Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Thị trường làm đẹp Việt Nam dưới sức ảnh hưởng từ Hàn Quốc

Làn sóng làm đẹp từ Hàn Quốc kéo đến đã làm thay đổi quyết định lựa chọn thương hiệu cũng như thói quen chăm sóc da của người tiêu dùng Việt.
Người tiêu dùng Việt không ngần ngại chi tiền cho những sản phẩm làm đẹp phân khúc giá cao hơn.

Sự phát triển nhanh chóng của làn sóng Hàn Quốc thể hiện rõ trên nhiều khía cạnh đời sống của người Việt Nam, từ truyền hình, phim ảnh, âm nhạc, chương trình truyền hình thực tế đến ẩm thực, du lịch và làm đẹp.

Trong thị trường làm đẹp, Hàn Quốc chiếm gần 1/3 tổng giá trị mỹ phẩm nhập khẩu, đứng đầu trong các thị trường có xuất khẩu mặt hàng này vào Việt Nam, đơn vị nghiên cứu thị trường Kantar dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết. 

Thêm vào đó, các thương hiệu đến từ đất nước này cũng đang mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình, với ghi nhận dẫn đầu về tăng trưởng người mua, phần lớn là phân khúc sản phẩm trang điểm và mặt nạ làm đẹp.

Thương hiệu Hàn Quốc chiếm tới một nửa tốp 20 thương hiệu thu hút người mua nhất trong sản phẩm mặt nạ làm đẹp và chiếm 1/3 đối với sản phẩm trang điểm, theo báo cáo “Tỏa sáng cùng thị trường làm đẹp Việt Nam” của Kantar.

Phong cách làm đẹp Hàn Quốc không chỉ ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn thương hiệu của người Việt mà còn cả về thói quen chăm sóc da và danh mục mua sắm.

Trung bình, cứ 4 người lại có 1 người có chu trình làm đẹp hơn 4 bước (mua ít nhất 4 loại sản phẩm tương ứng mỗi bước). Phụ nữ Việt ngày nay chủ động trong việc tìm hiểu các bước chăm sóc da phức tạp hơn, đặc biệt ở khu vực thành thị, với giỏ hàng làm đẹp ngày càng đa dạng.

Rõ ràng, các bậc thầy làm đẹp Hàn Quốc đã thành công trong việc truyền cảm hứng cho phụ nữ Việt trong hành trình chăm sóc da với phương châm vẻ ngoài hoàn hảo đến từ một làn da khỏe mạnh và trẻ trung, Kantar đánh giá.

Đồng hành với làn sóng tăng trưởng ở châu Á, ngành hàng chăm sóc sắc đẹp cũng đang tăng trưởng tích cực ở Việt Nam (7% về giá trị), cao hơn nhiều thị trường tiêu dùng nhanh FMCG (2,3%), được ghi nhận đóng góp bởi cả hai phân khúc chính là sản phẩm trang điểm và chăm sóc da.

Bên cạnh việc sử dụng những sản phẩm làm đẹp ở các bước chuyên sâu, người tiêu dùng cũng cho thấy sự sẵn lòng chi tiêu nhiều hơn ở các bước làm đẹp cơ bản theo hướng cao cấp hóa.

Với mong muốn mang lại sự cải thiện đáng kể cho làn da trong thời gian ngắn nhất, phụ nữ Việt không ngần ngại chi tiền cho những sản phẩm làm đẹp phân khúc giá cao hơn.

Phần trăm thị phần giá trị theo kênh mua sắm. Nguồn: Kantar.

Kantar đánh giá sự phát triển của thời đại kỹ thuật số là một trong những yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường làm đẹp tại Việt Nam. Dễ dàng truy cập Internet thông qua điện thoại di động giúp tạo ra cầu nối dẫn người tiêu dùng đến những xu hướng làm đẹp mới nhất, giúp việc tra cứu thông tin sản phẩm dễ dàng và làm đơn giản hóa quá trình mua sắm qua các nền tảng trực tuyến hiện nay.

Sự bùng nổ của kỷ nguyên công nghệ cũng đã làm thay đổi đáng kể hành vi mua sắm của người tiêu dùng trên nhiều khía cạnh, từ việc lựa chọn sản phẩm và kênh mua sắm đến xuyên suốt quy trình mua hàng.

Ba xu hướng làm đẹp mới đáng chú ý ở Việt Nam bao gồm các giải pháp làm đẹp tiên tiến, làm đẹp đến từ phòng thí nghiệm và nông trại và việc làm đẹp không chỉ dừng lại ở chăm sóc da.

Bắt kịp với xu hướng làm đẹp trên toàn cầu, người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi nhiều hơn cho các sản phẩm làm đẹp tác động từ bên ngoài như các thiết bị chăm sóc da (máy rửa mặt, máy xông hơi, máy massage mặt,…) cho đến các sản phẩm uống chức năng tác động từ bên trong.

Khi nhận thức về việc chăm sóc da được nâng cao, kiến thức về làm đẹp dễ dàng được chia sẻ và thông tin sản phẩm rõ ràng hơn thì hình ảnh thương hiệu cũng như thành phần sản phẩm là yếu tố chủ chốt để thu hút người tiêu dùng, đặc biệt là dùng thử, họ xem xét nguồn gốc sản phẩm, nhãn hiệu, thành phần cẩn trọng hơn.

Được thúc đẩy bởi nhu cầu chiều chuộng bản thân, thị trường làm đẹp không chỉ gói gọn ở nhu cầu chăm sóc da mặt. Các sản phẩm làm đẹp cho tóc, cơ thể, tạo kiểu móng tay ngày càng trở nên phổ biến và cho thấy một tiềm năng tuyệt vời để thu hút chi tiêu từ những người yêu thích làm đẹp tại Việt Nam trong tương lai.

Báo cáo của Kantar cho biết so sánh với tổng thị trường FMCG, danh mục các kênh mua sắm sản phẩm làm đẹp đa dạng hơn với sự dẫn đầu thị phần thuộc về mô hình cửa hàng sức khỏe và làm đẹp.

Bên cạnh đó, các kênh hiện đại cũng đóng góp một vai trò quan trọng hơn trong thị trường này bao gồm các kênh trực tuyến, siêu thị và đại siêu thị. Thị phần của các kênh này chiếm hơn 1/3 giá trị thị trường làm đẹp, trong khi chỉ chiếm khoảng 1/5 trong tổng thị trường FMCG.

Điều này một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của chiến lược đa kênh trong việc mở rộng tiếp cận người mua, cũng như nắm bắt các động lực thúc đẩy mua sắm ở từng kênh để gia tăng tăng trưởng.

Thương mại điện tử là cơ hội tăng trưởng cần chinh phục đối với cả những người chơi hiện tại và người chơi mới. Tới 80% giá trị tăng trưởng của các sản phẩm làm đẹp đến từ kênh mua sắm trực tuyến, theo báo cáo Omnichannel mới nhất, chứng minh vai trò quan trọng của kênh mua sắm online đối với thị trường làm đẹp.

Hơn thế, phần lớn giá trị tăng thêm ở kênh này đến từ những người mua mới hoặc người mua hiện tại mua nhiều hơn chứ không phải lấy được từ các kênh khác. Đây là cơ hội lớn để thúc đẩy thêm chi tiêu qua việc tận dụng hiệu quả các nền tảng trực tuyến.

Theo TheLeader