Bà Nguyễn Thị Thu Sắc – CEO Công ty TNHH Hải Nam

Tiểu sử

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc sinh năm 1953, tại Phan Thiết trong một gia đình có chín anh chị em. Khi còn là sinh viên ngành hóa sinh của đại học Khoa học TP.HCM, trên những chuyến xe đò đi – về giữa Phan Thiết và Sài Gòn, bà Sắc thường gặp những phụ nữ mang vi cá đi bán. Thời bao cấp khó khăn khiến cô sinh viên nghèo nghĩ cách kiếm tiền: nhận vi cá đi giao, đến lúc biết việc một chút thì nhận đi bán giùm hưởng huê hồng. Tốt nghiệp đại học, bà chọn ở lại TP.HCM làm chốn lập nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc là người sáng lập công ty TNHH Hải Nam và cũng là Chủ tịch của công ty này.

Sự nghiệp

Công ty TNHH Hải Nam là một trong những cơ sở tư nhân đầu tiên trong ngành hải sản Việt Nam vào năm 1982. Giai đoạn đầu khởi nghiệp, các cơ sở tư nhân phải xuất khẩu thủy hải sản, nông sản thông qua các doanh nghiệp nhà nước như Seaprodex, Agrimexco… và Hải Nam không ngoại lệ. Hải Nam nổi tiếng trước tiên ở mặt hàng vi cá, được thị trường biết đến rộng rãi. Mặt hàng thứ hai là yến sào, hiện vẫn là ngành hàng quan trọng của Hải Nam.

Năm 1992, luật Doanh nghiệp ban hành, công ty Thương mại – Sản xuất Hải Nam ra đời. Nhà máy chế biến hải sản đông lạnh đầu tiên đặt tại Phan Thiết đi vào hoạt động năm 1993. Một năm sau, nhà máy chế biến hải sản khô đi vào hoạt động. Tính từ đó đến nay, trung bình 1 – 2 năm Hải Nam mở một nhà xưởng hoặc phát triển một dự án mới. Năm 1995 Hải Nam lần đầu được cấp chứng nhận xuất khẩu vào thị trường EU và đến nay họ có đầy đủ các chứng nhận chất lượng để vào các thị trường khó tính nhất của thế giới như Nhật, Mỹ, EU.

Bên cạnh cương vị phó chủ tịch hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhiệm kỳ 4, với uy tín và kinh nghiệm, thi thoảng bà xuất hiện ở các diễn đàn doanh nghiệp thủy sản để chia sẻ về tiêu chuẩn đánh bắt xa bờ, kinh nghiệm làm IUU hoặc về kinh nghiệm triển khai ERP với các doanh nghiệp trong ngành.

Hải Nam vận hành ba nhà máy chế biến, hai nhà máy mới đang được xây dựng, dự kiến đưa vào hoạt động giữa năm 2020, sẽ nâng tổng công suất chế biến của công ty lên 20.000 tấn/năm.

Hải Nam cũng đã bắt tay với nhiều đối tác đa dạng hóa sản phẩm và xuất khẩu vào các thị trường khó tính: liên doanh Hải Nam Okinawa với đối tác Nhật, chuyên nuôi trồng rong nho; nhà máy liên doanh với Hà Lan chế biến cá; liên doanh công ty chế biến thực phẩm Vĩnh Lộc sau khi mua lại Vilfood, làm sushi, há cảo, xíu mại, chả giò… xuất khẩu.

Danh mục sản phẩm của Hải Nam đa dạng từ nhóm cao cấp như yến sào, vi cá, rong nho, sò điệp, tôm hùm… cho đến những nguyên liệu đặc sản chế biến địa phương như cá đổng, cá trích, cá chỉ vàng, cá bống, cá mai, cá cơm sấy…