Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Chân dung hãng sản xuất mô hình 5 anh em siêu nhân: Hãng đồ chơi số 1 Nhật Bản được khởi dựng bởi anh lính mù dở

Trẻ em Việt Nam chắc chẳng lạ gì với mô hình đồ chơi 5 anh em siêu nhân, nhưng mấy ai biết được cả một câu chuyện lịch sử đằng sau đó.

Chúng tôi xin giới thiệu chuỗi các bài Made in Asia về những doanh nghiệp châu Á lâu đời và nổi tiếng thế giới.

– Bandai được thành lập vào năm 1950 và ban đầu sản xuất đồ chơi để khích lệ tinh thần trẻ em hậu Thế chiến.

– Khởi đầu với những thứ đồ chơi đơn giản, Bandai chỉ chuyển mình khi sản xuất những dạng đồ chơi siêu anh hùng từ thập niên 1960.

Ông Sho Ueda, 32 tuổi vẫn nhớ như in cảm giác phấn khích khi được cha mua tặng robot đồ chơi vào năm 9 tuổi. Kể từ đó, niềm đam mê đồ chơi thúc đẩy ông đến với mảng xây dựng mô hình. Trong suốt quãng đời niên thiếu, ông Ueda đã xây dựng khoảng 50 mô hình đồ chơi độc nhất và cất giữ như những sản phẩm sưu tầm.

Điều đáng ngạc nhiên ở đây là những linh kiện lắp đồ chơi có hẳn một thị trường riêng và giá cả cũng không hề rẻ khi chúng được sản xuất với chất lượng cao và đồng nhất cho việc lắp ráp. Nói đến mảng này thì cái tên Bandai luôn được nhắc đến và chính ông Ueda cũng thừa nhận các thương hiệu khác thường không tốt bằng.

Đã thành lập gần 70 năm nhưng Bandai vẫn giữ vị thế trường tồn trong làng đồ chơi Nhật Bản cũng như thế giới khi nói về lắp ráp robot hay đồ chơi cho trẻ em. Theo người phát ngôn Yumiko Taguchi của hãng Bandai, nhà sáng lập Naoharu Yamashina lấy từ “Bandai” trong chữ “Bandai Fueki”, nghĩa là “Mãi mãi trường tồn” và mục đích ban đầu của ông là đem lại hạnh phúc cho trẻ em vượt qua những tháng ngày khó khăn hậu Thế chiến.

Từ anh lính mù dở đi lên chủ doanh nghiệp

Là con cả trong một gia đinh buôn gạo tại thành phố Kanazawa-Nhật Bản, ông Yamashina tham gia quân đội ngay khi mới tốt nghiệp cấp 3. Không may mắn là ông bị thương trong Thế chiến II khi giảm thị giác mắt phái do lựu đạn nổ.

Kết thúc chiến tranh, chàng trai 29 tuổi này về làm việc cho công ty buôn vải của người anh rể, một công việc cũng chẳng dễ dàng mấy sau khi Nhật Bản thua trận. Với áp lực kiếm thêm thu nhập cho gia đình, ông Yamashina nhanh chóng nhận ra trẻ em thời đó có quá ít đồ chơi cũng như không đủ điều kiện hay động lực để làm ra những món đồ chơi tốt.

Mặc dù thị trường khi đó khá khó khăn do kinh tế yếu kém, các gia đình còn lo mưu sinh và đồ chơi được coi là mặt hàng xa xỉ của giới nhà giàu nhưng ông Yamashina vẫn kiên trì thuyết phục người anh rể nhường 1 phần nhà máy để biến thành xưởng đồ chơi cho ông quản lý.

Trong 3 năm tiếp theo, ông Yamashina luôn theo dõi chặt chẽ thị trường để cập nhật những món đồ chơi mà trẻ em thời đó khao khát, cải tiến máy móc nhằm giảm chi phí cũng như khiến đồ chơi vừa túi tiền của người dân.

Năm 1950, Yamashina xây dựng công ty Bandai chỉ với 6 nhân viên. Những món đồ chơi ban đầu của Bandai khá đơn giản như quả bóng có chuông bên trong hay mô hình máy bay B-26 của Mỹ.

Đến giữa thập niên 1950, Bandai xuất khẩu những mẫu đồ chơi như mô hình xe hơi, máy bay bằng sắt sang thị trường Mỹ và nước ngoài, bước đầu tạo nên tiếng vang cho thương hiệu. Trong khi đó tại quê nhà, kinh tế dần hồi phục khiến các gia đình có dư dả tiền để mua nhiều đồ chơi cho con cái hơn.

Trong giai đoạn này, Bandai đã giới thiệu hệ thống kiểm soát chất lượng cũng như phát hành chế độ bảo hành với đồ chơi, nhằm cam kết sản phẩm đáng giá tiền mà người tiêu dùng bỏ ra. Đây là bước đi tiên phong mà hầu như chưa có công ty đồ chơi nào thời kỳ đó thực hiện.

Năm 1958, danh tiếng của Bandai ngày một lớn khi hãng thuê quảng cáo cả ở trên tivi, vốn là mặt hàng xa xỉ thời đó. Năm 1963, Bandai mở chi nhánh ở New York và bộ mô hình xe đua đồ chơi của hãng ngay lập tức tạo được tiếng vang.

Cùng năm, việc phát hành mẫu đồ chơi Astro Boy, lấy ý tưởng từ nhân vật truyện tranh, họa hình đã mở ra một kỷ nguyên mới cho Bandai khi nâng tầm từ một hãng sản xuất đồ chơi đơn thuần thành biểu tưởng của văn hóa Nhật Bản.

Suốt những thập niên sau này, hàng loạt đồ chơi mô phỏng nhân vật truyện tranh, hoạt hình của Bandai như Siêu nhân Kamen, Ultraman, 5 anh em siêu nhân, Gundam, chiến hạm Yamato… được nhiều nước biết đến. Thậm chí sản phẩm của hãng bị làm giả nhiều nhất trong thị trường đồ chơi.

“Chúng tôi bước vào thời kỳ tăng trưởng hoàng kim cuối năm 1971 khi cơn sốt siêu nhân Kamen bùng nổ, thế rồi giữa năm 1980 lại một cơn sốt nữa với Gundam”, người phát ngôn Taguchi nói.

Với sự phát triển nhanh chóng, Bandai bắt đầu có tiếng nói trên thị trường quốc tế với sự hợp tác của nhiều hãng đồ chơi Mỹ như Tonka. Hãng cũng thành lập riêng Bandai America năm 1978 để vận hành hệ thống kinh doanh tại thị trường này.

Năm 1980, Yamashina để lại chức chủ tịch công ty cho người con Makoto và chuyển dần sang việc nghỉ hưu.

Nhà sáng lập Naoharu Yamashina

Đây cũng là thời điểm Bandai bắt đầu hiện đại hóa quy trình sản xuất, chuyển từ thương lượng trực tiếp với các nhà bán lẻ sang phân phối qua hệ thống môi giới, nâng tầm từ 1 công ty sản xuất đồ chơi thành tập đoàn kinh doanh đa quốc gia.

Bị thâu tóm

Đầu thập niên 1980, kinh tế Nhật bùng nổ tạo cú hích lớn cho Bandai, nhất là khi mảng truyện tranh, hoạt hình, trò chơi điện tử được mở rộng. Vào giữa thập niên 1980, Bandai khẳng định vị thế nhà sản xuất đồ chơi số 1 Nhật Bản của mình. Thậm chí vào năm 1996, mẫu đồ chơi Tamagotchi đã bán được 40 triệu sản phẩm trên toàn thế giới và cung không đáp ứng nổi cầu.

Tuy nhiên sự nổi tiếng thái quá khiến Bandai lọt vào tầm ngắm của các ông lớn trong ngành trò chơi điện tử. Năm 1997, nhà sáng lập Yamashina đã lên cơn đau tim đột quỵ khi biết tin đế chế của mình đang lên kế hoạch sáp nhập với Sega Enterprises, một hãng sản xuất trò chơi điện tử.

Một làn sóng phản đối mạnh mẽ đã trỗi dậy trong tầng lớp quản lý cấp trung của công ty đồi chủ tịch Makoto, con của ông Yamashina từ chức nhưng bất thành. Tháng 10/1987, ông Yamashina qua đời và khiến thương vụ với Sega bỏ ngỏ.

Dẫu vậy, Bandai vẫn bị bán cho hãng trò chơi điện tử Namco vào năm 2005 khi thị trường đồ chơi có dấu hiệu giảm sút trước sự tăng trưởng chậm của nền kinh tế Nhật Bản.

Sau khi bị bán, Bandai tập trung nhiều hơn vào những sản phẩm đồ chơi mô phỏng nhân vật trong game và mở rộng ra các thị trường Phương Tây như Anh, Pháp, Tây Ban Nha hay thậm chí là Mexico.

Tuy nhiên, việc bị bán lại khiến Bandai mất đi bản sắc vốn có khi chuyển 85% hoạt động sản xuất sang Trung Quốc, giảm tiêu chuẩn chất lượng và tập trung nhiều hơn cho thị trường đông dân này. Những yếu tố này đi ngược lại với ước muốn của Yamashina khi sinh thời, vốn tập trung vào chất lượng cũng như thị hiếu của tầng lớp trẻ em Nhật Bản.

Mô hình Mobile Suit RX-0 Unicorn Gundam tại Tokyo

AB

Theo Nhịp Sống Kinh Tế