Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Amy Trần kể chuyện 10 năm tại Silicon Valley

Lớn lên ở Việt Nam, Amy Trần tốt nghiệp cử nhân Tài chính và Kế toán tại Mỹ. Chị bắt đầu sự nghiệp tại “ông lớn” kiểm toán Deloitte ở thành phố San Francisco. 10 năm sau, khi đã là một giám đốc tại Deloitte, chị quyết định quay về Việt Nam để giúp cha mẹ vận hành bệnh viện Worldwide Dental & Cosmetic Surgery Hospital.

Trò chuyện cùng Amy để hiểu trải nghiệm làm việc đa văn hóa cũng như những bài học trong sự nghiệp của chị.

Trở về Việt Nam sau 17 năm ở Mỹ, Amy Trần hiện đang là CEO của một bệnh viện.

Là một phụ nữ Việt Nam, khi mới đi làm ở Mỹ chị có gặp khó khăn gì không?

Nơi chị từng làm, Silicon Valley, có lẽ là nơi tốt nhất cho phụ nữ và người da màu rồi. Hầu hết mọi người rất cởi mở và tôn trọng sự đa dạng. Tuy nhiên, chị cũng từng gặp nhiều khó khăn.

Đầu tiên là phân biệt giới tính và chủng tộc. Hầu hết những lãnh đạo cấp cao (C-level) là đàn ông da trắng đã lớn tuổi, nên họ muốn làm việc với những người giống mình, hoặc ít nhất cũng phải là đàn ông hay người da trắng. Một phụ nữ châu Á như chị khó tìm được điểm tương đồng với họ. Cũng như những phụ nữ khác, chị không được mời tới nhiều sự kiện giao lưu, nhất là chơi golf, vốn là nơi để mình thiết lập quan hệ với những vị lãnh đạo này.

Ngoài ra, khác biệt văn hóa cũng là một thử thách lớn. Chị không lớn lên ở Mỹ, có nhiều tiếng lóng hay câu đùa chị không hiểu. Chị từng không biết nhiều về những môn thể thao quốc túy như bóng chày hay bóng rổ, nên đôi khi cũng hơi lạc lõng trong những buổi tụ tập.

Chị đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào?

Cái gì càng khó chị càng quyết tâm làm cho bằng được. Chị ở lại văn phòng lâu hơn người khác, sẵn sàng cáng đáng những dự án khó. Chị theo dõi tin tức hằng ngày, học cách chơi golf, và luôn có mặt tại những sự kiện giao lưu. Chị quan sát cách các sếp ứng xử, và lọc ra những nét chị thấy đáng học theo.

Khi không được tiến cử lên một vị trí nào đó, chị học cách không đổ lỗi rằng mình là phụ nữ Việt Nam làm việc ở Mỹ nên mình bất lợi. Thay vào đó, chị tập trung năng lượng phân tích xem có điều chị cải thiện được không để sẵn sàng cho cơ hội tiếp theo.

“Chị có thể hiểu tại sao các bạn trẻ bây giờ nhảy việc nhiều,” Amy chia sẻ.

Một giá trị cốt lõi mà chị không bao giờ từ bỏ?

Chị không đánh mất chính mình.

Khi đi làm, sẽ có rất nhiều người ngoài kia cho em vô vàn lý do để thay đổi, khiến em bối rối và đưa mình vào khuôn mẫu của họ. Chị không nói em nên bỏ ngoài tai tất cả những lời khuyên, và dĩ nhiên cố gắng hoàn thiện bản thân là rất tốt, nhưng bản thân mình cần biết chọn lọc cái gì phù hợp.

Chị đã từng luôn bị nói là mình ứng xử “trẻ trung” quá, phải ăn mặc và giao tiếp nghiêm nghị hơn cho ra dáng một giám đốc, hay đừng dễ tính với nhân viên. Chị cũng cân nhắc những lời khuyên này, nhưng cuối cùng quyết định đó không phải là mình, và không đáng để mình thay đổi.

Nếu dự sự kiện, chị ăn mặc rất chỉnh tề. Tuy nhiên, hằng ngày đến công ty, chị mặc đồ thoải mái hơn để sẵn sàng hơn việc xuyên suốt 12 tiếng. Chị vẫn trò chuyện với nhân viên một cách thân thiện và bình đẳng.

Có thể chị không “ra dáng” giám đốc, nhưng vì vậy nhân viên mới quý chị. Các bạn cảm thấy luôn có thể chia sẻ quan điểm với chị và dựa vào chị. Từ đó, họ rất trung thành và luôn sẵn sàng cố gắng hết sức cho chị.

Chị làm ở Deloitte suốt 10 năm từ khi tốt nghiệp. Hiện tại người trẻ nhảy việc rất nhiều, chị nghĩ sao về hiện tượng này?

Cá nhân chị không ủng hộ nhảy việc, như em có thể thấy trong lịch sử công việc của chị. Đối với chị, sự trung thành rất quan trọng. Nhìn chung, chị không muốn làm việc với những người mỗi năm đổi một công việc mới.

Chị có thể hiểu tại sao các bạn trẻ bây giờ nhảy việc nhiều. Có bạn muốn một mức lương cao hơn hoặc môi trường làm việc thuận lợi hơn. Có bạn đổi việc để né tránh những khó khăn ở công việc cũ.

Ai cũng nên độc lập trong quyết định của mình, nhưng nếu được đưa ra một lời khuyên, chị sẽ nói rằng gần như không có công việc nào ngoài kia là hoàn hảo. Công việc nào cũng có những điểm tốt và chưa tốt. Ngay cả một công việc tốt cũng có những giai đoạn trắc trở.

Nếu nhảy việc giúp em trưởng thành thì em cứ việc tiến tới. Nhưng nếu không, chị nghĩ một hướng giải quyết bền vững hơn là cứ ở lại công ty cũ, tìm cách vượt qua giai đoạn khó khăn này, và học hỏi từ đồng nghiệp. Khi em học được cách nhìn ra những điểm tốt và điểm thử thách của một công việc, em sẽ dễ hài lòng và hạnh phúc với lựa chọn của mình hơn.

“Có thể chị không “ra dáng” giám đốc, nhưng vì vậy nhân viên mới quý chị.”

Khi đi làm, chị nghĩ lớp trẻ Việt có thể học hỏi gì từ người Mỹ?

Làm việc ở Việt Nam 9 tháng, chị nhận ra rằng người Việt chưa hẳn cởi mở với phê bình. Khi chị trách nhân viên của mình làm gì sai, họ thường giận hoặc trở nên rất căng thẳng vì sợ bị đuổi việc. Đôi khi họ không nhận ra mình sai mà vẫn không nói gì với chị, làm chị tưởng họ hiểu ý chị rồi.

Khả năng tiếp nhận và xử lý phê bình hiệu quả là rất quan trọng vì nó giúp em cải thiện công việc, dù em làm gì đi chăng nữa.

Ở Deloitte, tuần nào mỗi nhân viên cũng họp với sếp một lần để cập nhật tiến độ công việc và phê bình xây dựng. Tụi chị thẳng thắn bàn luận những gì mình đã làm tốt, chưa tốt, và cách cải thiện. Sau đó, mọi người quay lại làm việc bình thường, không “để bụng” nhau.

Vậy những điều người Mỹ có thể học từ người Việt thì sao?

Một điều chị thấy người Mỹ nên học từ người Việt là sự chân tình. Đối với chị, người Mỹ rất thân thiện, nhưng họ không hay quan tâm nhau thật lòng. Họ không cần biết chuyện gì đang xảy ra trong cuộc sống của chị, hay tại sao hôm nay trông chị buồn.

Khi trở về Việt Nam và bắt đầu phụ ba mẹ quản lý bệnh viện, chị rất ngạc nhiên về sự quan tâm mọi người dành cho nhau. Y tá và bác sĩ lo lắng chăm sóc bệnh nhân hơn cả mức công việc hay trách nhiệm. Người Việt cần thời gian để mở lòng, nhưng một khi đã thân thiết thì họ sẵn sàng làm tất cả vì nhau.

Chị có lời khuyên gì cho những bạn trẻ đang lập nghiệp?

Đừng thay đổi bản thân mình hoàn toàn trên con đường tới thành công. Lắng nghe người khác khuyên bảo, nhưng mình không nhất thiết phải làm theo răm rắp. Hãy biết điều gì là quan trọng với mình. Tự hỏi, “Nếu mình làm điều này, mình có hạnh phúc về lâu dài không?” Nếu phải bỏ đi một phần quan trọng trong mình khiến em cảm thấy khổ sở, thì dù em thành công, em sẽ dễ trở nên bất hạnh.

Một lời khuyên nữa là khi mọi chuyện không được như ý muốn, đừng đổ lỗi lên điều gì hay một ai. Khi những nữ đồng nghiệp của chị không được thăng chức, họ ngay lập tức nghĩ, “Anh ta da trắng, cao to, hẳn là sẽ được chọn thay vì mình.” Thật dễ để đổ lỗi cho ngoại cảnh thay vì lùi lại và tự hỏi mình có thể trau dồi kỹ năng gì để trở nên “sáng giá” hơn người kia. Hãy luôn tập trung vào những việc mình có thể làm để cải thiện tình hình.

Có khi đúng là em đang bị đánh giá bất công thật. Nếu sếp thực sự không nhìn thấy giá trị của em, thì đã đến lúc em tìm một người sếp khác rồi.

Theo Vietcetera