Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Thương mại điện tử – ‘cửa thoát hiểm’ của doanh nghiệp hậu Covid-19

Thương mại điện tử và chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, giúp doanh nghiệp mở rộng khả năng quảng bá, tiếp thị khách hàng mà không cần tăng chi phí tương ứng. Đây được coi là cửa thoát hiểm cho doanh nghiệp trước những thách thức của thời cuộc.

Thương mại điện tử là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Ảnh: I.T

Thương mại điện tử – phao cứu sinh của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

Tại Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến VOMF 2020 với chủ đề “Làm sao để tăng trưởng hậu đại dịch Covid-19”, diễn ra ngày 23/10 vừa qua tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn có mức khởi sắc nhất định. Giai đoạn sau dịch, bức tranh kinh tế Việt Nam đã có thêm những gam màu sáng, nhiều tín hiệu cho thấy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn có dư lượng tăng trưởng từ 1,8 – 2,9% trong năm 2020.

Ông Hưng chỉ rõ, thời điểm phục hồi sau dịch được xem là thích hợp của mùa kinh doanh trực tuyến, nhiều động thái tích cực từ các doanh nghiệp, diễn biến của thị trường và việc thay đổi nhận thức, hành vi mua sắm của người tiêu dùng sẽ khiến thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến tăng trưởng mạnh mẽ với những phong cách và kỹ năng mới. Các doanh nghiệp tới đây sẽ bước vào cuộc chơi mới với sự tăng trưởng và thay đổi vượt bậc.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Đặng Quỳnh Anh, Group COO của Year1, kiêm CEO của Giga1 nhấn mạnh, thương mại điện tử là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Việc áp dụng công nghệ, chuyển đổi số sẽ giúp “tiệm tạp hóa” của các doanh nghiệp nhỏ phát triển hơn so với phương thức mua sắm truyền thống, kéo theo thặng dư hiện đại.

“Trong đại dịch Covid-19, khách hàng không cần đến cửa hàng vẫn có thể đi chợ một cách dễ dàng bằng vài thao tác trên máy tính hoặc điện thoại thông minh qua các kênh mua hàng trực tuyến. Ðó là những ưu điểm vượt trội của thương mại điện tử. Khi mua sắm trực tuyến, khách hàng có thể “See now, buy now (nhìn liền, mua liền). Do đó, nếu doanh nghiệp không chuyển đổi nhanh sẽ bị bỏ lại phía sau”, bà Quỳnh Anh cho hay.

Nhận định về xu hướng mua sắm online, bà Lê Minh Trang, Quản lý Cấp cao Khu vực miền Bắc của Nielsen Việt Nam cho biết, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, người tiêu dùng Việt Nam vẫn theo dõi rất sát tình hình dịch bệnh, nhanh chóng thay đổi thói quen tiêu dùng, nhằm bảo vệ bản thân và cộng đồng.

“Nếu quan sát chỉ số tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh (PMCG) từ năm 2013 đến nay cho thấy có sự tăng, giảm nhất định. Tuy nhiên năm 2020, chỉ số này giảm sâu nhất do ảnh hưởng của dịch. Có đến 45% người tiêu dùng dự trữ thức ăn ở nhà nhiều hơn; 50% người tiêu dùng giảm tần suất ghé siêu thị, cửa hàng tạp hóa và chợ; nhưng lại có đến 25% người tiêu dùng tăng các hoạt động mua sắm trực tuyến, và 25% người tiêu dùng giảm các hoạt động ăn uống bên ngoài”, bà Trang cho biết.

Theo Nielsen, chỉ số tự tin của người tiêu dùng trong năm 2020 cũng có sự thay đổi khi mức độ chi tiêu, dành nhiều tiền tiết kiệm tăng lên trong quý II/2020. “Nhu cầu về mua sắm thời trang, nhu cầu du lịch của người tiêu dùng giảm rõ rệt, nên các nhà bán lẻ cần lưu ý đến tâm lý này của khách hàng, khi tiếp thị mua sắm online đối với các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Nhất là trong thời điểm dịch, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và phòng chống dịch bệnh”, bà Trang khuyến cáo.

Giải pháp nào cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chuyển đổi số?

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội thì các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng đối diện với nhiều thách thức khi chuyển đổi số, cũng như lựa chọn hợp tác với các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ truyền thông và hệ sinh thái để nhanh chóng đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Ông Lại Tuấn Cường, CEO&Founder Repu Digital, chỉ ra một số rào cản khiến các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chưa mặn mà lắm với việc chuyển đổi số.

Thứ nhất theo ông Cường, hầu hết các chủ doanh nghiệp hiện nay có độ tuổi từ 35-50 tuổi. Rào cản của họ là sự thành công trong quá khứ. Họ quá quen với bán hàng truyền thống nên không muốn chuyển đổi.

Tuy nhiên qua đợt dịch Covid-19, nhiều chủ doanh nghiệp bắt đầu có suy nghĩ khác khi khách hàng chủ yếu chuyển qua mua sắm online. Theo đó, các doanh nghiệp cũng lục tục chuyển đổi số. Nhưng họ lại gặp thách thức khi chưa có đủ nhân sự phù hợp trong mảng này.

Thứ ba, các doanh nghiệp không làm quyết liệt khi chuyển đổi số, họ làm nhưng nhát gừng, khi thấy khó là dừng lại và cho rằng bán hàng online không phù hợp với mình. Do vậy, câu chuyện thương mại điện tử đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn xa vời.

Ngoài ra, câu chuyện giữ uy tín, tăng cường niềm tin của người tiêu vào sản phẩm trên sàn thương mại điện tử cũng là thách thức của doanh nghiệp khi chuyển đổi số. Các chuyên gia thẳng thắn chỉ ra rằng, hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên kênh bán hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử đã làm mất uy tín doanh nghiệp, khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào sản phẩm…

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp lợi dụng chính sự tiện lợi của giao dịch trực tuyến (người mua không trực tiếp nhìn thấy sản phẩm), nên đã thực hiện những hành vi gian dối, lừa người tiêu dùng như giao hàng sai, không đúng với sản phẩm người mua đặt hàng, chế độ chăm sóc khách hàng cũng thiếu chuyên nghiệp, người mua nhận được hàng kém chất lượng, khi khiếu nại cũng không nhận được thái độ chia sẻ, cầu thị của người bán…

Liên quan đến vấn đề này, bà Quỳnh Anh cho biết: “Bán hàng online mà nhiều lần khách hàng nhận được sản phẩm không đúng thực tế quảng cáo trên mạng thì doanh nghiệp sẽ tự giết chết mình”. Vì vậy theo bà Quỳnh Anh, cần có chế tài mạnh để thị trường thương mại điện tử phát triển lành mạnh.

Để bảo vệ quyền lợi khách hàng, bà Lê Diễm Phương, Trưởng Phòng cao cấp, Phòng thẻ doanh nghiệp và Phát triển giải pháp thanh toán, khối SME, Ngân hàng VPBank cho rằng, phía ngân hàng sẽ hỗ trợ khách hàng, góp phần giúp thị trường thương mại điện tử phát triển lành mạnh.

“Trong câu chuyện này ai cũng phải có trách nhiệm mới có được thị trường thương mại điện tử lành mạnh. Phía người bán hàng phải cung cấp sản phẩm chất lượng, đúng thực tế quảng cáo. Khách hàng khi nhận sản phẩm không đúng thực tế cần khiếu nại ngay để ngân hàng hỗ trợ giữ lại tiền. Mọi người đừng cho rằng vì món đồ giá trị nhỏ nhưng mất thời gian khiếu nại mà bỏ luôn đồ, việc này sẽ khiến các vụ vi phạm tràn lan hơn, người tiêu dùng mất niềm tin, và doanh nghiệp cũng tự giết chết mình”, bà Phương nhấn mạnh.

Theo Doanh nhân trẻ