Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính: Cần được xem là chiến lược quốc gia

TP.HCM hội đủ nhiều điều kiện để trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế trong vòng 1-2 thập kỷ tới. Tuy nhiên, TP cần được trao các cơ chế đặc biệt để tận dụng cơ hội thay vì bỏ lỡ như trong gần 20 năm qua.
TP.HCM về đêm – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều chuyên gia đã khẳng định như vậy tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2019 với chủ đề “Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế” tổ chức ở TP.HCM ngày 18-10.

Nhiều điều kiện đã sẵn sàng

Phát biểu tại diễn đàn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng VN đã có 3 thập niên phát triển thần kỳ với mức tăng trưởng 6-8%/năm và sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ 7%/năm trong thập kỷ tới. Trong đó, TP.HCM là đô thị đặc biệt, có tốc độ phát triển kinh tế cao hơn mức trung bình cả nước, có nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm tài chính. “TP.HCM đang có nhiều điều kiện sẵn sàng để phát triển và trở thành trung tâm tài chính của khu vực và thế giới” – ông Nhân khẳng định.

Cũng theo ông Nhân, với vị trí trung tâm của vùng động lực phía Nam, TP.HCM đang có nhu cầu lớn về phát triển kinh tế – tài chính, nhằm phục vụ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đồng thời phục vụ yêu cầu giao thương với nước ngoài. TP.HCM đã quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm thành trung tâm tài chính nằm trong khu đô thị sáng tạo hiện đại, bên cạnh đó là các khu công nghệ mới, trung tâm đào tạo nhân lực, khu công nghệ cao…

TP.HCM cũng là TP đầu tiên cả nước thí điểm dự án 5G và chuẩn bị chương trình trí tuệ nhân tạo. Về kết nối giao thông, TP.HCM quy hoạch 8 đường tàu điện ngầm (trong đó 1 sắp xong và 1 đang khởi động) cùng sân bay Tân Sơn Nhất đang được nâng cấp, chưa kể sân bay Long Thành chuẩn bị khởi công.

“TP.HCM cũng đang bàn các cơ chế khuyến khích đổi mới trong lĩnh vực tài chính, đổi mới sáng tạo, xây dựng TP thông minh…” – ông Nhân khẳng định.

Ông Phạm Xuân Hòe – phó viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng – cho rằng TP.HCM có những tiềm năng nhất định để phát triển thành một trung tâm tài chính lớn mạnh tầm cỡ quốc tế và khu vực. Bởi VN có vị trí địa lý khá chiến lược và thuận lợi trong việc phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ và vận tải ở khu vực Đông Nam Á, trong đó TP.HCM là một trong các TP ở vị trí có nhiều lợi thế “địa kinh tế” như tâm điểm của khu vực Đông Nam Á.

Nằm ở vị trí trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.HCM đóng vai trò như cửa ngõ phát triển, liên kết kinh tế giữa miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ và Tây Nguyên. Đây là một vùng kinh tế quan trọng với vùng nguyên liệu nông nghiệp, cây công nghiệp tập trung quy mô lớn nhất cả nước; có nguồn tài nguyên giá trị kinh tế cao, đặc biệt là dầu khí, tạo điều kiện cho vùng có khả năng phát triển chuyên môn hóa cao, đồng bộ, có sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập.

“Với vị trí là cửa ngõ phát triển của vùng kinh tế phía Nam, TP.HCM có những bóng dáng tiềm năng để trở thành trung tâm đầu mối dịch vụ và thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế” – ông Hòe khẳng định.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM năm 2019 tổ chức ngày 18-10 – Ảnh: Q.Đ.

Nhưng cần cơ chế đặc biệt

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để TP.HCM xây dựng thành công trung tâm tài chính thế giới, phải xác định rõ đó là mô hình trung tâm tài chính nào, khu vực hay toàn cầu. Hơn nữa, những điều kiện về kinh tế hay vị trí là chưa đủ mà quan trọng nhất là một cơ chế thực sự đặc biệt mới có thể đưa một đô thị phát triển trở thành một trung tâm tài chính đúng nghĩa.

TS Vũ Thành Tự Anh (ĐH Fulbright) chỉ ra thực tế tỉ lệ ngân sách được giữ lại của TP.HCM ngày càng giảm đã làm giảm động lực phát triển của địa phương. Và với tỉ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại hiện chỉ có 18% tổng thu ngân sách trên địa bàn sẽ rất khó để TP có thể tạo ra những thay đổi căn bản về hạ tầng.

TP.HCM chỉ có thể thực hiện được khát vọng trở thành trung tâm tài chính nếu có sự ủng hộ và hậu thuẫn tối đa của Chính phủ, đó phải là chính sách quốc gia. Và nếu không có những quyết sách lớn, cộng với quyết tâm thực hiện của TP.HCM, sẽ không ai có thể trả lời chính xác là bao giờ TP.HCM mới chạm đến mục tiêu này. “Thời gian để thực hiện là do chúng ta quyết định chứ không thuần túy phụ thuộc vào những điều kiện khách quan” – ông Anh nhấn mạnh.

Theo TS Trần Du Lịch – thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, từ đầu những năm 2000, trong định hướng phát triển kinh tế TP.HCM đã đặt mục tiêu phát triển thành trung tâm tài chính của cả nước và khu vực. Tuy nhiên đến nay, mục tiêu này vẫn còn dang dở, thậm chí vai trò còn giảm dần, xét về quy mô thị trường tài chính đối với cả nước.

Tổng vốn huy động qua các định chế tài chính – tín dụng trên địa bàn TP.HCM so với cả nước đã giảm từ khoảng 40% của những năm đầu thập niên 2000 xuống còn khoảng 24% năm 2018, xếp sau Hà Nội (34%). Trong khi đó, việc phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế trước hết là vấn đề quốc gia, chứ không phải là vấn đề riêng của chính quyền địa phương.

Do đó, ông Lịch cho rằng việc xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế cần được xem là chiến lược kinh tế của quốc gia, phải được xác định trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2021-2030), được thông qua Đại hội Đảng XIII đầu năm 2021.

“Đây là điều kiện để Quốc hội, Chính phủ có thể triển khai các chính sách và cơ chế cụ thể để thực thi, bao gồm việc thí điểm các chính sách mới, nhất là các sản phẩm tài chính…” – ông Lịch nói.

Theo TTO