Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

4 giải pháp các chính phủ nên thực hiện để ‘giảm đau’ cho doanh nghiệp và người lao động ảnh hưởng bởi Covid-19

Các chuyên gia của Ngân hàng thế giới đưa ra 4 biện pháp trên qua việc phân tích dữ liệu về hành động của chính phủ các nước trong những cuộc khủng hoảng trước đây.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, việc tìm kiếm giải pháp để giảm bớt sự suy thoái kinh tế một cách đột ngột đang là mối quan tâm thường trực của các chính phủ. Một số chính phủ đã công bố các biện pháp sơ bộ trong thời gian gần đây, từ việc giảm nợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (như chính phủ Ý và Đức) đến mở rộng bảo hiểm thất nghiệp tương đương 100% tiền lương cho tất cả lao động mất việc làm (chính phủ Pháp).

Các giải pháp đều mang tính khẩn cấp và cần được đưa ra kịp thời để hạn chế hậu quả như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một thập kỷ trước. Một phân tích về dữ liệu kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy có bốn giải pháp mà chính phủ các nước có thể áp dụng để ngăn chặn tác động tiêu cực đối với người lao động và doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19.

1. Gia hạn nộp thuế doanh nghiệp

Đầu tiên, chính phủ có thể trì hoãn việc thu một số loại thuế nhất định để hỗ trợ thanh khoản cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ở hầu hết các nước, thuế thu nhập chỉ chiếm một vài điểm phần trăm của doanh thu thuế. Tuy nhiên, việc gia hạn nộp thuế cũng sẽ giúp doanh nghiệp tư nhân “dễ thở” hơn đồng thời không ảnh hưởng quá nhiều đến cân đối thu – chi ngân sách nhà nước.

Một ý tưởng khác là tăng tốc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các doanh nghiệp xuất khẩu và ngược lại, trì hoãn thu thuế VAT từ những công ty nhập khẩu từ nước ngoài. Biện pháp này giúp tăng tính thanh khoản cho doanh nghiệp và đặc biệt phù hợp với các thành viên của Liên minh Châu Âu (EU).

Hy Lạp (nơi hiện mất 31 tuần để được hoàn thuế VAT khi doanh nghiệp mua tài sản để kinh doanh như máy móc, bất động sản…) mới đây đã công bố biện pháp như vậy. Ý là nước có thời gian hoàn thuế VAT lâu nhất với 63 tuần, trong khi Đan Mạch mất 10 tuần và Đức chỉ mất 5 tuần. Trung Quốc cũng vừa bắt đầu cho phép hoàn thuế VAT tương tự, giúp tất cả các công ty tăng tính thanh khoản.

2. Mở rộng bảo hiểm thất nghiệp

Biện pháp thứ hai để “giảm đau” cho các doanh nghiệp nhỏ là mở rộng bảo hiểm thất nghiệp cho tất cả lao động bị sa thải do đại dịch Covid-19. Nhờ cách này, họ có thể trang trải các khoản chi phí sinh hoạt cho gia đình và vượt qua khó khăn về kinh tế thuận lợi hơn. Hiện Hàn Quốc và Bulgarua đã áp dụng chính sách trên.

Mặc dù vậy, không phải mọi quốc gia đều có bảo hiểm thất nghiệp. Khi đó, chính phủ có thể hỗ trợ một khoản tiền mặt nhất định để giúp đối tượng này và nên phân phối qua hình thức điện tử để dễ quản lý hơn.

3. Thay đổi quy định về phá sản

Các chính phủ cần quan tâm đến vấn đề thanh khoản của doanh nghiệp. Một số quốc gia đã có luật về khả năng thanh toán (76/190 nền kinh tế được World Bank phân tích dữ liệu kinh doanh), theo đó, họ sẽ tiến hành thủ tục tịch thu hoặc nhận lại chỉ sau vài tuần mất khả năng thanh toán (đó là các nước Albania, Bahrain, Georgia và Jordan). Còn những quốc gia khác không có quy định tương tự có thể tạm thời “đóng băng” khả năng phá sản của doanh nghiệp, hay nói cách khác là hỗ trợ doanh nghiệp có nguy cơ phá sản cầm cự qua khủng hoảng.

4. Chi tiêu công chọn lọc

Các chính phủ cần có thêm khoản tài chính để bổ sung vào ngân sách như cho y tế hoặc an sinh xã hội. Hoạt động chi tiêu công có thể làm điều đó bằng cách ưu tiên những dự án đầu tư công tạo ra nhiều việc làm và ít gây áp lực lên ngân sách quốc gia. Ngược lại, những dự án có thể bị trì hoãn sẽ cho phép các nguồn tài chính cần thiết được triển khai lại.

Công việc này sẽ dễ hơn ở các quốc gia luôn công bố kế hoạch chi tiêu công và thường xuyên cập nhật chúng. Ví dụ tại Latvia, kế hoạch chi tiêu cho tất cả các đơn vị ký kết hợp đồng đều được công khai trên nền tảng điện tử. Hay như ở Vương quốc Anh, các cơ quan lớn luôn chuẩn bị kế hoạch chi tiêu trong nhiều năm và luôn được cập nhật, giúp cơ quan chính phủ thay đổi các nguồn tài nguyên khi cần thiết.

Trên đây là bốn biện pháp mà World Bank cho rằng chính phủ các nước có thể áp dụng để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp và các hộ gia đình. Tuy nhiên, nếu suy thoái kinh tế vẫn tiếp diễn và có chiều hướng xấu đi, chúng ta sẽ cần giải pháp mạnh mẽ hơn.

Theo Trí thức trẻ