Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Làm gì để kinh tế tư nhân phát triển?

Ít người dám chỉ ra nguyên nhân sâu xa hạn chế sự phát triển của kinh tế tư nhân để qua đó có thể tìm ra giải pháp khả thi.

Phân tích lý do khiến khởi nghiệp thất bại cao, nhiều người thường đưa ra 2 lý do sau:

Thứ nhất là ngành nghề, sản phẩm không phù hợp. Do đa số người khởi nghiệp kinh doanh vẫn còn tư tưởng “bán cái tôi có” chứ không thật sự “bán cái thị trường cần”.

Thứ hai là kỹ năng kém. Đa số doanh nhân khởi nghiệp thiếu kiến thức và kỹ năng về kinh doanh và quản lý dẫn đến cách làm đã nói ở trên. Số khác thì do quản lý kém hiệu quả, chi phí cao, kém cạnh tranh nên hoạt động doanh nghiệp bấp bênh, khó mà có thể phát triển một cách bền vững.

Hầu hết chuyên gia phát biểu tập trung vào 2 nội dung yếu kém trên, tuy nhiên, ít người dám chỉ ra nguyên nhân sâu xa, để qua đó có thể tìm ra giải pháp khả thi.


Ông Đỗ Hòa, CEO Tinh Hoa Quản Trị

Tôi nghĩ có lẽ là không cần chuyên gia khuyên, các doanh nhân ai cũng biết là muốn thành công thì phải “bán cái thị trường cần” và phải biết quản lý doanh nghiệp mình. Nhưng vấn đề là làm việc đó như thế nào? Với sự hạn chế về nguồn lực của một doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thì làm thế nào để họ có thể làm được những việc ấy.

Tôi xin chia sẻ quan điểm, góc nhìn của mình về vấn đề này.

Để bán cái thị trường cần

Để có thể biết thị trường cần gì mà kinh doanh thì người kinh doanh cần phải có thông tin thị trường. Ở các nước, thông tin thống kê về diễn biến kinh tế, cung cầu thị trường, nhân khẩu học, pháp lý, pháp luật về kinh tế, chi tiêu ngân sách nhà nước, các thỏa thuận thương mại … là những nguồn thông tin quan trọng mà ai kinh doanh đều phải tham khảo.

Trong khi thực tế nước mình, thông tin thống kê là có nhưng rất hạn chế, không đầy đủ, đó là chưa kể thông tin đôi khi bị cho là đã có sự can thiệp sai lệch vì mục đích này hay mục đích khác.

Chẳng hạn các chỉ số về tăng trưởng kinh tế, lạm phát đôi khi được đưa ra khá lạc quan nhưng thực tế thì chưa hẳn như vậy. Nếu kinh doanh mà hoạch định theo các nguồn thông tin không đầy đủ và thiếu chính xác thì quá rủi ro.

Còn các thông tin về thương mại quốc tế thì không hiểu vì lý do gì mà thường được giữ rất kín, chỉ được công bố sau khi những người cần biết thì đã biết rồi. Nói chung là thường khá muộn so với quốc gia đối tác ký với mình, như vậy chẳng còn cơ hội để doanh nghiệp trong nước nắm bắt cái thị trường cần.

Thông tin về chi tiêu ngân sách nhà nước là một nguồn tin cực kỳ quan trọng để dự báo thị trường. Ở các nước, chính phủ phân bổ ngân sách cụ thể và công bố công khai việc chi tiêu ngân sách, điều này giúp doanh nghiệp định hướng kinh doanh theo nguyên tắc “thả câu nơi có cá”. Trong khi ở Việt Nam, thông tin về ngân sách, phân bổ, chi tiêu ngân sách khá nhiều trong đó được xem là thông tin mật.

Riêng những thông tin về những thay đổi định hướng chính sách thì phải nói nước mình có công khai minh bạch, ai cũng được biết nội dung các nghị quyết vì báo đài đăng tải rất nhiều các thông tin này. Tuy nhiên, vấn đề là những nội dung ghi trong các nghị quyết so với thực tiễn đi vào cuộc sống là cả một khoảng cách khá xa mà nhiều chuyên gia cũng đã chỉ ra.

Ngoài ra còn rất nhiều thông tin khác cần cho việc hoạch định kinh doanh lại thuộc diện bí mật. Chẳng hạn như về quan hệ ngoại giao, địa chính trị khu vực…

Nâng cao năng lực quản lý

Trước đây do nhà nước cử người nắm hết các tổ chức nghề nghiệp, xã hội nên thay vì thúc đẩy liên kết làm ăn, hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, các tổ chức này chỉ tập trung vào mục tiêu tuyên truyền phổ biến chính sách và hoạt động từ thiện.

Hiện nay, với sự cởi mở hơn nên nhiều tổ chức tự nguyện xã hội khác đã tham gia vào việc này. Tuy nhiên, do đi sau nên năng lực quản lý của doanh nghiệp trong nước so với khu vực và quốc tế vẫn còn một khoảng cách lớn.

Một phần vì môi trường trong nước chưa thật sự thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lực quản lý theo các chuẩn mực của quốc tế.

Sự thành công của nhiều doanh nghiệp vẫn phụ thuộc vào các quan hệ cá nhân, liên kết lợi ích nhóm và khả năng lách luật, đối phó với luật hơn là phát triển lành mạnh nhờ năng lực chuyên môn và sáng tạo cao, hoạt động trong phạm vi luật pháp cho phép.

Hệ quả là chúng ta có những doanh nghiệp làm ăn giỏi ở trong nước nhưng không thể phát huy khi ra nước ngoài.

Muốn các doanh nghiệp chịu đầu tư nâng cao năng lực quản lý, tạo dựng được năng lực cạnh tranh có thể phát huy được bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhà nước cần tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh ở trong nước.

Việc này cũng giống như trong lĩnh vực thể thao mà chúng ta đã chứng kiến. Nếu cứ để cho cầu thủ đá xấu, bán độ và mua chuộc trọng tài, sẽ không bao giờ có những đội bóng có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng và tư duy chiến thuật ở đẳng cấp cao.

Nói tóm lại là để phát triển kinh tế tư nhân, để doanh nghiệp nhỏ có thể phát triển lớn mạnh, Chính phủ cần phải thể hiện vai trò kiến tạo rõ nét, cụ thể hơn nữa. Chính phủ phải kiến tạo theo hướng vừa hỗ trợ cần câu, giúp họ tìm kiếm, xác định cơ hội kinh doanh như tôi đã nói ở trên, lại vừa khuyến khích các doanh nghiệp lớn “chơi đẹp” trên sân nhà, để họ xây dựng năng lực cạnh tranh về mặt chuyên môn và sáng tạo, phù hợp với luật chơi của thị trường quốc tế.

Qua đó cũng để các doanh nghiệp nhỏ, những doanh nghiệp có năng lực chuyên môn và năng lực sáng tạo cao có cơ hội thâm nhập thị trường và phát triển. Không để xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp “lấy thịt đè người”, kinh doanh ngoài vòng pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh, tình trạng liên kết để loại bỏ cạnh tranh và bảo vệ lợi ích nhóm như đã xảy ra trong thời gian qua.

Tôi nghĩ nếu chỉ bỏ ra một ít tiền để tổ chức một vài chương trình xúc tiến thương mại, hay tài trợ vốn cho một vài thương hiệu thì sẽ chẳng đi đến đâu cả.

Theo The Leader