại Trung Quốc thì có 46% doanh nghiệp có kế hoạch chuyển sản xuất sang các nhà máy hoặc xây dựng xưởng sản xuất mới tại Việt Nam, con số này là 13% với Thái Lan, 12% với Malaysia và 9% với Phillipines.

Có 5 yếu tố  khiến Việt Nam là lựa chọn nhiều nhất. Đó là Việt Nam có vị trí địa lý nằm gần Trung Quốc nhất; vị trí có các tuyến giao thông dễ dàng; dân số đông, cơ cấu dân số trẻ, giá nhân công tương đối rẻ và chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc; nền chính trị ổn định so với các nước khác trong khu vực; cuối cùng là Việt Nam chủ động trong việc ký hiệp định kinh tế song phương, đa phương…

Theo bà Hoàn, các ngành hàng tiêu dùng như may mặc, giày dép có nhân công lớn, giá rẻ sẽ có lượng chuyển dịch nhanh và mạnh mẽ nhất. Tiếp đến ngành công nghiệp kỹ thuật và công nghệ do cuộc chiến quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ thúc đẩy sự ra đi của các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc.

Do đó, cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu mở ra rất lớn nhưng cũng không kém phần thách thức.

Quang cảnh hội thảo. Nguồn: IFC

Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Thịnh chia sẻ có 3 khó khăn ngăn cản doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ nhất, tất cả các tập đoàn lớn luôn có sẵn chuỗi cung ứng toàn cầu nên khi di dời sản xuất vào Việt Nam thì cũng đem theo chuỗi cung ứng. Các tập đoàn lớn có khuynh hướng không sử dụng nguồn cung ứng từ doanh nghiệp Việt Nam do phải đánh giá lại từ đầu bởi mỗi một sai sót sẽ gây thiệt hại.

Thứ 2, sau khi được các tập đoàn lớn chấp nhận cho tham gia vào chuỗi cung ứng thì có 2 yếu tố cơ bản doanh nghiệp Việt cần vượt qua là chất lượng và giá thành. Doanh nghiệp Việt cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của các tập đoàn lớn về chất lượng sản phẩm. Đồng thời, Trung Quốc đang là công xưởng lớn nhất toàn cầu nên các nhà máy khi đặt hàng sẽ tham chiếu theo. Thế nhưng, doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và phải nhập phụ tùng, nguyên vật liệu từ nước ngoài nên khó có thể đạt được mức giá thành thấp như Trung Quốc.

Yếu tố cuối cùng cũng khá quan trọng là doanh nghiệp Việt thường gặp khó trong dòng tiền. Ngoài vay ngân hàng ra thì doanh nghiệp tư nhân không còn hình thức khác huy động vốn. Trong khi, các tập đoàn đa quốc gia quy mô lớn nên thời gian thanh toán cũng rất dài, sau khi mua hàng từ 3 đến 6 tháng sau mới thanh toán. Điều này tác động rất lớn đến dòng tiền hoạt động của doanh nghiệp Việt khi gia nhập vào chuỗi cung ứng toán cầu.

Bà Nguyễn Thơ, Giám đốc Tài chính – Công ty Maxport Limited chia sẻ đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dệt may, nhà máy ở Việt Nam khi mua nguyên vật liệu ở nước ngoài phải trả trước đến 70% trong khi khách hàng trả sau. Đặc biệt, yếu tố mùa xuân hay thu đông cũng ảnh hưởng lớn, khi sản xuất vào mùa thu đông thì giá trị sản xuất cao dẫn đến nguồn tài chính không đủ để đáp ứng.

Giải bài toán vốn ra sao?

Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, HoSE: NSC) – thành viên Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) chia sẻ về một hệ sinh thái kết nối với doanh nghiệp lớn làm trung tâm.

Theo bà Liên, Vinaseed không phải là nhà cung cấp tài chính nhưng có kết hợp vận dụng ngân hàng để cung cấp dịch vụ tài chính cho đối tác trong chuỗi của tập đoàn. Chuỗi cung ứng khép kín của Vinaseed có 3 mảng gồm cung cấp dịch vụ đầu vào, thu mua bao tiêu sản phẩm và lưu thông. Vì vậy, doanh nghiệp cần tài trợ tài chính cho các cá thể, doanh nghiệp cung cấp đầu vào như vật tư, phân bón, dịch vụ làm đất, cấy hái, thu hoạch, vận chuyển…; cũng như khâu thu mua, chế biến, bảo quản và phân phối sản phẩm đến người mua.

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp là các doanh nghiệp nhỏ với đặc trưng thiếu minh bạch, manh mún, tự cung tự cấp thiếu chuyên nghiệp trong quá trình hoạt động. Vinaseed là doanh nghiệp niêm yết, thông tin minh bạch nên việc huy động tín dụng từ ngân hàng đơn giản hơn. Do vậy, phương thức Vinaseed đang làm hiện nay để giải quyết bài toán vốn cho các đơn vị trong chuỗi là hình thành hệ sinh thái kết nối, trong đó tập đoàn làm trọng tâm. Ngân hàng lấy các hợp đồng liên kết sản xuất của Vinaseed để làm thẩm định, cho vay, tài trợ vốn cho các đơn vị cung cấp dịch vụ đầu vào như hợp tác xã, nông dân tại vùng nguyên liệu.

“Rất thuận lợi nếu như có một doanh nghiệp trung tâm trong hệ sinh thái kết hợp giữa người mua và người bán. Doanh nghiệp trung tâm đó phải đủ lớn, đủ uy tín và các khả năng kết nối để các ngân hàng yên tâm”, bà Liên khẳng định.

Với Maxport, bà Thơ cho biết đơn vị phải linh hoạt, huy động vốn từ nhiều nguồn để đáp ứng nhu cầu tài chính. Một trong giải pháp Maxport sử dụng là tham gia vào dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng có lãi suất tốt hơn, mọi hoạt động nằm hết trên nền tảng, có ít sự tham gia giữa con người với con người. Hơn nữa, vào thời điểm doanh nghiệp dồi dào nguồn vốn thì có thể không cần tham gia vay trên thị trường này nữa. Tuy nhiên, yêu cầu để tham gia vào thị trường này là minh bạch hóa đơn, giao dịch mua bán hàng hóa.

Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết trong một nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, sự sẵn có của các sản phẩm tài trợ chuỗi cung ứng sẽ giúp các nhà sản xuất và xuất khẩu trong nước tăng cường mối liên kết với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, hiện rất ít tổ chức tài chính ở Việt Nam cung cấp dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng hiện đại với quy mô lớn.

Việc thiếu vốn lưu động và các dịch vụ ngân hàng tài trợ giao dịch như tài trợ chuỗi cung ứng đã phần nào ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận các đơn đặt hàng lớn hoặc phát triển mối quan hệ mới với các đối tác trong chuỗi giá trị. Khi không có giải pháp tài trợ chuỗi cung ứng, các nhà cung cấp và phân phối khó có thể tối ưu hóa quản lý vốn lưu động bằng cách chuyển đổi các khoản phải thu và hàng tồn kho thành tiền mặt và tiếp cận tín dụng với chi phí thấp hơn. Theo thống kê của Hệ thống Quốc gia Đăng ký Giao dịch Đảm bảo, số lượng các đăng ký giao dịch đảm bảo bằng các khoản phải thu và hàng tồn kho chỉ chiếm khoảng 30% tổng số các đăng ký giao dịch bảo đảm tại Việt Nam, thấp hơn đáng kể so với các thị trường phát triển hơn.

Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết hiện nay việc tài trợ chuỗi cung ứng Việt Nam còn gặp khó khăn do số liệu, hệ thống thông tin tài chính của doanh nghiệp thiếu minh bạch, năng lực quản trị doanh nghiệp còn hạn chế khi tham gia các chuỗi cung ứng, nhất là các chuỗi cung ứng toàn cầu; cũng như chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên sâu về khách hàng và sàn giao dịch điện tử cho tài trợ chuỗi cung ứng.

Theo NDH