Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Khoa học làm giàu: Cuốn sách lưu thông dòng chảy của tư duy

Làm giàu bằng kiến thức của mình là cách làm tự nhiên và hợp lý. Vì thế, khoa học làm giàu sẽ là kiến thức quan trọng nhất mà mọi người cần được trang bị trong thời đại không ngừng phát triển.

Tác giả: Wallace D. Wattles

Tên sách: Khoa học làm giàu

Khoa học làm giàu: Cuốn sách lưu thông dòng chảy của tư duy

Đôi khi chúng ta sẽ tự hỏi: “Tại sao phải giàu có?”. Một vài người cho rằng chúng ta nên bớt chi tiêu, chấp nhận một lối sống vừa phải. Nghĩ như thế không có gì sai, nhưng đi ngược lại bản chất của con người vì chúng ta sống là phải có khát vọng.

Khát vọng là cỗ mày điều khiển thế giới. Sự nghèo túng sẽ tạo ra một hố sâu đau khổ ngăn cách giữa cái khát vọng và khả năng vươn tới khát vọng đó. Bản chất của cuộc sống là sinh sôi và phát triển. Vì vậy, chống lại nhu cầu được sống sung túc là đi ngược lại với quy luật của tự nhiên.

Chúng ta phải chấp nhận một sự thật rằng chúng ta không thể cầu tiến nếu cứ phải đấu tranh cho những nhu cầu sống cơ bản. Wattles nói, “Đức hạnh và sự cao thượng chỉ dành cho những ai nằm ngoài cuộc chiến cơm áo gạo tiền”. Bạn sẽ không thể theo đuổi thú vui hay trau dồi kiến thức nếu bạn không có tiền mua nổi một cuốn sách hoặc không có thời gian rãng đọc nó.

Khi bạn có đủ khả năng làm đẹp, bạn sẽ thấy dễ dàng hơn nhiều để có cái nhìn tích cực với cuộc sống này. Quan trọng không kém, Wattles chỉ ra rằng con người sống có ý nghĩa hơn khi có tình yêu, và thật khó có cơ hội yêu ai khi bản thân mình còn không nuôi nổi mình.

Chúng ta biết rằng vật chất và tinh thần có thể song hành với nhau. Về điều này, chúng ta phải cảm ơn những người tiên phong trong cuộc cách mạng thay đổi nhận thức về khát vọng làm giàu. Họ đã đập tan nhận thức sai lầm về giàu-nghèo. Của cải vật chất không có gì là xấu vì chúng là nhu cầu chính đáng của con người.

Nội dung cuốn sách:

“Khơi thông dòng chảy” là tất cả những ý tưởng cần nắm bắt trong những trang đầu của cuốn sách. Của cải bắt nguồn từ đâu? Tất cả những nhà tư tưởng lớn trên thế giới đều cho rằng của cải bắt nguồn từ trong suy nghĩ chứ không phải vật chất.

Theo Napoleon Hill, ông diễn tả điều này là trí thông minh vô tận, Deepal Chopra thì gọi là cánh đồng tiềm năng thuần túy. Còn tác giả và Catherine Ponder đều dùng từ chất để diễn tả tất cả nguồn gốc chất liệu vô hình

Liệu sự thịnh vượng có suất hiện từ cái hư vô không? Hãy tìm câu trả lời từ nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison: “Những ý tưởng đều đến từ không trung. Điều này nghe có vẻ kỳ quặc và vô lý nhưng đấy là sự thật. Mọi tư tưởng đều có nguồn gốc từ vũ trụ này”.

Nếu bạn chấp nhận mọi thứ đều bắt nguồn từ dạng phi vật chất, bạn sẽ thấy cách sống và làm việc của mình khác với những người cho rằng vật chất là nền tảng của vạn vật. Cái hiện hữu cơ bản sẽ bị triệt tiêu để tạo ra cơ sở cho việc đưa ra quyết định bởi vì sự hiểu biết cơ bản của bạn sẽ là vũ trụ vô vàn và không ngừng thay đổi.

Như cách Wattles diễn tả trừu tượng hơn, “Nghĩ tới sức khỏe khi đang bị bệnh tật và nghĩ tới sự giàu có khi đang trong cơn túng quẫn đòi hỏi phải có sức mạnh. Người nào có được sức mạnh này sẽ trở thành bậc thầy của tâm hồn vì anh ta có thể chinh phục số phận và đạt được bất cứ điều gì người đó muốn”.

Bí mật của sự phát triển

Thiên nhiên luôn tìm cách để bộc lộ và không ngừng sinh sôi, đây là sự thật của vũ trụ. Thật bình thường nếu bạn luôn muốn có hơn cái mình đang có, và niềm khao khát làm giàu phải được hiểu là điều tất yếu trong quy luật sinh trưởng cũng như phát triển.

Tuy nhiên, Wattles cũng lưu ý về thái độ làm giàu. Những gì bạn mong mỏi phải phù hợp với quy luật vũ trụ. Nó phải giúp bạn hoàn thiện, chứ không phải làm giàu để vui chơi, giải trí đơn thuần. Đừng khát vọng làm giàu chỉ để ăn chơi hưởng thụ, vì đó chỉ là sự thỏa mãn của bản năng và đó không phải là cuộc sống đích thực.

Mong muốn giàu có của bạn là để theo đuổi những đam mê và phát triển tư duy, để làm cho bản thân đẹp hơn cũng như để làm những việc có ý nghĩa.

Cốt lõi của sự cạnh tranh là sáng tạo

Quan niệm của cạnh tanh không phải là mặc cả bớt một thêm hai hay có ý nghĩa phải cố lấy mọi thứ của người khác. Khái niệm cạnh tranh làm cho ta lầm tưởng chỉ có một cái bánh chia cho tất cả mọi người. Trong khi đó, tạo hóa lại cho ta nguồn của cải vô tận. Cái bạn cần là phải sáng tạo hơn chứ không phải cạnh tranh.

Tuy nhiên, còn những người làm giàu trên những mảnh đất chứa đầy sự cạnh tranh thì thế nào? Wattles ví họ như những chú khủng long thời tiền sử, chúng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa nhưng luôn bị hạ gục bởi tất yếu của sự cạnh tranh dồn chúng vào sự hủy diệt.

Thay vào đó, người ta sẽ không thể phỗng tay trên của bạn nếu bạn tạo được cái độc đáo ngoài sức tưởng tượng. Khả năng tư duy, kỹ năng và kinh nghiệm sẽ giúp bạn làm nên cái độc đáo của riêng mình, ngay cả những thế lực lớn mạnh cũng khó đánh bật bạn ra khỏi con đường làm giàu của riêng mình.

Hãy biết ơn cái mà bạn đang có

Nhiều người thừa nhận rằng cách tốt nhất để đạt được điều gì đó tỏ ra biết ơn cái mà bạn đang có. Tạo hóa luôn ban thưởng cho những ai ý thức được và biết ơn trước sự dồi dào của cải ở hiện tại. Ngay cả khi của cải chưa về thì bạn cũng có thể thay thế những ý nghĩ tiêu cực thành tích cực và lâu dài, điều này sẽ khiến bạn hạnh phúc.

Wattles cũng lưu ý với bạn rằng không nên tốn thời giờ ngồi than thở sự đời, chống đối những người giàu có hay chính trị gia. Những người này là một phần của thế giới. Hành động của họ là động lực cho bạn vươn tới sự thành công và sự bình yên. Thay vì chỉ trích, hãy tỏ ra biết ơn họ.

Ngoài ra, đừng bao giờ nhắc lại những thất bại tài chính đã qua. Wattles khuyên bạn, “Nếu muốn trở nên giàu có, không được dành nhiều thời gian nghĩ đến sự nghèo túng”. Đừng quan tâm cái nghèo đến từ đâu và làm sao để chống chọi với nó.

Ngay cả nếu có quan tâm đến những khu ổ chuột xập xệ hay nạn đói ở những quốc gia Châu Phi, Wattles khuyên bạn nên định hướng suy nghĩ làm cách nào để làm những nơi ấy khấm khá lên. Người nghèo cần tiếp thêm sức mạnh vượt khó nhiều hơn chỉ nhận hàng cứu trợ. Vì vậy, bạn cần hướng dẫn họ để thoát nghèo, không nên cố chống đỡ với đói nghèo.

Đinh Lộc/Trí thức trẻ