Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Ngành dệt may Trung Quốc bùng nổ sau đại dịch

Trong bối cảnh các trung tâm sản xuất dệt may toàn cầu như Ấn Độ phải vật lộn với cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19, các đơn hàng lại đổ dồn về Trung Quốc.

Tại một nhà máy dệt ở thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, những ngày này các nhân viên đang khẩn trương hoàn thành một đơn hàng khăn trải bàn. Giám đốc doanh nghiệp cho biết, kể từ sau đại dịch, hoạt động kinh doanh đã phục hồi mạnh mẽ nhờ số lượng lớn đơn đặt hàng trên toàn cầu, trong đó có cả đơn hàng từ Zara – nhà bán lẻ hàng may mặc lớn của Tây Ban Nha.

Ông Shu Jiewu – Tổng Giám đốc công ty Henggang Home Textiles nói: “Trước khi chúng tôi nhận được các đơn đặt hàng, giá trị sản xuất của chúng tôi khá nhỏ, khoảng 1 triệu NDT/năm. Giờ đây, con số này vào khoảng 20 hoặc 30 triệu NDT. Ngoài ra, chúng tôi còn đảm nhận thêm 2 nhà máy. Chúng tôi cố gắng làm việc 2 ca trong suốt cả ngày, cố gắng giao đơn hàng đúng hạn”.

Một doanh nghiệp dệt may khác ở thị trấn Thịnh Trạch, thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô cũng đang nỗ lực để hoàn thành các đơn hàng lớn. Doanh nghiệp cho biết, nhiều đơn đặt hàng sản xuất tại Ấn Độ đã được chuyển sang Trung Quốc, trong bối cảnh các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may tại quốc gia Nam Á này không thể đảm bảo hoạt động bình thường do dịch bệnh.

“Kể từ tháng 9, các doanh nghiệp xuất khẩu của chúng tôi về cơ bản đã phục hồi 90%. Doanh số bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử với hoạt động thương mại xuyên biên giới đã phục hồi rất nhanh. Doanh số của các sản phẩm chăn ga gối đệm, đặc biệt là các sản phẩm mới đã tăng 30% trong năm nay”, bà Wang Chunhua – Chủ tịch Tập đoàn Jiangssu Hua Jia nói.

Doanh nghiệp dệt may tại Trung Quốc đang nỗ lực để hoàn thành các đơn hàng lớn. Ảnh minh họa – SCMP.

Dù vậy, nhiều chuyên gia cảnh báo hầu hết xu hướng chuyển dịch đơn hàng dệt may sang Trung Quốc chỉ là một sự điều chỉnh ngắn hạn bởi so với các doanh nghiệp Ấn Độ và các quốc gia khác, doanh nghiệp Trung Quốc không có nhiều lợi thuế về mặt thuế quan hay chi phí sản xuất.

Bên cạnh đó, căng thẳng Mỹ – Trung leo thang, cũng khiến người mua nước ngoài muốn tìm kiếm các nhà cung cấp bên ngoài thị trường Trung Quốc. Do vậy, một khi đại dịch lắng dịu và các nước khác khôi phục năng lực sản xuất, nhiều đơn đặt hàng sẽ nhanh chóng rời khỏi Trung Quốc.

Thanh Hiệp

Theo VTV