Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Nguyễn Tuấn Khởi – Chủ tịch VTVCorp: “10 năm qua chúng tôi luôn trung thành với chiến lược con bò đầu đàn”

Một doanh nghiệp định hướng xã hội 10 năm tuổi mà thoạt đầu mới nghe tên ai cũng nhầm tưởng tên của một đài truyền hình. Song ít ai biết, đây là một trong những doanh nghiệp đang dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực rất mới mẻ tại thị trường Việt Nam.

Đặc biệt, giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, VTVCorp lại cùng các đối tác chuẩn bị cho ra đời một dự án kết nối và tiêu thụ thực phẩm khá độc đáo. PV đã có cuộc trao đổi ngắn với anh Nguyễn Tuấn Khởi, Chủ tịch VTVCorp để tìm hiểu thêm về dự án ý nghĩa này.

Thưa anh, vì sao lại là VTVCorp?

Thật ra tên đầy đủ ban đầu của chúng tôi là Công ty Cổ phần Nhân Ái Vòng Tay Việt. Lúc ấy, tên miền website chính thức đã bị mua mất nên anh em nghĩ mãi mới lấy tắt 3 chữ đầu là VTV (Vòng Tay Việt – PV) để mua tên miền. Đến năm 2017, chúng tôi mới chính thức rút ngắn tên gọi là Công ty cổ phần VTVCorp. Phần để thuận tiện trong giao dịch, phần để mở rộng các hoạt động, bởi nhiều người khá e dè khi hợp tác với một công ty mà tên gọi gắn liền với hai chữ “Nhân Ái”.

Có bao giờ anh nghe ai đó nói về sự nhầm lẫn giữa cái tên này với thương hiệu của một đài truyền hình chưa?

Rất nhiều nữa là khác. Từ trước khi đổi tên, thực chất logo của công ty cũng là viết tắt của website www.vtvcorp.vn. Do đó, không ít người thắc mắc liệu chúng tôi có “sân trước, sân sau” gì với Đài truyền hình Việt Nam hay không. Nhưng quả thực, cũng có một điều thú vị là từ 2015 đến nay, VTVCorp lại trở thành đối tác chiến lược với VTV24, cùng là đơn vị đồng tổ chức Chiến dịch Quốc gia Hành trình Đỏ trên phạm vi cả nước. Tôi nghĩ đó cũng là một cái duyên.

Anh và các cộng sự của mình vừa trở về từ Chiến dịch Hành trình Đỏ xuyên Việt 2020?

Đúng vậy, năm 2020 này đã là lần thứ 8 Chiến dịch Hành trình Đỏ được tổ chức, và VTVCorp tự hào là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia sáng lập và vận hành.

Khác với những mùa xuyên Việt trước, năm nay Hành trình Đỏ được chuyển giao về các địa phương để 42 tỉnh/thành chủ động tổ chức. Chương trình năm nay đã diễn ra xuyên suốt trong gần 2 tháng (từ 6/6 đến 2/8), thu về kết quả vượt xa so với chỉ tiêu đề ra ban đầu với hơn 100.000 đơn vị máu. Như vậy, sau 8 năm triển khai, Hành trình Đỏ đã tiếp nhận gần 700.000 đơn vị máu, đóng góp lượng máu quý giá cho kho dự trữ máu quốc gia, giúp cứu chữa kịp thời hàng nghìn bệnh nhân cần máu.

Cũng cần phải nhắc lại, khoảng hơn 8 năm trước, việc hiến máu tình nguyện tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều người dân chưa thực sự hiểu hết ý nghĩa của việc hiến máu nhân đạo. Vì thế, mỗi năm thay vì phải có gần 2 triệu đơn vị máu được hiến tặng (tương đương 2% dân số đi hiến máu tình nguyện hàng năm) theo khuyến cáo của Tổ chức y tế Thế giới thì Việt Nam lúc đó chỉ đạt được khoảng 800 nghìn đơn vị máu, chưa đến 45% yêu cầu được đặt ra. Việc này gây khó khăn rất lớn cho các y, bác sỹ trong quá trình điều trị bệnh nhân. Nhiều trường hợp không thể kịp thời cứu chữa vì thiếu máu.

Hành trình Đỏ ra đời, hoạt động như một chiến dịch kéo dài xuyên suốt trên khắp cả nước. Cao điểm của chiến dịch thường diễn ra từ tháng 6, tháng 7 và tháng 8, với nhiều hoạt động như: tổ chức các ngày hội hiến máu quy mô lớn, tuyên truyền trực tiếp về vùng nông thôn, đến các trường đại học, thu hút nhiều bạn trẻ,… cho đến các cơ quan đoàn thể nhà nước và tổ chức dân sự. Bên cạnh đó, Hành trình Đỏ cũng huy động những người có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội tham gia như: các ngôi sao giải trí, cầu thủ bóng đá, bơi lội cũng là một nét đặc trưng tạo nên sức hút cho Hành Trình Đỏ. Việc thành lập hàng loạt các câu lạc bộ, đội nhóm tình nguyện, Ngân hàng máu sống trên khắp cả nước từ chiến dịch đã giúp xây dựng, đào tạo nên một đội ngũ nhân lực dày dặn chuyên môn và mạng lưới tình nguyện viên rộng khắp, giúp kiến tạo nên một hệ sinh thái bền vững.

Cho đến nay, sau 8 năm nỗ lực, Hành trình Đỏ đã góp phần quan trọng giúp giải quyết được tình trạng khan hiếm máu tại Việt Nam. Cụ thể, số lượng người đi hiến máu tình nguyện hàng năm đã tiệm cận bằng với mức khuyến cáo của Tổ chức y tế Thế giới WHO. Hiện tại, có 55/63 tỉnh, thành phố Việt Nam có hoạt động thường xuyên của Hành trình Đỏ.

Tôi tin rằng, dù làm bất kỳ việc gì, ở bất kể nơi đâu, một khi cộng đồng khỏe mạnh thì nền kinh tế sẽ tự khắc đi lên, đất nước ngày càng phát triển. Hành trình Đỏ chính là hành trình góp nhặt yêu thương để kiến tạo cộng đồng bền vững từ những giá trị giản đơn nhất.

Việc hiến máu dường như được mặc định là của các cơ quan nhà nước. VTVCorp tại sao lại dấn thân vào lĩnh vực này?

Câu hỏi rất hay. Trả lời chính xác thì phải quay lại lúc chúng tôi quyết định thành lập Công ty Nhân Ái Vòng Tay Việt thời điểm 10 năm trước. Lúc đó, sau một thời gian tham gia nhiều hoạt động xã hội, trong khi các bạn bè cùng trang lứa của tôi chọn làm cho các tổ chức đoàn hội, người thì đầu quân phụ trách mảng trách nhiệm xã hội CSR cho các doanh nghiệp…; một số anh em khác lại tìm con đường đi mới: sáng lập các mô hình doanh nghiệp định hướng xã hội. Công ty của chúng tôi là một trong những mô hình như vậy.

Thú thật, thời điểm đó hoạt động rất khó, khi Luật doanh nghiệp xã hội chưa được thừa nhận (năm 2016 mới chính thức được Thủ tướng thông qua), các hoạt động còn chưa rõ ràng. Doanh nghiệp tự thừa nhận mình là “định hướng xã hội” nhưng kì thực hoạt động như một doanh nghiệp truyền thống. Chỉ khác là các dự án được lựa chọn để thực thi đều vì xã hội, lựa chọn giải quyết các vấn đề còn tồn tại của xã hội; ví dụ thất nghiệp, việc làm cho người khuyết tật, sinh kế cho người bản địa, dân tộc kết hợp bảo tồn văn hóa… kể cả giải quyết vấn đề y tế cộng đồng. Và Hành trình Đỏ với sứ mệnh giải quyết tình trạng khan hiếm máu phục vụ cho công tác điều trị cấp cứu là một ví dụ.

Nhưng VTVCorp có chức năng để thực hiện?

Hiện tại, Luật doanh nghiệp đã không còn hạn chế ngành nghề kinh doanh, trừ các lĩnh vực quá đặc thù. VTVCorp hoạt động ở rất nhiều lĩnh vực, nhưng cơ bản, lõi của chúng tôi vẫn là một doanh nghiệp chuyên về truyền thông đa phương tiện và quan hệ công chúng. Ví dụ như Hành trình Đỏ, chúng tôi làm gì có chức năng tiếp nhận máu thay cho ngành y tế, chúng tôi cũng không thể làm thay việc của anh em Chữ thập đỏ, cơ quan được Nhà nước trao quyền trong lĩnh vực này.

Việc của chúng tôi là nhìn ra vấn đề tồn tại, lên ý tưởng, cụ thể hóa bằng đề án hành động. Đặc biệt nhất có thể kể đến là vai trò tìm kiếm và gắn kết những doanh nghiệp, tập đoàn lớn để họ đồng hành, tài trợ cho các hoạt động này; qua đó, thể hiện trách nhiệm xã hội của chính họ với cộng đồng. Tôi nghĩ hiện nay, nhiều vấn đề xã hội có thể giải quyết theo cách các bên cùng hợp tác với hình thức như vậy. Ở nước ngoài, họ đã đi rất xa trong việc này và tạo rất nhiều giá trị hữu ích cho xã hội.

Tóm lại, các bạn sẽ thấy chúng tôi hoạt động gần như là một tổ chức tích hợp gồm nhiều mô hình pha trộn: trên nền của một doanh nghiệp, với tư duy của một tổ chức NGO và một chút hành động bao trùm như các cơ quan nhà nước. Dù phức tạp, nhưng mục đích đơn giản cuối cùng mà chúng tôi hướng đến đó là thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội thông qua các dự án sáng tạo với nhiều đối tượng tham gia.

Anh từng chia sẻ, điều quan trọng nhất để làm nên thành công của VTVCorp chính là “Chiến lược con bò đầu đàn”, cụ thể như thế nào thưa anh?

Xuất phát từ câu chuyện của Sony chinh phục thị trường Mỹ cách đây nhiều năm. Ít ai biết, vào giữa thập niên 70 của thế kỷ trước, sản phẩm tivi Sony ở nước Mỹ chẳng hề có chút danh tiếng. Ông Yanagi – Người đảm nhiệm chức trưởng phòng nước ngoài của công ty Sony đã có chuyến đi đến thành phố Chicago để giải quyết vấn đề vì sao một mặt hàng có chất lượng tốt và bán rất chạy ở Nhật nhưng khi đến Mỹ lại rơi vào tình cảnh “hàng hoá không tên không tuổi” này.

Cho đến một ngày, ông ta bắt gặp đứa trẻ chăn bò dắt một con bò đực to đi về chuồng. Trên cổ con bò đó có buộc một chiếc chuông nhỏ, khi cái chuông kêu “leng keng, leng keng” thì cả đàn bò rất đông, ngoan ngoãn nối đuôi nhau đi theo sau con bò đực đầu đàn rồi đi vào chuồng. Yanagi chợt nghĩ, cách nhanh nhất để  để có thể bán được tivi và mở rộng con đường tiêu thụ  trước hết phải tìm ra được cửa hàng “đầu đàn”.

Qua tìm hiểu, Yanagi xác định sẽ chọn doanh nghiệp bán hàng điện máy lớn nhất ở đây là công ty Maxilier làm mũi nhọn chủ chốt. Sau đó, mặc dù năm lần bảy lượt bị từ chối, nhưng Yanagi không hề nản lòng, ông quyết tâm thuyết phục vị giám đốc Maxilier, mở ra cơ hội cho Sony bước chân vào thị trường Chicago – Mảnh đất tiềm năng trước khi lấn sân sang thị trường Mỹ đầy màu mỡ.

Sau thời gian thử nghiệm cùng với sự mở đường của con “đầu đàn” Maxilier, hơn 100 cửa hàng khác của khu vực Chicago đã theo sau, yêu cầu được bán sản phẩm Sony. Không đầy ba năm, Sony đã chiếm lĩnh tới 3% thị trường khu vực Chicago. Do đã có “con bò đầu đàn” Chicago, thị trường tivi Sony ở các thành phố khác của Mỹ cũng được mở ra, công ty Maxilier thu về lợi nhuận lớn.

Công ty Sony Nhật Bản của ngày hôm nay và sản phẩm tivi của họ đã vang danh trên toàn cầu nhờ quan điểm sáng suốt từ ông Yanagi, dựa trên sách lược “bắt giặc thì phải bắt tướng giặc trước”. Chính việc nắm bắt được điểm mấu chốt của vấn đề, quyết tâm bắt được “con đầu đàn” đã giúp Sony chiếm lĩnh thị trường Chicago, từ đó tiến quân vào thị trường rộng lớn của nước Mỹ, mở đầu của những hợp đồng hàng triệu đô la.

Và tôi may mắn đọc được câu chuyện này ngay từ những ngày đầu lập nghiệp. Tôi nhận thấy dù làm bất kì công việc gì, dù nhỏ hay lớn thì điều quan trọng nhất chính là tập trung tìm được cái lõi mấu chốt của vấn đề. Khi tìm được rồi thì lấy bút viết ra vẽ ngay một kế hoạch ít nhất là 5 năm để đeo đuổi. Không cần dài dòng, chỉ một trang giấy trắng là đủ.

Có thể nhìn lại, khoảng thời gian 8 năm trước khi bắt tay vào lập đề án “Hành trình Đỏ”, khi mà nhiều người còn chưa biết đến VTVCorp, mô hình doanh nghiệp xã hội cũng chưa được phổ biến thì chắc chắn sẽ rất khó để triển khai nếu làm nhỏ lẻ. Và chúng tôi đã quyết định tìm đến Viện huyết học truyền máu Trung Ương để cùng phối hợp đặt những viên gạch đầu tiên cho dự án. Tôi nghĩ đây là quyết định mấu chốt giúp Hành trình Đỏ thành công cho đến ngày hôm nay. Bởi Viện huyết học truyền máu Trung Ương chính là một trong những đơn vị “đầu đàn” và chịu trách nhiệm chính trong lĩnh vực huyết học – truyền máu ở Việt Nam; chỉ có họ với một tập thể tiên phong mới đủ mạnh làm nên chiến dịch lịch sử trong lĩnh vực này.

Hoặc khi triển khai Mạng xã hội Nông nghiệp Agrinews, chúng tôi cũng lựa chọn đối tác đầu tiên để phát triển dự án chính là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Còn khi dấn thân vào lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) về thực phẩm, chúng tôi chọn đối tác là Haravan và Tập đoàn CP. Sau 4 năm triển khai, đến nay Trang TMĐT CPFoods.vn trở thành sự lựa chọn thường xuyên của hàng chục nghìn bà nội trợ và đối tác. Hay như khi triển khai dự án về thể thao với Mạng xã hội thể thao Sportday.vn, chúng tôi cũng may mắn được làm việc với đối tác đa quốc gia là Công ty Nike.

Với một số dự án mang tính chất toàn cầu như Ngân hàng thực phẩm Foodbank Việt Nam, dù khi mới sáng lập chúng tôi cũng nhận được một số lời đề nghị hỗ trợ từ nhóm Foodbank Châu Á; tuy nhiên, chúng tôi xác định muốn thành công và giải quyết dứt điểm vấn đề thì chắc chắn phải làm việc trực tiếp cùng Mạng lưới ngân hàng thực phẩm Thế giới Foodbanking tại Mỹ. Và đúng như kế hoạch đã chuẩn bị, sau gần 3 năm thành lập Foodbank Việt Nam, hiện chúng tôi đã gia nhập vào mạng lưới Foodbanking và nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các nước thành viên.

Vậy “Chiến lược con bò đầu đàn” ở đây có thể hiểu là luôn luôn tìm kiếm một đối tác dẫn đầu để hợp tác mà bỏ qua các đơn vị theo sau?

Cũng chưa hẳn là như vậy. Ở VTVCorp, mặc dù xác định khi lập một dự án mới là phải luôn tìm kiếm những đơn vị dẫn đầu để hợp tác, nhưng không vì lẽ đó mà chúng tôi bỏ qua các yếu tố hợp tác với các đối tác vệ tinh. Bởi suy cho cùng, việc hợp tác với “người khổng lồ” chỉ là bước đầu cần phải có trong lộ trình tạo ra một cuộc chơi lớn; nhưng sau bước đó thì 90% phần việc còn lại là phải triển khai với các đối tác xung quanh.

Chẳng hạn như Food Connect – một dự án về kết nối và tiêu thụ thực phẩm bền vững mà chúng tôi sắp ra mắt. Đối tác đầu tiên mà chúng tôi sẽ hợp tác chính là Nền tảng đa nhiệm Grab. Grab là một đối tác đa quốc gia rất lớn mà chúng tôi cảm thấy vô cùng may mắn khi được làm việc cùng họ. Tuy nhiên, không vì thế mà hàng nghìn người nông dân, hợp tác xã địa phương thiếu mặt trong hệ sinh thái của Food Connect. Chính họ mới là nhân tốt quyết định tạo nên sự thành công của dự án.

Anh có thể nói rõ hơn về mô hình Food Connect?

Đơn giản nghĩa của từ Food Connect trong tiếng Anh là “Kết nối thực phẩm”. Food Connect khởi phát với kinh nghiệm gần 10 năm say mê và dấn thân cùng nền nông nghiệp của đội ngũ VTVCorp. Từ việc cho ra đời liên tiếp các chiến dịch “giải cứu nông sản” gắn bó cùng người nông dân trước tình cảnh nông sản bị ùn ứ, “được mùa mất giá”; đến vô số chương trình hành động kịp thời về cung cấp và phân phối thực phẩm rộng rãi trong cộng đồng của Foodbank Việt Nam.

Trong đó, bản thân tôi đặc biệt may mắn khi có nhiều cơ hội cọ xát, học hỏi tư duy tiến bộ từ các tập đoàn toàn cầu dẫn đầu về lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm như CP Group. Và thời khắc quan trọng đến khi năm ngoái tôi được tham gia Hội nghị các ngân hàng thực phẩm Châu Á tại Hàn Quốc. Tại đây, tôi được biết đến rất nhiều mô hình, doanh nghiệp tạo tác động xã hội lớn trong lĩnh vực này như: Imperfect Produce, Tanihub… Tôi nhận thấy giải cứu hay trao tặng thực phẩm với Agrinews, Foodbank Việt Nam là chưa đủ. Phải thành lập mô hình doanh nghiệp tạo tác động xã hội thực sự, giúp người nông dân nhưng đồng thời phải trao cho họ giải pháp, cùng họ ngồi xuống giải bài toán của chính họ. Mình chỉ là cộng sự làm cùng, nhưng tuyệt nhiên không thể làm thay công việc của họ được. Và từ đó Food Connect ra đời.

Food Connect đã làm được những gì trong thời gian qua khi thế giới và Việt Nam đang gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19?

Thực sự kế hoạch của chúng tôi bị ảnh hưởng khá nhiều. Cả hai lần chuẩn bị ra mắt dự án với những ngày hội lớn về kết nối và tiêu thụ thực phẩm nông nghiệp giữa Food Connect và các đối tác đều bị hoãn do không may rơi đúng vào hai lần giãn cách xã hội. Lần gần nhất là ngày 08/8 vừa qua, sau hai tháng ròng để chuẩn bị, cuối cùng chúng tôi vẫn phải tạm hoãn.

Song, trong cái rủi đó tôi và các cộng sự lại thấy may mắn vì mình có thêm thời gian để nhìn lại, cùng rà soát kế hoạch một cách chi tiết hơn. Thay vì than vãn, chúng tôi trao đổi với các đối tác để tìm sự thông cảm, tập trung làm việc và mở rộng hợp tác với hơn 30 Hợp tác xã nông nghiệp và gần 1000 nông dân trong thời gian cách ly xã hội.

Riêng đối với một số địa điểm không thể đến trực tiếp, chúng tôi hướng đến tổ chức tập huấn và làm việc online. Ban đầu, nhiều bà con nông dân còn bỡ ngỡ, nhưng sau thời gian ngắn thử nghiệm, đa phần họ đã quen dần và thích nghi nhanh chóng với tình hình “bình thường mới” này.

Bạn đừng ngạc nhiên khi thấy các bác nông dân là đối tác của Food Connect suốt ngày video call qua Zalo, Face Time để cập nhật với chúng tôi và mọi người về việc hôm nay gà vịt của họ đang ăn loại thức ăn gì, thanh long của họ hôm nay ra hoa ra sao,… Những khoảnh khắc ấy làm chúng tôi rất vui; chúng tôi thấy cuộc sống nông thôn với đồng ruộng, thấy cuộc sống của ông cha ta thêm gần hơn… giúp cuộc sống vốn hối hả bon chen của chốn thị thành được rút ngắn lại phần nào.

Tự nhận mình là một “giải pháp kết nối và tiêu thụ thực phẩm bền vững”, có yếu tố nào để Food Connect minh chứng điều đó?

Ở Pháp, Mỹ, hiện có không ít ứng dụng có chức năng phát hiện và kết nối thực phẩm theo một vòng tròn bền vững – tức từ sản xuất đến tiêu thụ được khép kín. Chỉ cần với một chiếc điện thoại thông minh kết nối sẵn internet là bạn có thể dễ dàng biết được các nguồn thực phẩm chất lượng ở đâu, nơi nào nguồn thực phẩm dư đang cần bán, hay chỗ nào đang cần thực phẩm. Từ đó, ứng dụng sẽ phát huy vai trò kết nối nhu cầu của các bên rất thuận tiện. Những sáng kiến đó vừa giúp các nhà sản xuất, vừa hỗ trợ người tiêu dùng, lại vừa chống lãng phí thực phẩm, góp phần bảo vệ môi trường rất lớn.

Ở Việt Nam, theo một cuộc khảo sát gần nhất, chúng ta đang đứng thứ 2 Châu Á về lãng phí thực phẩm, chỉ sau Trung Quốc. Thực phẩm làm ra từ các công ty sản xuất đến các nhà hàng quán ăn hàng ngày phải bỏ đi một lượng rất lớn. Các bãi rác ở nhiều đô thị hiện nay đã vượt ngưỡng chịu đựng, mà trong đó phần lớn là rác thực phẩm.

Mặt khác, thời gian gần đây, điệp khúc “giải cứu nông sản” liên hồi lặp lại. Bao nhiêu tấn nông sản phải đổ bỏ trên những cánh đồng đìu hiu là bấy nhiêu giọt nước mắt chua chát của người nông dân. Nhưng có một thực tế trớ trêu là hàng triệu người tiêu dùng vẫn phải mua thực phẩm với giá “trên trời”. Không ít trong số họ lại có xu hướng dùng hàng nhập, kể cả hàng đội lốt “Việt Nam chất lượng cao” nhưng xuất xứ từ Trung Quốc.

Từ kinh nghiệm và mạng lưới của mình, chúng tôi đã và đang tập hợp lại tất cả các nhu cầu đó để tạo ra một sân chơi chung với sự tham gia win – win giữa các bên. Food Connect hy vọng sẽ tạo nên một chuỗi khép kín hiệu quả từ sản xuất, kết nối đến tiêu thụ thực phẩm một cách bền vững.

Nói một cách đơn giản, ví như người nông dân có sản phẩm tốt, được làm ra một cách bài bản, đảm bảo chất lượng an toàn, đáp ứng các tiêu chí của Food Connect thông qua chứng thực của người tiêu dùng; chúng tôi sẽ hỗ trợ từ khâu sản xuất, xây dựng thương hiệu đến tiêu thụ lâu dài. Ở đây, không có nghĩa là Food Connect sẽ bao tiêu tất cả sản phẩm, mà thông qua Food Connect, người tiêu dùng sẽ là đối tượng “bảo trợ” cho chính sản phẩm mà họ sắp dùng, đang trên cánh đồng của người nông dân, thậm chí họ sẵn sàng trả tiền trước để người nông dân yên tâm sản xuất.

Anh cho biết Food Connect mới chỉ triển khai “version 1” trong giai đoạn này, vậy chiến lược dài hạn là gì?

Vì là chiến lược nên tôi xin phép hạn chế chia sẻ. Tính tôi hay quảng giao, có thể nói được hết mọi thứ, tuy nhiên với dự án này tôi chỉ chia sẻ chừng mực (cười). Một phần bởi đơn vị vận hành chính của Food Connect chính là Công ty Cổ phần Food Network. Ở đó có sự điều hành của quỹ đầu tư ngoại. Cá nhân tôi dù là Founder nhưng cũng chỉ tham gia vào một số hoạt động định hướng ban đầu; CEO mới là người quyết định.

Nhưng có thể thấy, chiến lược trong giai đoạn này của Food Connect đó chính là lấy người nông dân làm “gốc”. Bằng mọi giá chúng tôi phải rút ngắn khoảng cách nông thôn – thành thị, phải đưa được cuộc sống, đưa được sản phẩm chất lượng của họ đến gần hơn với người tiêu dùng.

Trở lại chiến lược “con bò đầu đàn”, liệu đây có phải là tư duy đúng cho mọi thành công?

Cũng chưa hẳn như vậy đâu. Bất kể ai khi xây dựng, phát triển tổ chức của mình đều có một chiến lược riêng, phù hợp với tư duy và nội tại của bản thân. Nghe, thấy rồi học hỏi người khác là điều kiện cần chứ không phải là tất cả. Chỉ có mình mới hiểu được điều mà mình mong muốn và định hướng được cho tổ chức của mình trên những điều kiện phù hợp của bản thân.

Anh A có thể chọn lựa chinh phục con bò đầu đàn nếu anh ta đủ bản lĩnh và lòng quyết tâm. Bên cạnh đó, với điều kiện vừa đủ thì anh B cũng có thể lựa chọn con bò giữa đàn, thậm chí là cuối cùng để theo đuổi. Quan trọng là mình đặt ra mục tiêu ra sao, kiên trì thực hiện nó như thế nào và bản thân có thấy hứng thú hay không.

Suy cho cùng, tôi nghĩ sự thành công và niềm hạnh phúc là do chính tự bản thân mình cảm nhận và có thể chủ động lựa chọn con đường để thực hiện. Vì vậy, tôi thấy việc chinh phục con đầu đàn, hay đi thong thả ở cuối đàn thực sự cũng không quá quan trọng. Miễn sao mình thấy phù hợp, thấy thích thú và thoải mái theo đuổi nó một cách bản lĩnh, nhiệt huyết là được.

Nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn và bế tắc vì dịch bệnh Covid-19, anh và các cộng sự đối mặt như thế nào?

Cũng rất khó khăn đó thôi (cười). Từ đầu năm đến nay chúng tôi đã phải cắt giảm hơn 50% các dự án cồng kềnh hoặc thiếu tính thực tế, đặc biệt là trong bối cảnh khẩn cấp này. Đợt giãn cách xã hội đầu tiên, chúng tôi cũng đã phải đóng cửa mảng bán lẻ với nhiều cửa hàng của một công ty thành viên. Kể ra khó khăn thì có muôn vạn điều, nói nhiều cũng không kể hết được. Ai làm kinh doanh chắc thấm nhất, chỉ có thể nói là từ trước đến nay giới doanh nghiệp chưa bao giờ gặp cú sốc lớn như lần này.

Tuy nhiên, nhìn ở một khía cạnh tích cực nào đó, tôi lại thấy Covid-19 là liều thuốc thử đúng nghĩa dành cho tất cả chúng ta, dù cái giá phải trả rất đắt. Cái nào yếu kém chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận để cắt bỏ và làm lại. Nếu không có dịch chưa hẳn nó đã sống ổn, vì thế nếu có lý do bất khả kháng để nhìn lại, sửa chửa rồi “làm lại từ đầu” một cách tốt hơn thì tại sao chúng ta lại không làm? Tôi nghĩ điều quan trọng nhất để tồn tại lúc này là phải đủ dũng cảm thừa nhận và kịp thời hành động quyết liệt trước khi mọi chuyện đã quá muộn.

Cuối cùng tôi nhận thấy rằng, chẳng có điều gì là dễ dàng mà cũng chẳng có sự việc nào là khó khăn hay bế tắc. Tôi tin khi làm bất cứ việc gì chỉ cần cố gắng hết sức, thêm chút may mắn và sự chân thành đúng nghĩa, thì bằng cách này hay cách khác, thành công chắc chắn sẽ đến, chỉ là sớm hay muộn mà thôi!

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Theo Doanh nghiệp & Thời đại