Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Netflix, Apple TV và các kênh truyền hình xuyên biên giới thu 1.000 tỷ đồng từ thị trường Việt Nam

Các kênh truyền hình xuyên biên giới đang có nhiều nội dung vi phạm quy định của Việt Nam, nhưng lại chưa chịu sự quản lý chặt chẽ về thuế và pháp luật.

Sáng ngày 10/11, Quốc hội thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn cuối cùng của kỳ họp thứ 10. Tại phiên họp, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề: “Một số doanh nghiệp kinh doanh các kênh truyền hình trả tiền có than phiền là các kênh truyền hình trong nước được quản lý nội dung, kiểm duyệt rất chặt chẽ và các khoản thuế, phí cũng rất chặt chẽ. Tuy nhiên, các kênh truyền hình trả tiền nước ngoài hầu như thả nổi về mặt nội dung, chưa kể các khoản về thuế, phí như Netflix.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, các doanh nghiệp Việt Nam muốn có sự công bằng và đang gặp nhiều khó khăn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây cũng là câu chuyện khá bức xúc, được nhiều người nói là “bảo hộ ngược” khi các doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các quy định về thuế và luật pháp, trong khi các nền tảng xuyên biên giới “không thuế, không luật pháp”.

Bộ trưởng cho biết, về truyền hình trả tiền, Việt Nam có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với 14 triệu thuê bao, doanh thu 1 năm khoảng 9.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng số thuê bao truyền hình trả tiền Internet qua các nền tảng xuyên biên giới hiện nay ví dụ như Netflix, Apple TV, We TV là khoảng 1 triệu thuê bao. Doanh thu ước tính đã tiến dần đến con số khoảng 1.000 tỷ.

Trong quý 1/2020, các doanh nghiệp truyền hình truyền thống bị giảm khoảng 1 triệu thuê bao. Ngược lại, các doanh nghiệp nước ngoài lại có sự tăng trưởng mạnh về số lượng thuê bao khi chưa phải thực hiện các quy định của Việt Nam. “Với Netflix, số lượng thuê bao tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Netflix đúng là có nhiều nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam, như pháp luật về nội dung, báo chí, trẻ em, có nội dung bạo lực, ma túy, khiêu dâm…“, Bộ trưởng cho biết.

Theo Bộ trưởng, các giải pháp cần phải làm sớm, làm nhanh là sửa đổi Nghị định số 06/2016 về quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình trên Internet để quản lý các nền tảng xuyên biên giới. Nghị định này đã được Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo xong, đã trình Chính phủ và đang được xem xét.

Thứ hai, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật trong lĩnh vực thuế, tài chính để gắn trách nhiệm của các nhà mạng qua nền tảng xuyên biên giới. Quy định này đang được Bộ Tài chính chủ trì và Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp.

Hà My

Theo Trí Thức Trẻ