Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh

Theo ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), dịch Covid-19 gây thiệt hại khác nhau tùy theo ngành nghề và doanh nghiệp một số lĩnh vực đã nhanh nhạy thích ứng, biến thách thức thành cơ hội. Tuy nhiên, số doanh nghiệp này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.

2% doanh nghiệp tin tưởng cầm cự được đến cuối năm

Tại tọa đàm trực tuyến “Khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM” do UBND TP.HCM vừa tổ chức, ông Chu Tiến Dũng cho biết, trước tác động của dịch Covid-19, chỉ 2% doanh nghiệp (DN) tin tưởng cầm cự được đến cuối năm.

DN trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, lưu trú, vận tải, giáo dục, trung tâm thương mại và nhóm ngành nghề kinh doanh trọng điểm của thành phố như cơ khí, điện, cao su, nhựa, công nghiệp hỗ trợ, đồ gỗ, dệt may, da giày… cả quy mô lớn, vừa, nhỏ, siêu nhỏ đều trong tình trạng đã cạn kiệt các nguồn lực kinh doanh, thiếu nguyên liệu đầu vào sản xuất, xuất khẩu bị đình trệ, giảm đơn hàng, chậm thanh toán, dòng tiền kinh doanh bị bẻ gẫy, nguy cơ mất tính thanh khoản cao, sản xuất bị thu hẹp, người lao động phải ngừng việc ngày càng cao và trên quy mô rộng.

Theo khảo sát của HUBA đối với các DN hội viên, 21% DN tiếp tục cầm cự được đến hết tháng 5, 12% DN tiếp tục duy trì đến hết tháng 6, 12% DN có khả năng duy trì đến hết tháng 9. Ngoài ra, 19% sẽ phá sản trong quý II, 34% số DN không xác định được tồn tại đến khi nào.

TP.HCM chịu tác động mạnh của Covid-19, GRDP quý I/2020 tăng thấp hơn nhiều so với suy thoái toàn cầu năm 2008. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố GRDP quý I/2020 ước đạt 335.682 tỷ đồng, tăng 0,42% so năm trước (cùng kỳ tăng 7,64%). Nhìn chung, mức tăng trưởng của các khu vực, các ngành kinh tế đều thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước. Ông Chu Tiến Dũng dự báo sang quý II/2020, tình hình suy giảm sẽ nghiêm trọng hơn, số lượng DN phải ngừng sản xuất, phá sản có nguy cơ tăng cao.

Hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng, liên kết nội địa

Để hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, phát triển kinh doanh, Chủ tịch HUBA đã đề xuất các giải pháp, kiến nghị tập trung một số hoạt động hỗ trợ DN. Cụ thể, chính quyền đồng hành cùng DN ổn định thị trường, tiếp cận thị trường mới, tái cấu trúc thị trường, mở rộng thị trường nội địa, chuẩn bị sẵn sàng cho xuất khẩu vào các thị trường ngoại khi các nước nới lỏng giãn cách xã hội. Từng bước nới lỏng cách ly xã hội, nhanh chóng phục hồi môi trường sản xuất kinh doanh trong nước bình thường, khai thông khâu vận chuyển lưu thông hàng hóa, đặc biệt là tại cảng.

Cùng với đó, triển khai nhanh các dự án đầu tư công, có thêm tiêu chí ưu tiên cho DN trong nước tham gia đấu thầu, xét chọn nhà thầu đối với các dự án đầu tư công…

Đối với DN tham gia các lĩnh vực sản phẩm mới, đặc biệt là sản phẩm phục vụ phòng chống dịch, các cấp các ngành tập trung giải quyết nhanh các thủ tục xác nhận điều kiện hợp quy sản phẩm, giải quyết nhanh các thủ tục để xuất khẩu sang các nước có nhu cầu (khẩu trang, bảo hộ y tế, máy thở…)

Tổ chức nhiều chương trình kết nối cung cầu, kết nối DN (B2B), kết nối sản xuất với các kênh tiêu thụ truyền thống, hiện đại. Cho phép các hiệp hội DN cũng được tổ chức chương trình riêng (Thành phố hỗ trợ kinh phí) để chia sẻ sự quá tải của các sở, ngành và tăng thêm hiệu quả xúc tiến thương mại của Thành phố. Có cơ chế hỗ trợ DN tiếp nhận chuyên gia nước ngoài đến làm việc để chuẩn bị cho các dự án, đơn hàng sản xuất, xuất khẩu khi điều kiện thông thương mở cửa.

Ông Chu Tiến Dũng cũng kiến nghị, Thành phố hỗ trợ DN hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng, liên kết nội địa: chuyển đổi nguồn cung cấp nguyên liệu, hỗ trợ các DN đầu tư tăng mạnh quy mô các nhà máy chế biến nông sản thay cho xuất khẩu thô nông sản và các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước. Trong đó, chú trọng chuẩn bị cơ sở hạ tầng giúp đẩy nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng cũng như chuẩn bị đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ nước khác sang Việt Nam do dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Thành phố cũng tiếp tục kiến nghị Chính phủ kéo giãn thời hạn nộp thuế, chuyển nợ thuế sang năm 2021 và các năm tiếp theo, tùy thuộc vào tình hình phục hồi kinh tế và sức khỏe của DN. Đồng thời, giảm thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng. Ngân hàng cần ưu tiên cho vay đủ vốn và tạo thuận lợi cung cấp vốn cho các DN có dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, sản phẩm, thị trường.

Gói chính sách đồng hành hỗ trợ DN vực dậy sản xuất thì ngân hàng cần sớm thẩm định trả lời cho DN được vay hay không với các điều kiện đảm bảo an toàn cho vay, khả năng trả nợ. Trên cơ sở đó đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn để DN nhanh chóng phục hồi sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, chuyển đổi công nghệ…

Các chính sách hỗ trợ cho vay cần phù hợp với từng đối tượng DN theo ngành nghề kinh doanh, quy mô sản xuất của DN, không nên đánh đồng các loại hình DN, các ngành nghề. Đối với các DN nhỏ, siêu nhỏ rất cần có sự bảo trợ, bảo lãnh vay vốn từ quỹ bảo lãnh tín dụng của nhà nước.

Theo DNSG