Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Giảm thuế thu nhập, tiếp sức doanh nghiệp trong tình hình mới

Chính phủ đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; đồng thời chưa áp dụng lương cơ sở theo đúng lộ trình…

Báo cáo Quốc hội tại ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV (ngày 20/5), Thủ tướng Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới.

Hai trong số các đề xuất của Chính phủ có ý nghĩa hết sức quan trọng mà cộng đồng doanh nghiệp đang mong đợi nhằm được tiếp thêm sức mạnh vượt khó khăn trong quá trình tái khởi động nền kinh tế, thiết lập bình thường mới, là:

Thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Quốc hội miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách đối với lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19, bao gồm cả việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Việc giảm bớt nghĩa vụ thuế trong ngắn hạn cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ gây áp lực lên cân đối ngân sách Nhà nước, song trong khó khăn bởi đại dịch và đặc biệt về dài hạn, sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp này tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh…..

Đây là một trong những nội dung thuộc Dự thảo Nghị quyết về một số chính sách thuế TNDN nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ mà Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp này. Theo kiến nghị của Bộ Tài chính trong chi tiết Dự thảo Nghị quyết, dự kiến thuế suất với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ từ 15-17%, tùy thuộc vào quy mô doanh thu và số lượng lao động của doanh nghiệp; đồng thời, cho phép miễn thuế TNDN trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh.

Bộ Tài chính cũng đề xuất Chính phủ trình Quốc hội thời gian thực hiện chính sách miễn giảm thuế TNDN cho cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ từ ngày 01/7/2020 thay vì ngày 01/02/2021.

Nếu được Quốc hội thông qua, đề xuất này sẽ là một trong những giải pháp hỗ trợ thiết thực nhằm chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là đối với những đơn vị bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-10 và đặc biệt tiếp sức cho cả doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong chặng đường hậu dịch.

Với việc miễn giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ như Dự thảo, dự kiến sẽ có khoảng 700.000 doanh nghiệp, chiếm khoảng 93% tổng số doanh nghiệp trong cả nước, được hưởng lợi. Ước tính ngân sách Nhà nước sẽ giảm thu mỗi năm khoảng 15,5 nghìn tỷ đồng nhưng khi doanh nghiệp phát triển, sẽ được tăng thu bù và quan trọng hơn là góp sức cho động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Thứ hai, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu, từ ngày 1/7. Điều này sẽ góp phần chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và Chính phủ có thêm nguồn lực cho mục tiêu cấp bách khác.

Báo cáo tại Quốc hội, Thủ tướng nhấn mạnh: “Càng trong điều kiện khó khăn, chúng ta càng phải thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là người có công, người nghèo, người mất việc làm, người yếu thế, không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau”.

Theo đó, việc đề xuất chưa tăng mức lương cơ sở – Mức lương làm căn cứ tính đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN… đồng thời là cơ sở để tính thang lương, bảng lương và các khoản phụ cấp – sẽ giúp nhiều đối tượng giữ nguyên nguồn thu nhập hiện hữu, không phải tăng trích đóng chi phí, hoạt động phí, sinh hoạt theo quy định của pháp luật. 

Chính phủ hiện vẫn đang thực hiện hiệu quả các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, chống trục lợi chính sách, xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời tập trung giải quyết việc làm, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại người lao động, đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động.

Theo Enternews.vn