Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

“Nhanh như tên bắn”, tiền điện tử giúp thanh toán quốc tế trong 24 giờ

Số hóa trong thanh toán, trong đó tiền điện tử giúp giảm thời gian chi trả toàn cầu từ 5-10 ngày xuống còn 24 giờ.

Năm 2025, dự tính có 1.100 tỷ USD thanh toán qua blockchain

Thanh toán điện tử là công nghệ sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai, theo các chuyên gia tài chính toàn cầu dự đoán tại hội thảo “Công nghệ về Cách mạng Số hóa trong lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán thời đại 4.0” do HSBC Việt Nam tổ chức mới đây.

Theo ông Tim Evants, CEO HSBC Việt Nam, hiện HSBC đang quản lý 500 tỷ USD giá trị giao dịch thương mại toàn cầu. Đây là con số rất lớn và hữu ích cho thanh toán điện tử phát triển. Thanh toán theo phương thức số hoá sẽ nhanh hơn, tiết kiệm chi phí hơn, đặc biệt là minh bạch hơn.

HSBC đang dành tới 17 tỷ USD để ứng dụng công nghệ mới vào thanh toán điện tử, và được áp dụng tại nhiều chi nhánh của HSBC trên toàn cầu. Hiện HSBC có hơn 2 triệu khách hàng tham gia vào platform (nền tảng kết nối để triển khai các sản phẩm số hoá).

Trước đó, HSBC cũng là ngân hàng đầu tiên giao dịch thư tín dụng (L/C) ứng dụng công nghệ blockchain vào tháng 7/2018. Phương thức thanh toán này sẽ được triển khai mạnh vào thời gian tới khi vào năm 2025 sẽ có gần 1.100 tỷ USD giao dịch thông qua blockchain, giảm thời gian giao dịch từ 5-10 ngày xuống còn 24 giờ.

Tại hội thảo, thí dụ từ thực tế phát triển thương mại điện tử thành công của tập đoàn Alibaba của Trung Quốc khiến cả thế giới bất ngờ khi năm 2018 được dẫn ra, doanh thu trong ngày độc thân của công ty này là 30 tỷ USD/ngày, nhưng năm 2019 nó đã tăng lên mức 38,4 tỷ USD/ngày, nghĩa là trong 1 giờ, Alibaba có thể tạo ra 1,5 tỷ USD doanh thu – một con số khủng khiếp.

Ông Jasson Tan, Giám đốc Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Trung tâm thanh toán và quản lý tiền mặt HSBC, cho rằng chính sự tiêu dùng cộng với công nghệ đã tạo ra cơ hội mới cho những người làm kinh doanh. Với hệ sinh thái công nghệ trực tuyến đã giúp tập đoàn Alibaba trở thành “người khổng lồ” về thương mại điện tử như ngày nay.

Ông Jasson Tan, Giám đốc Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Trung tâm thanh toán và quản lý tiền mặt, HSBC, trình bày về sự tăng trưởng thương mại điện tử tại Châu Á tại hội thảo – Ảnh: BizLIVE.

Tại Việt Nam, cuộc cách mạng số hoá cũng đang diễn ra khi Ban điều hành Fintech được Ngân hàng Nhà nước thành lập năm 2017. Đến nay, đã cấp phép cho 31 công ty trung gian thanh toán, có 24 ngân hàng xài phương thức thanh toán bằng QR, và dự kiến cho ra mắt mạng 5G vào năm 2020.

10 cách thức thanh toán mới trong tương lai

Nói về sự tăng trưởng thương mại điện tử tại Châu Á, ông Larry Campbell, đại diện KPMG cho biết, mặc dù có tới 70% dân số tại Đông Nam Á được xem là không tiếp cận được dịch vụ ngân hàng, nhưng tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh rất cao. Đây thực sự là tiềm năng cho thanh toán điện tử và fintech phát triển.

Cùng với các khoản đầu tư đến từ Châu Âu, dự báo thanh toán điện tử ở Đông Nam Á sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2025. Thanh toán điện tử đã cạnh tranh trực tiếp với phương thức thanh toán truyền thống, ngay cả các công ty sản xuất ô tô cũng thanh toán điện tử.

Theo ông Larry Campbell, với sự bùng nổ của thanh toán điện tử, trong tương lai sẽ có 10 cách thức thanh toán mới, có cả thanh toán theo thời gian thực… “đẩy” thanh toán toàn cầu với tốc độ cực nhanh, cụ thể:

– Các quốc gia có xu hướng phát hành các loạt tiền kỹ thuật số. Các cơ quan quản lý sẽ kiểm soát thanh toán điện tử. Nhiều nước cạnh tranh tiền số của mình với Trung Quốc…

– Cơ quan quản lý sẽ kiểm soát quy trình thanh toán chứ không phải các nhà cung cấp.

– Thanh toán theo chuỗi giá trị sẽ được xây dựng dựa trên dữ liệu

– Sẽ có sự thống nhất quốc tế về quyền dữ liệu riêng tư

– Các công dân toàn cầu sẽ có một sổ kỹ thuật, được kích hoạt bằng sinh trắc học của riêng mình.

– Công nghệ thanh toán sẽ làm giảm loại trừ tài chính

– Trải nghiệm xã hội sẽ tích hợp với công nghệ thanh toán

– Công nghệ thanh toán sổ cái phân tán sẽ là nền tảng cho một mạng lưới thanh toán tốc độ cao được kết nối toàn cầu.

– Thanh toán theo thời gian thực sẽ trở thành thông lệ.

– Hệ sinh thái thanh toán sẽ phát triển mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, thách thức về an ninh mạng cũng không hề nhỏ. Đây là quan ngại lớn nhất mà nhiều nước đối mặt. Tại Việt Nam đã có gần 5.000 cuộc tấn công mạng trong quý I/2019. Khe hở chủ yếu là thiếu bảo mật, vi phạm dữ liệu cá nhân, phát tán và tấn công bằng mã độc…

Lời khuyên đến từ chuyên gia tài chính, ông Jasson Tan cho biết khi đối tác gửi email bắt bạn phải làm theo hướng dẫn trong email mới thực hiện thanh toán cho bạn thì tốt nhất là bạn bỏ luôn, đó là lừa đảo.

Lan Anh

Theo BizLive