Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Trách nhiệm xã hội từ góc nhìn văn hoá doanh nghiệp

Việc thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội và môi trường đang ngày càng được tính toán kỹ lưỡng, tích hợp vào chiến lược. Loại hình và chiến lược ứng xử của doanh nghiệp với xã hội khi xuất phát từ giá trị cốt lõi, từ văn hoá doanh nghiệp sẽ là nguồn gốc tạo sức mạnh tổng hợp, hướng đến những tác động mang tính bền vững cho tất cả các bên.

Trách nhiệm xã hội từ góc nhìn văn hoá doanh nghiệp

Lãnh đạo Gamuda khẳng định, công ty này tiên phong trong việc phát triển xu hướng đầu tư theo tiêu chí ESG.

Trách nhiệm xã hội (CSR) đang trở thành xu hướng cạnh tranh tiếp theo của những doanh nghiệp có chiến lược phát triển bền vững, lâu dài. Trước đây khi nói đến CSR, người ta có thể nhìn thấy sự đồng hành của các doanh nghiệp với các vấn đề của xã hội, hồi đáp những giá trị xã hội cần sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. 

Trong muôn vạn hình tướng của hoạt động gắn kết cùng trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp sẽ lựa chọn những phạm vi, hành động phù hợp với tiêu chí phát triển, đặc trưng doanh nghiệp và sứ mệnh mà họ lựa chọn để thể hiện.

Tháng 5/2019, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Công ty CP lọc hóa dầu Bình Sơn kết hợp cùng Bộ Thể thao, văn hoá và du lịch xây dựng phòng trưng bày bổ sung “Một số hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Phủ Chủ tịch” nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giúp khách tham quan hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp, đặc biệt là hoạt động đối nội và đối ngoại giai đoạn 1954 – 1969 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Là ngân hàng chủ lực trong hệ thống các ngân hàng quốc doanh, Vietcombank luôn coi trọng và thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần đoàn kết, đổi mới và sáng tạo; luôn ý thức đạo đức là gốc của người cách mạng, là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người. 

Với Vietcombank, việc đồng hành xây dựng phòng trưng bày được xem là sự đóng góp của hơn 16.000 cán bộ nhân viên vào công tác giáo dục đạo đức, tư tưởng cho thế hệ tương lai, một trong những nhiệm vụ và trách nhiệm của người Vietcombank, văn hoá Vietcombank.

“Do được xây dựng dựa trên các đặc tính kế thừa, di sản và cống hiến với mục tiêu để lại dấu ấn, đáp ứng được yếu tố lịch sử, phù hợp với giá trị cốt lõi và văn hóa Vietcombank, chương trình được ủng hộ mạnh mẽ ngay từ khi đề xuất với ban lãnh đạo ngân hàng. Cũng vì sự tương đồng đó mà việc thuyết phục lãnh đạo Công ty CP Lọc hoá dầu Bình Sơn diễn ra gần như cùng lúc khi cả hai bên đều có chung quan điểm trong việc gắn kết trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với quốc gia”, bà Phan Minh Thu, CEO Senplus – đơn vị tổ chức thực hiện chương trình cho biết.

Trách nhiệm xã hội từ góc nhìn văn hoá doanh nghiệp
Khai trương Phòng trưng bày bổ sung “Một số hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Phủ Chủ tịch” ngày 17/5/2019. Ảnh: Vietcombank

Hoạt động của Vietcombank là một ví dụ về CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) truyền thống nhưng gắn chặt với yếu tố văn hoá doanh nghiệp. 

Theo bà Thu, việc bám sát văn hoá doanh nghiệp khi thực hiện các chương trình CSR sẽ giúp thôi thúc sự tham gia của toàn đội ngũ, để họ thấy mình là một phần của hoạt động CSR, từ đó tổng hợp sức mạnh của toàn đội ngũ mà không phải là công việc của một vài phòng ban như cách làm của phần lớn doanh nghiệp từ trước tới nay. Bà cũng cho rằng, có thể xem CSR như một sản phẩm của doanh nghiệp.

Khi cung cấp sản phẩm, doanh nghiệp cần chú trọng trải nghiệm của khách hàng. Muốn hành trình trải nghiệm của khách hàng tốt thì cần có sự nỗ lực của toàn bộ đội ngũ. Đội ngũ đó chỉ làm tốt khi chính bản thân họ có trải nghiệm tốt trong doanh nghiệp. Do đó, CSR không nên chỉ là trách nhiệm của một vài người hay phòng ban mà cần có sự chung tay của cả tổ chức.

CSR phải xuất phát từ ý chí của người lãnh đạo, phải đi từ nội bộ rồi mới ra đến hiển lộ thành các hoạt động ra bên ngoài một cách xuyên suốt và thống nhất, như vậy, hoạt động CSR vừa hiệu quả, mang tính hỗ trợ mạnh mẽ từ nội tại doanh nghiệp, làm tư liệu truyền thông cho việc tuyên truyền, làm nổi bật bản sắc thương hiệu từ cốt lõi, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đầy sống động và truyền cảm hứng sâu sắc.

“Văn hoá doanh nghiệp giúp tạo sự đồng bộ cả trong lẫn ngoài, giúp thương hiệu của doanh nghiệp ngày càng mạnh. Có rất nhiều trường hợp làm CSR nhưng cái gì cũng làm mà không có sự thống nhất, tạo nên sự mâu thuẫn khi xây dựng văn hoá doanh nghiệp và chiến lược doanh nghiệp”, bà Thu nói.

CEO Senplus cho rằng, nếu có tính đồng bộ từ trong doanh nghiệp cho đến các hoạt động bên ngoài thì câu chuyện thương hiệu trong các chương trình CSR sẽ không bị gượng ép. Đấy mới là câu chuyện truyền cảm hứng cho tất cả các bên.

Trách nhiệm xã hội từ góc nhìn văn hoá doanh nghiệp 1
Bà Phan Minh Thu, CEO Senplus

Từ CSR đến CSV và ESG

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và tiến bộ về nhận thức, các tổ chức quốc tế đã công bố những bộ chỉ số mới để nhận diện doanh nghiệp phát triển bền vững, có tính cạnh tranh tiến bộ và trở thành một yếu tố then chốt trong định vị doanh nghiệp trên thị trường.

Cũng là các hoạt động trách nhiệm xã hội nhưng CSR ngày nay đang chuyển mình chứa đựng trong đó những cam kết đồng hành giải quyết một vấn đề cụ thể, cần thiết của xã hội chứ không chỉ là một hoạt động tương tác song song, làm nổi bật thương hiệu.. mà đã trở thành một hoạt động hữu cơ, tồn tại ngay từ nội tại của doanh nghiệp.

CSR hay CSV và mới đây nhất là ESG cho thấy sự tiến bộ của xã hội có một phần không nhỏ đến từ doanh nghiệp, từ sản phẩm cung ứng, chiến lược phát triển, định hướng kinh doanh đều gắn doanh nghiệp với một mục tiêu lớn lao, giải quyết một phần bài toán lớn của nhân loại như dinh dưỡng, nước, an ninh lương thực, môi trường, quyền con người và hơn thế nữa, phù hợp với các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Bà Thu lấy ví dụ, bên cạnh các hoạt động CSR như chương trình Chạy vì trái tim để gây quỹ tài trợ phẫu thuật tim cho trẻ em nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh trên cả nước, cấp học bổng cho học sinh tiểu học,…Gamuda triển khai kế hoạch Xanh Gamuda. Đây là một lộ trình toàn diện, thể hiện các mục tiêu hữu hình chịu sự chi phối của các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) được thiết lập cho giai đoạn 5 – 10 năm.

Lộ trình này cam kết rằng Gamuda Bhd, và các doanh nghiệp con như Gamuda Land, sẽ thực hiện quy trình thi công xây dựng tuần hoàn gồm các phương pháp cụ thể để cắt giảm 30% lượng phát thải khí nhà kính trực tiếp và gián tiếp vào năm 2025 và 45% vào năm 2030.

“Điểm khác biệt của chúng tôi chính là tiên phong trong việc phát triển xu hướng đầu tư theo tiêu chí ESG. Đầu tư bền vững luôn là một chiến lược hiệu quả, dù nhìn nó là xu hướng hay chiến lược dài hạn, lợi nhuận cũng đều sẽ rất tốt. Những lợi ích của việc thực hiện tốt ESG giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và danh tiếng doanh nghiệp”, ông Dennis Ng Teck Yow, Tổng giám đốc Gamuda Land Việt Nam cho biết.

Cũng theo bà Thu, nhìn vào Gamuda có thể thấy sắc xanh từ văn phòng đến đời sống của nhân sự. Các hoạt động của họ ưu tiên hướng đến môi trường, tạo một nét văn hoá Gamuda, là điều khiến mỗi nhân sự của họ tự hào chia sẻ.

“Các hoạt động thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội, môi trường, con người dựa trên 17 mục tiêu phát triển tại Việt nam của Liên Hợp quốc, nên đưa vào chiến lược, tầm nhìn thay vì chăm chăm chạy theo trào lưu. 

Đôi lúc, trào lưu cũng được miễn sao phù hợp với định hướng chiến lược, văn hoá doanh nghiệp, theo đuổi những tác động dài hơi cho cả trong và ngoài doanh nghiệp, khắc hoạ dấu ấn của thương hiệu, của văn hoá doanh nghiệp và hơn cả là tinh thần của chính doanh nghiệp đó”, CEO Senplus nói.

Từ khía cạnh văn hoá doanh nghiệp và thương hiệu nhìn về các hoạt động gắn kết trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội có thể thấy, khi xã hội văn minh và tiến bộ hơn, các lãnh đạo doanh nghiệp hoàn toàn có thể gắn kết chiến lược, hành động của doanh nghiệp với mục tiêu giải quyết các vấn đề của nhân loại, của xã hội, tạo động lực thôi thúc sự phát triển và kiến tạo cơ hội cho chính doanh nghiệp và cộng đồng chịu ảnh hưởng nhờ theo đuổi những mục tiêu cao cả.

CSR, CSV hay ESG sẽ chỉ là những bộ chỉ số tham khảo nếu doanh nghiệp không đặt các hành động gắn kết trách nhiệm này trở thành lối sống, nếp ứng xử hàng ngày trong mỗi doanh nghiệp. 

Theo The Leader