Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Hàng trăm tài xế Grab tập trung, phản đối tăng chiết khấu thuế VAT

Rất nhiều tài xế xe ôm công nghệ đã tập trung về văn phòng đại diện của GrabBike (ngõ 78 phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để phản đối việc đơn vị này tăng chiết khấu thuế VAT lên đối tác tài xế.

Theo ghi nhận của PV, ngày 7.12, tại khu vực trước trụ sở GrabBike (ngõ 78 phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội), rất đông tài xế đã tập trung để phản đối việc đơn vị này tăng chiết khấu thuế VAT lên đối tác tài xế.

Do lượng tài xế đổ về quá đông khiến giao thông gặp nhiều khó khăn, Công an quận Cầu Giấy đã cử lực lượng ra nhắc nhở để đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.

Một tài xế bức xúc khi cước phí cho mỗi chuyến đi bị trừ quá nhiều.

Chia sẻ với PV, một tài xế tến Hiếu, có kinh nghiệm 3 năm chạy xe Grab, cho biết: “Chúng tôi là những người lao động lấy công làm lời chứ có đối tác gì đâu. Họ cứ cho là đối tác, người làm kinh doanh rồi thu 10% doanh thu, chúng tôi thấy không phù hợp với thực tế. Thu thuế như vậy, thà tôi đi làm công nhân để nhận đủ lương, khỏi phải đóng 10% trên số tiền lương mình được nhận. Thú thật, do cuộc sống khổ quá nên mới đi chạy xe ôm, chứ có ai muốn làm đâu”.

Số lượng tài xế đến đây ngày một đông, tất cả đều tắt app, mong muốn được làm việc với đơn vị chủ quản.

Còn tài xế Nguyễn Đình Triệu (ba năm làm cho Grab) cho rằng, việc tài xế bị thu thuế VAT là không hợp lý. Theo anh Triệu, Grab đã có thông báo là tăng giá cước đối với mỗi chuyến xe nhưng trên thực tế thì không hề tăng mà vẫn bị trừ chiết khấu. Thậm chí, anh Triệu cho rằng có những cuốc xe giá còn giảm hơn trước.

Còn tài xế Phan Mậu Nam – một tài xế có ba năm “lăn lộn” với nghề này – cho rằng, Grab nên tách bạch VAT và giá cước. “Phía Grab nên cộng VAT sau khi đã tính cước để minh bạch và rõ ràng hơn”, tài xế này nhấn mạnh.

Tại đây, nhiều tài xế GrabBike đều cho rằng, nếu Grab muốn thu các khoản phí thì phải rõ ràng, minh bạch.

Cơ quan chức năng đã có mặt tại hiện trường để đảm bảo an ninh, trật tự.

Đại diện truyền thông Grab cho hay, đã nắm được thông tin tài xế tập trung phản đối chính sách tăng thuế ở Hà Nội. Phía Grab đã cắt cử người để nói chuyện và giải thích cho tài xế.

Theo đại diện phía Grab, đơn vị đang cố gắng giải thích cho tài xế hiểu, đây là quy định của nhà nước chứ Grab không tự ý tăng như vậy.

Trước đó, theo Nghị định 126 hướng dẫn Luật Quản lý thuế, từ ngày 5.12.2020, mức thuế GTGT với xe công nghệ sẽ là 10% trên doanh thu. Theo quy định này, nếu thuế GTGT với xe công nghệ tăng từ 3% lên 10% trên doanh thu và cước vận tải giữ nguyên, thu nhập của tài xế sẽ giảm 8%. Ví dụ, một chuyến xe có cước phí 100.000 đồng thì tài xế nhận về khoản doanh thu 76.400 đồng (sau khi trừ thuế và phí dịch vụ kết nối). Với quy định tại Nghị định 126, tài xế sẽ chỉ còn nhận được 70.800 đồng.

Một số hình ảnh PV Lao Động ghi nhận được:

Nhiều tài xế phải ăn bánh mỳ để đòi lại quyền lợi cho mình.
Nhiều tài xế cho rằng họ kí hợp đồng với công ty Grab khi đó trong hợp đồng có nêu rõ chiết khấu thuế giá trị gia tăng là 20%. Tuy nhiên vào ngày 5.12 vừa qua, công ty thông báo sẽ thu chiết khấu 30%/cuốc xe.
Với việc tăng chiết khấu như vậy, nhiều tài xế cho rằng đang làm không công. Công sức họ bỏ ra không được trả xứng đáng.
Nhiều tài xế xe ôm công nghệ Grab đã tập trung tại trụ sở của hãng để phản đối mức điều chỉnh tăng khấu trừ và tăng giá cước cơ bản của hãng.

Theo Báo Lao Động