Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Ông Phan Đình Tuệ – Phó tổng giám đốc Sacombank: “Phải có chính sách kêu gọi doanh nghiệp tư nhân xây dựng tổ chức Đảng”

Theo mục tiêu của Chính phủ, đến năm 2025 Việt Nam sẽ có 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030 sẽ có 2 triệu, nên việc phát triển đảng viên mới, xây dựng tổ chức Đảng trong khối kinh tế tư nhân đang là thách thức, khi số lượng tổ chức Đảng và đảng viên trong khối tư nhân đang chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Đây cũng là chủ đề của buổi trò chuyện của tôi với Bí thư Đảng ủy – Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) Phan Đình Tuệ trước thềm Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI và Đại hội lần thứ XIII toàn quốc của Đảng.

* Trong khi nhiều doanh nghiệp tư nhân cho rằng, phải mất nhiều năm mới vận động thành lập được chi bộ và số lượng đảng viên cũng chưa nhiều, nhưng Sacombank lại phát triển được đội ngũ chi bộ và đảng viên lớn mạnh, Sacombank đã làm thế nào, thưa ông?

– Hiện nay, trong Đảng bộ khối ngân hàng có 69 đơn vị cấp ủy trực thuộc thì Sacombank có 45 chi bộ trực thuộc và 617 đảng viên chính thức sau 8 năm hoạt động. Dự kiến nhiệm kỳ tới, số lượng đảng viên trong Đảng bộ sẽ lên đến 1.000 đảng viên – một con số đủ để chúng tôi tự hào đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Đảng mà Đảng ủy cấp trên giao. Và để làm được điều này, chỉ có duy nhất một con đường là “kiên trì”.

Thông thường, trong doanh nghiệp nhà nước, một quần chúng ưu tú sẽ được bồi dưỡng để phát triển, đứng trong hàng ngũ Đảng. Sau quá trình phấn đấu, rèn luyện đủ tiêu chuẩn và điều kiện, đảng viên đó được xem là hạt giống, là cơ sở để được tiếp tục đào tạo, quy hoạch cán bộ nguồn và bổ nhiệm các vị trí cao hơn.

Trong khi đó, do những đặc thù riêng nên phát triển Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân có nhiều khó khăn. Bởi đối tượng kết nạp là những lao động thuần túy (là người làm công ăn lương), không có động cơ phấn đấu về chính trị, họ rất ngại bị ràng buộc vào tinh thần gương mẫu, trách nhiệm của người đảng viên. Hơn nữa, ở doanh nghiệp tư nhân, một quần chúng có đủ phẩm chất, kinh nghiệm, có đạo đức tốt cũng sẽ được cân nhắc lên các vị trí lãnh đạo có thu nhập phù hợp.

Qua đó, cũng thấy thêm một vấn đề, đó là trong các doanh nghiệp tư nhân, còn có rất nhiều nhân sự, nhiều lực lượng quần chúng đủ năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất và đạo đức nên Trung ương Đảng phải có chính sách quan tâm, định hướng và phát triển các đối tượng quần chúng này. Làm thế nào tạo động lực để họ yêu thích, mong muốn và tự nguyện tham gia vào tổ chức Đảng. Tại Sacombank, chúng tôi phải tuyên truyền, vận động, thậm chí thuyết phục rất khéo léo, kiên trì. Trong đó, mỗi thành viên cấp ủy Đảng phải sáng tạo, trách nhiệm và tận tụy. Nếu vận động quần chúng vào Đảng mà thiếu sự sáng tạo, làm theo kiểu hành chính hóa thì rất khó thuyết phục.

* Nhưng nếu chỉ vận động, thuyết phục, có lẽ cũng chưa đủ phải không, thưa ông?

– Để phát triển đảng viên, chúng tôi phân công cụ thể công việc cho cán bộ cấp ủy, có chính sách quan tâm đặc biệt đến lợi ích cũng như cơ hội học tập, thăng tiến của người lao động, có chính sách đãi ngộ xứng đáng để họ thấy việc đóng góp cho công ty, phấn đấu vào Đảng là nguyện vọng đúng đắn. Về phía từng cán bộ đảng viên, chúng tôi cũng phải phát huy các phẩm chất tốt, khẳng định vai trò, tiếng nói, cũng như uy tín của chính đảng viên trong doanh nghiệp để quần chúng tin tưởng và cảm thấy vinh dự hơn khi họ có đủ năng lực và lại được đứng trong hàng ngũ Đảng.

* Một trong những việc đảng viên phải làm là “làm gương”, theo ông có đủ thuyết phục thay đổi nhận thức của quần chúng?

– Trong một doanh nghiệp tư nhân thì lập trường, tư tưởng của chủ doanh nghiệp, của mỗi đảng viên sẽ tác động trực tiếp đến lập trường, tư tưởng của cán bộ, nhân viên. Tại Sacombank, có nhiều đảng viên đang giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt từ cấp phó tổng giám đốc trở lên. Và cũng chính uy tín cá nhân, năng lực và sự thành công của các thành viên ban lãnh đạo.

Bên cạnh đó, khi triển khai các chủ trương lớn, các chương trình thi đua, các hoạt động, Đảng ủy đều có văn bản hướng dẫn, vận động cán bộ đảng viên gương mẫu trong thực thi. Thường xuyên tự đấu tranh với bản thân để không vi phạm quy định, quy chế, chuẩn mực đạo đức người cán bộ nhân viên ngân hàng, thường xuyên đăng các bài sưu tầm hoặc viết nhiều bài có nội dung tuyên truyền, nhắc nhở về lòng yêu nước, về tiến trình xây dựng và phát triển Sacombank, viết về đơn vị, về cá nhân cán bộ nhân viên Sacombank nhằm khích lệ tinh thần công tác góp phần lan tỏa và phát triển văn hóa của doanh nghiệp.

* Với một doanh nghiệp tư nhân có tổ chức chi bộ và đội ngũ đảng viên hùng hậu, liệu có tạo thêm ưu thế và tự hào cho Sacombank?

– Một tổ chức Đảng luôn hoạt động theo điều lệ và nguyên tắc của Đảng, người Đảng viên thì phải có lập trường, tư tưởng vững vàng, ý thức xây dựng Đảng, phải nỗ lực phấn đấu, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, tại Sacombank khi tổ chức Đảng lớn mạnh, đội ngũ đảng viên hùng hậu sẽ tạo được niềm tin đối với ban lãnh đạo ngân hàng. Đồng thời sẽ được bạn bè, đối tác và các cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội ghi nhận, tôn trọng góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu Sacombank. Chúng tôi có quyền tự hào về thành quả và sự đóng góp của Đảng bộ và các Đảng viên trong Đảng bộ.

* Vừa làm lãnh đạo, lại là Bí thư Đảng ủy, chắc hẳn ông cũng không ít áp lực khi luôn phải nỗ lực là người… noi gương, đi đầu?

– Trong một doanh nghiệp, chưa cần biết anh làm gì, vị trí nào, đảng viên hay không nhưng khi anh làm tốt, có đóng góp tích cực cho tổ chức thì đương nhiên sẽ được mọi người tôn trọng. Hơn nữa, đã phấn đấu là một người tốt thì ngay cả khi làm việc, dù không phải đảng viên, lãnh đạo thì vẫn phải làm tốt. Vậy nên, tôi không có bất cứ áp lực nào mà chỉ có áp lực về thời gian. Càng đảm nhiệm nhiều công việc, càng thấy trách nhiệm phải làm nhiều hơn, tốt hơn, cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng, mà quỹ thời gian để tôi hoàn thành và thực hiện hết công việc, vừa công việc chuyên môn đến hoạt động cho các tổ chức, các hội, câu lạc bộ thì có giới hạn .

* Trước thềm Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI và Đại hội lần thứ XIII toàn quốc của Đảng, ông có mong muốn gì gửi đến Đại hội Đảng?

– Mong muốn của tôi là sắp tới, trong các cấp ủy Đảng từ địa phương đến Trung ương sẽ có sự xuất hiện của các chủ doanh nghiệp tư nhân. Bởi các chủ doanh nghiệp là những người trực tiếp làm kinh doanh, tiếp nhận các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước đến nhân viên, đảng viên, nếu được tham gia đóng góp ý kiến vào các hoạch định chính sách, họ sẽ có nhiều điểm sát thực tiễn và phù hợp nguyện vọng của doanh nhân hơn và việc truyền đạt, lan tỏa chủ trương, chính sách một cách trực tiếp cũng hiệu quả hơn.

Hơn nữa, nếu chủ doanh nghiệp là người tốt, đủ tiêu chuẩn thì khi vào Đảng, họ vừa là người có vốn, có tầm nhìn và năng lực quản lý, lại thêm tinh thần yêu nước, chắc chắn sẽ có đóng góp tốt hơn so với một người bình thường.

Riêng các buổi sinh hoạt tại cơ sở Đảng, cần giảm bớt các nội dung mang tính hình thức, lý luận mà phải thiết thực, đi sát thực tiễn của doanh nghiệp, tổ chức thì các buổi sinh hoạt đó mới có ý nghĩa. Các nội dung cần theo hướng gọn, chất lượng, đi trọng tâm, trọng điểm, đưa ra được các nghị quyết phù hợp thực tiễn.

Hiện Chính phủ đang đánh giá cao và khẳng định vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong sự phát triển của xã hội và kinh tế. Thực tế, số lượng doanh nghiệp nhà nước cũng đang dần thu hẹp và ưu tiên cho kinh tế tư nhân. Một thống kê cho biết, trung bình mỗi năm có gần 123.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường với số vốn đăng ký đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Vì vậy, phải có chính sách đặc biệt để kêu gọi doanh nghiệp tư nhân đứng vào hàng ngũ Đảng và tạo điều kiện cho họ tham gia vào các tổ chức, đóng góp vai trò và tiếng nói trong bộ máy quản lý nhà nước…

* Trong vai trò Bí thư Đảng ủy, nếu tự đánh giá, phê bình, ông tự nhận ưu diểm gì đã làm được và việc gì còn nỗ lực phải phấn đấu nhiều hơn?

– Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ đã hoàn thành nhiệm vụ của một tổ chức cơ sở Đảng mà quan trọng nhất là nhiệm vụ xây dựng Đảng.

Đảng bộ Sacombank đã thể hiện tốt vai trò của tổ chức chính trị tại doanh nghiệp cổ phần tư nhân bằng việc thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, ra sức tuyên truyền, vận động và hướng dẫn đội ngũ giữ gìn phẩm chất đạo đức của người nhân viên ngành ngân hàng, trong đó đảng viên của Đảng bộ giữ vai trò nòng cốt tại từng đơn vị.

Như đã nói, quỹ thời gian có giới hạn mà lại có quá nhiều công việc cần làm nên tôi chưa sắp xếp được thời gian phù hợp để chỉ đạo trực tiếp triển khai và thực hiện nhiệm vụ của Bí thư Đảng ủy.

* Trong vai trò Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh, ông còn mong muốn thực hiện điều gì cho Hội và các thành viên?

– Tôi vẫn còn nhiều động lực và mong muốn lao động, làm việc, đóng góp và cống hiến. Có người nhiều tiền thì đóng góp tiền cho các chương trình thiện nguyện. Còn tôi tham gia hoạt động trong các hiệp hội, hội, câu lạc bộ cũng là cách tôi cống hiến và đóng góp cho cộng đồng.

Từng trải nghiệm trong kinh doanh nên tôi hiểu khó khăn và cũng là điểm yếu của các doanh nghiệp, đó là sự kết nối nên tôi muốn phát huy vai trò kết nối vừa tạo sự liên kết, sức mạnh trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, vừa tạo một sân chơi cho các doanh nhân chia sẻ tình cảm, gắn bó tình quê hương và cùng nhau đóng góp, ủng hộ xây dựng cho địa phương và bà con Nghệ Tĩnh. Qua gần 20 năm qua, Hội đã vận động được hàng chục tỷ đồng ủng hộ người nghèo, đồng bào quê hương Nghệ An và Hà Tĩnh.

Hội đã trở thành một ngôi nhà chung làm cầu nối cho các doanh nghiệp trong và ngoài Hội gặp gỡ, giao lưu để cùng hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau phát triển và là cầu nối kinh tế giữa đầu cầu TP.HCM với quê hương Nghệ An, Hà Tĩnh.

* Nhiều chính sách gần đây của Sacombank đều hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn than khó tiếp cận, ý kiến của ông về vấn đề này?

– Việc vay vốn ngân hàng khó là câu chuyện nhiều năm trước, còn hiện tại, các ngân hàng đang “tranh nhau” khách hàng tốt. Doanh nghiệp nói khó tiếp cận vốn không hẳn đúng mà quan trọng là doanh nghiệp vay vốn để triển khai dự án đó có tốt, khả thi, phương án kinh doanh có hiệu quả không? Thực tế, có những doanh nghiệp không bị tác động nhiều bởi dịch Covid-19, chẳng hạn chỉ bị sụt giảm doanh thu nên khó đòi hỏi ngân hàng phải tái cơ cấu, vì nếu tái cơ cấu, ngân hàng không được tính lãi dự thu, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân hàng. Liên quan đến việc doanh nghiệp kêu về quy trình xét duyệt cho vay, chúng tôi phải tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước, nên có những cái không giảm được.

Tại Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp năm 2020, Sacombank dành 1.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi từ 6%/năm cho doanh nghiệp. Đây là chương trình do UBND TP.HCM phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM phát động triển khai thực hiện. Từ năm 2012 đến nay, Sacombank đã dành gần 20.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi doanh nghiệp tại 24 quận huyện trên địa bàn TP.HCM và một số tỉnh thành khác. Bên cạnh đó, Sacombank còn dành hơn 500 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp tham gia bình ổn giá thị trường trong năm 2020. Ngoài việc hỗ trợ các nguồn vốn ưu đãi, Sacombank còn triển khai các dịch vụ ngân hàng hiện đại như mở tài khoản, chuyển tiền quốc tế, phát hành LC trực tuyến, đăng ký vay vốn online 24/7… nhằm giúp doanh nghiệp tối ưu hiệu quả sử dụng nguồn vốn, gia tăng năng lực cạnh tranh và tính chủ động trong công tác quản lý tài chính.

* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ.

Theo DNSG