Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

“Game M&A” Vinamilk – Sữa Mộc Châu sắp đến hồi kết

Theo nguồn tin của VnEconomy, Bộ Công Thương đã chính thức xác nhận “cuộc hôn nhân” này không vi phạm Luật Cạnh tranh năm 2018 về tập trung kinh tế…

“Cuộc hôn nhân” trong ngành sữa này tốn nhiều giấy mực của truyền thông, song phần cuối gay cấn nhất đã đến. Bộ Công Thương đã chính thức xác nhận “cuộc hôn nhân” này không vi phạm Luật Cạnh tranh năm 2018 về tập trung kinh tế. Vinamilk và Sữa Mộc Châu đang đường rộng thanh thang “về chung một nhà”.

Bộ Công Thương đồng ý

Theo nguồn tin của VnEconomy, Bộ Công Thương đã có văn về sự tập trung kinh tế khi Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) khi mua cổ phần Công ty cổ phần GTNfoods (mã GTN).

Được biết, Vinamilk đã có văn bản xin ý kiến Bộ Công Thương về thương vụ sáp nhập này tránh trường hợp lùm xùm như vụ Grab mua Uber Đông Nam Á vừa qua.

Theo Bộ Công Thương, Vinamilk mua trên 50% cổ phần của Công ty cổ phần GTNfoods thông qua đó kiểm soát Công ty giống bò sữa Mộc Châu là hình thức tập trung kinh tế mua lại doanh nghiệp theo khoản 4, Điều 29, Luật Cạnh tranh năm 2018.

“Việc tập trung kinh tế giữa Vinamilk và GTNfoods không bị cấm theo quy định tại Điều 30 Luật cạnh tranh. Đây là sự tập trung kinh tế có điều kiện theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 41 Luật Cạnh tranh 2018”, Bộ Công Thương cho hay.

Ngoài ra, Bộ này nhấn mạnh doanh nghiệp sau khi tập trung kinh tế phải thực hiện kế hoạch mở rộng và phát triển vùng chăn nuôi bò sữa tại huyện Mộc Châu (Sơn La) và các vùng lân cận, hỗ trợ kỹ thuật và bảo đảm đầu ra bán sản phẩm sữa tươi cho các hộ nông dân chăn nuôi bò sữa.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu Vinamilk sau khi sáp nhập không được lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường và thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo khoản 1, Điều 27 và 12 của Luật Cạnh tranh năm 2018.

Doanh nghiệp sau khi tập trung kinh tế cũng cần có báo cáo với Bộ Công Thương khi có việc tăng giá sản phẩm như sữa nước và sữa chua, tính hợp lý của việc tăng giá.

Như vậy, bộ ngành quản lý đã chính thức chấp nhận cho GTNfoods và Vinamilk “về chung một nhà”.

Những chuyển động trên sàn

Về phía GTNfoods, cổ đông lớn thứ 2 là Công ty Invest Đại Tây Dương đã đăng ký bán 41,3 triệu cổ phiếu GTN trong tổng số 71,3 triệu cổ phiếu đang nắm giữ. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thoả thuận, khớp lệnh, hoặc các giao dịch khác phù hợp với quy định của pháp luật. Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch từ 8/11 đến 7/12/2019. Với giá tối thiểu trên sàn chứng khoán hiện tại, Invest Đại Tây Dương có thể thu về 900 tỷ đồng từ việc bán lô cổ phiếu trên. Song sở hữu của công ty cũng sẽ giảm tương ứng từ 28,52% về 12%.

Dù Invest Đại Tây Dương nói rằng động thái bán này để cơ cấu danh mục, song theo giới thạo tin trên thị trường đây chính là động thái ngầm báo hiệu chấp nhận “về chung một nhà” với Vinamilk của những lãnh đạo đứng đầu GTNfoods hiện tại.

Giá cổ phiếu GTN đã tăng mạnh từ đầu năm tới nay.

Trên sàn cổ phiếu GTN đang giao dịch ở mốc quanh 22.000 đồng/cổ phiếu, tăng tới hơn 100% từ đầu năm tới nay. Đặc biệt, sau khi Vinamilk chào mua công khai GTN thì cổ phiếu này tăng mạnh liên tục.

Về phía Vinamilk, tuần trước, một cổ đông ngoại của GTNfoods là Hanil Feed đã bán ra khoảng 8 triệu cổ phiếu khớp lệnh trên sàn, với giá khoảng 20.000 đồng/cổ phiếu. Dù lượng bán ra lớn nhưng cầu nội “rất khoẻ”, toàn bộ số cổ phiếu trên đã được sang tay. Nhiều khả năng Vinamilk đã mua số cổ phiếu trên của Hanil để gia tăng tỷ lệ ở GTN.

Trước đó, loạt các cổ đông của GTNfoods đã đồng loạt bán ra cổ phiếu như Đầu tư BBZ bán 17,5 triệu đơn vị, Tae Two Partner bán 55 triệu cổ phiếu, Chứng khoán HSC bán 20 triệu và quỹ Penn IV Germany GMBH &Co. KG bán 15 triệu cổ phiếu. Cùng thời gian đó, VNM đã nâng sở hữu lên 40,68% tại GTN.

Nếu như mua Vinamilk mua vào lượng cổ phiếu của Hanil và Invest Đại Tây Dương thì Vinamilk có thể nâng sở hữu lên khoảng 58% và nắm quyền chi phối GTNfoods cũng như Sữa Mộc Châu.

Mảnh ghép cuối để Vinamilk chinh phục thị trường Trung Quốc

Theo báo cáo tài chính quý 3/2019, GTNfoods đạt doanh thu 834 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Giá vốn của công ty tăng thấp hơn do đó, biên lợi nhuận gộp đạt 15%. Do tăng mạnh chi phí bán hàng, quảng bá sản phẩm, doanh thu tài chính giảm do đó lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt 22,3 tỷ đồng, giảm 3,9% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 9 tháng năm 2019, GTNfoods đạt doanh thu thuần 2.270 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế khoảng 64 tỷ đồng, giảm 44,5% so với cùng kỳ. GTNfoods cũng chưa đạt so với kế hoạch năm.

Tính đến hết quý 3/2019 tổng tài sản công ty đạt 4.775 tỷ đồng, tăng 46 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Hàng tồn kho giảm 94 tỷ đồng, xuống còn 316 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả gần 978 tỷ đồng, trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 38 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn hơn 2 tỷ đồng.

Dù vậy, GTNfoods vẫn có sức hút đặc biệt với Vinamilk. Giá trị tài sản lớn nhất của GTNfoods đó là sở hữu chi phối Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea), Sữa Mộc Châu và thương hiệu rượu vang Ladofoods. Sau quá trình tái cơ cấu, GTN thâu tóm Vilico đã dành nhiều tâm sức và tài chính để đầu tư cho Sữa Mộc Châu, nâng tầm thương hiệu này.

Đặc biệt, Sữa Mộc Châu có nhiều cơ hội xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc với khoảng cách địa lý gần, chất lượng sữa tươi đảm bảo. Hiện tại Sữa Mộc Châu đang hoàn thành các thủ tục đăng ký xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc với sản lượng trước mắt dự kiến từ 15-20 nghìn tấn sữa/năm.

GTNfoods chính là mảnh ghép cuối để Vinamilk nhắm đến thị trường Trung Quốc. Đó chính là lý do Vinamilk bằng mọi cách thâu tóm GTNfoods, để sở hữu Sữa Mộc Châu.

Theo Bạch Huệ

VnEconomy