Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Chàng trai 9x đưa giày Việt sang Nhật từ vốn 4 triệu

Tận dụng thương mại điện tử, Vũ Đức Thiện cùng bạn gây dựng thành công thương hiệu giày Việt, đủ sức chinh phục thị trường trong nước lẫn quốc tế.

Là ông chủ thương hiệu giày Erosska và “giảng viên” Học viện Lazada, chàng trai sinh năm 1993 Vũ Đức Thiện ấp ủ ước mơ khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên năm cuối ngành quản trị du lịch. Thiện chia sẻ, nếu cách đây 4 năm, Thiện không chọn thương mại điện tử làm bước đầu khởi nghiệp, có lẽ ước mơ thương hiệu giày Việt sẽ mất thời gian hơn rất nhiều mới có thể thành hiện thực.

Ước mơ thương hiệu giày Việt

Ước mơ sở hữu một sự nghiệp riêng của Thiện xuất phát từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, dù ý tưởng còn mơ hồ và chưa một đồng vốn liếng. Chỉ với một quyết tâm đơn thuần là phải tự kinh doanh, Thiện tìm tòi nghiên cứu thị trường và nhắm đến nền tảng trực tuyến. Năm 2016, thị trường đã xuất hiện một vài tên tuổi thương mại điện tử, nhưng Thiện “chấm” Lazada bởi trải nghiệm thuận tiện, thông tin rõ ràng, và sự hỗ trợ nhiệt tình cho những “lính mới”.

“Hàng hóa trưng bày trên Lazada như trong trung tâm thương mại, mình ước gì sản phẩm của mình cũng được xuất hiện trên đó, sản phẩm thương hiệu Việt, của người Việt”, Thiện nói.

Không dễ để một sinh viên năm cuối tạo dựng sản phẩm thương hiệu Việt, điều mà nhiều doanh nghiệp vốn trăm nghìn tỷ chưa chắc thành công. Do đó, với số vốn 4 triệu đồng do Thiện và người bạn chí cốt đóng góp, Thiện lên kế hoạch xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ và tìm đường nhập khẩu sản phẩm gia công để bước đầu có sản phẩm bán online. Hàng hóa của Thiện đa dạng dần từ ba lô, túi xách, đến giày sneakers… với mẫu mã thu hút, chất lượng tốt, giúp doanh số đi lên, cho chàng trai 9x thu nhập đáng mơ ước so với các bạn đồng trang lứa.

Ảnh chụp màn hình gian hàng Erosska trên Lazada với đa dạng mẫu mã, kiểu dáng.

Nhưng với Thiện, việc kinh doanh chỉ thành công khi tạo được nhiều giá trị cho cộng đồng xung quanh, tạo công ăn việc làm cho người Việt với tư cách “thương hiệu Việt, của người Việt, cho người Việt”. Vì thế, Thiện liều lĩnh dừng nhập hàng từ nước ngoài, chuyển hẳn sang thuê gia công nội địa. Tuy nhiên tại thời điểm đó, năng lực gia công giày sneakers trong nước còn hạn chế, đã khiến Thiện vấp phải những khó khăn buổi đầu khởi nghiệp. Sản phẩm không còn giữ được lợi thế mẫu mã, khách hàng dần rời đi, doanh số đi xuống.

Không bỏ cuộc, Thiện tiếp tục lao vào nghiên cứu và quyết định dồn toàn bộ vốn liếng còn lại để tập trung vào xây dựng xưởng gia công giày da nữ, vốn là thế mạnh nổi tiếng của Việt Nam. 9x thuê đội thiết kế, học hỏi những phương pháp phát triển sản phẩm của nước ngoài. Mục tiêu là tạo ra những sản phẩm chất lượng nhất với niềm tự hào sản phẩm Việt, cung cấp cho người tiêu dùng.

Vũ Đức Thiện (trái) và cộng sự đang kiểm tra chất lượng thành phẩm. Ảnh: NVCC.

Đến năm 2019, thương hiệu giày da Erosska trở thành một trong những thương hiệu bán chạy nhất trên Lazada. Quy mô doanh nghiệp tăng dần từ vài người thợ nay đã tăng lên 30 người cùng máy móc hiện đại có thể đạt công suất 300-400 đôi một ngày, với doanh thu ổn định. Ngay cả trong Covid-19, doanh nghiệp của Thiện cũng chưa một lần giảm lương hay nghĩ đến chuyện cắt giảm nhân sự. Đáng chú ý, đầu năm 2020, sản phẩm của Thiện đã được nhiều doanh nghiệp nước ngoài để ý, và những lô hàng 100% made-in-Vietnam của Thiện đã được xuất khẩu qua Nhật.

“Qua đỉnh cao và những nốt trầm trong sự nghiệp, để doanh nghiệp bắt đầu vươn ra thế giới như hiện nay, Lazada là nơi mình bắt đầu tất cả. Mình muốn tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm tích lũy, để các nhà bán hàng mới cũng nắm bắt được những lợi thế và sự hỗ trợ của sàn, nhanh chóng hiện thực hóa giấc mơ của mình.”, Thiện chia sẻ.

Các mẫu sản phẩm từ Erosska đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Niềm vui chia sẻ bí quyết thành công

Trải qua nhiều thăng trầm để đạt đến thành công, Thiện không ngại chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm cá nhân với những nhà bán hàng khác, thậm chí là đối thủ. Cuối năm 2018, khi Học viện Lazada ra mắt, Thiện tích cực tham gia với vai trò là một trong 6 giảng viên đầu tiên, dựa vào những kinh nghiệm bán hàng, sự thành công và thời gian dài tâm huyết chia sẻ trước đó. Dù vấp phải những nghi ngại ban đầu do tuổi còn trẻ, nhưng những chia sẻ sâu sắc và am tường về tài chính, marketing, đường hướng kinh doanh online… của Thiện đã giúp hàng trăm nhà bán hàng vượt qua trở ngại, tăng trưởng doanh số như ý và để lại trong mắt những học viên về một người “thầy” tuổi trẻ tài cao.

Các bài học mang tính hàn lâm được đăng tải đầy đủ, miễn phí trên website của học viện. Các giảng viên như Thiện đều tập trung hướng dẫn học viên về chiến lược, xóa bỏ những ngộ nhận và chỉ ra phương pháp tối ưu hóa cách sử dụng công cụ trong tình huống thực tế nhất. Nhờ kiến thức học tập, nhiều bạn trẻ đã đạt mức tăng trưởng từ vài đơn lên đến hàng trăm đơn mỗi ngày chỉ sau hai tháng. Sau mỗi lần kết thúc lớp, Thiện đều dành thời gian lắng nghe phản hồi, đánh giá của bạn học viên và tìm hiểu những nhu cầu cần được mở rộng kiến thức để chuẩn bị cho các bài giảng tiếp theo.

Thiện trong một buổi livestream hướng dẫn của học viện Lazada.

“Điều khiến mình vui nhất không phải là được người khác ngưỡng mộ về thành công hay kiến thức, mình cũng chỉ biết gì chia sẻ nấy thôi. Niềm vui nằm ở chỗ mình giúp được người khác khai thác tối đa sức mạnh của thương mại điện tử và qua đó giúp cho thương mại điện tử trở thành một môi trường lành mạnh, bền vững, chất lượng cho người tiêu dùng”, Thiện chia sẻ.

Hiện thương mại điện tử chỉ chiếm 5% ngành bán lẻ và trong tương lai, Thiện tin tưởng tỷ lệ này phải tăng cao hơn bởi đây là xu thế tất yếu. Sự phát triển của thương mại điện tử còn thúc đẩy phát triển các lĩnh vực liên quan như thanh toán điện tử, logistics… và giúp hàng chục nghìn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bứt phá thành công.

“Thương mại điện tử không phải một nơi nhiều chiêu trò, sản phẩm kém chất lượng mà là một thế giới đầy hứa hẹn và rộng mở cho những người dám ước mơ và dám chinh phục”, Thiện nói.

Theo VNE