Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Đánh mất cơ hội thu lời từ các startup tỷ đô?

Việt Nam đang bỏ lỡ cơ hội đầu tư và thu lời từ các startup tỷ đô vì đa phần startup Việt Nam đang được các quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài tài trợ vốn.

Mặc dù thị trường vốn đầu tư từ Việt Nam cho chính các công ty startup Việt Nam ở thời điểm hiện tại vẫn còn rất hạn chế, tiềm năng phát triển của các startup Việt Nam ngày càng được minh chứng nhiều hơn thông qua gần 100 thương vụ đầu tư lớn nhỏ mỗi năm từ các quỹ đầu tư lớn trong khu vực và trên thế giới trong vòng 2 năm trở lại đây.

Thiệt thòi đi kèm

Thực tế, thị trường Việt Nam trong 3 năm trở lại đây đã và đang là một thị trường giàu tiềm năng được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Năm 2016, cả Việt Nam có 50 thương vụ đầu tư vào các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, với tổng giá trị lên tới 205 triệu USD, phần lớn nguồn vốn đầu tư này đến từ các quỹ đầu tư và các nhà đầu tư nước ngoài.

Tới năm 2017, với 92 thương vụ đầu tư, tổng số tiền đầu tư cho thị trường đầu tư mạo hiểm đã tăng lên 291 triệu USD, và 84% số vốn đầu tư đó là đến từ các quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài.

Năm 2018, cùng con số 92 thương vụ đầu tư nhưng giá trị đầu tư đã đạt 889 triệu USD, tương đương gấp 3 lần so với năm 2017.

Tuy không có thống kê chính xác về số thương vụ được đầu tư bởi các quỹ đầu tư trong nước, nhưng nếu không tính đến các thương vụ mua đi bán lại của các công ty, ước tính tỷ lệ nguồn vốn đầu tư đến từ các quỹ đầu tư nước ngoài cũng xấp xỉ 80% như năm 2017.

Tuy nhiên, nhìn vào con số này, bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley, cho rằng Việt Nam đang bỏ lỡ cơ hội đầu tư phát triển công nghệ vì đa phần startup Việt Nam đang được các quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài tài trợ vốn.

Chưa tính tới yếu tố lợi nhuận, bà Lê Anh lo ngại điều này đã dẫn tới những thiệt khòi khác như quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đều có mạng lưới hoạt động riêng nên nhà đầu tư trong nước không có nhiều cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và học hỏi từ họ. Quỹ đầu tư nước ngoài cũng không có động lực cho việc phải hợp tác với Việt Nam, ngoài đối tượng duy nhất họ quan tâm là các công ty startup nhìn thấy tiềm năng phát triển.

Các quỹ đầu tư nước ngoài đầu tư vào các công ty Việt Nam, sau khi họ thoái vốn và thu lời, mặc dù Việt Nam có thể nói là có startup tỷ đô nhưng nhà đầu tư trong nước không ai được hưởng và những thương vụ thoái vốn này cũng không đóng góp vào sự phát triển GDP của Việt Nam.

Một số startup lớn ở Việt Nam mặc dù sáng lập viên là người Việt Nam, được sáng lập ở Việt Nam, nhưng không ít trong số đó thực chất đều là các DN con có công ty mẹ đặt ở Singapore. Không có startup nào ở Việt Nam khi thành lập ra đã mở bên Singapore nhưng trong quá trình phát triển và cần gọi vốn, họ không có đối trọng nào ở Việt Nam để đàm phán với các quỹ đầu tư nước ngoài, nên nhà đầu tư có thể dễ dàng yêu cầu họ thành lập lại DN ở Singapore. Sau cùng, Việt Nam lại không có quyền sở hữu gì với các DN này.

Đa phần startup Việt Nam đang được các quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài tài trợ vốn

Cần thị trường vốn cho khởi nghiệp

Bà Lê Anh đề xuất 2 vấn đề lớn với Chính phủ: sớm soạn thảo và ban hành Luật Đầu tư mạo hiểm và Thí điểm đầu tư vốn mồi vào các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước để kêu gọi đồng đầu tư từ nước ngoài vào các công ty khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam.

Nếu Việt Nam muốn tập trung phát triển startup để làm đòn bẩy kinh tế, Chính phủ cần tham gia đầu tư trực tiếp để kích thích tăng trưởng về số lượng và chất lượng startup, đặc biệt là giai đoạn đầu. Việt Nam đang thiếu nhà đầu tư ở giai đoạn vốn gieo mầm từ 10.000 – 500.000 USD trong khi gần như toàn bộ startup ở Việt Nam đều nằm ở giai đoạn này. Một khi các startup đã phát triển vượt qua ngưỡng 0,5 triệu USD có thể dễ dàng hơn trong việc gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần đóng vai trò thu hút khối tư nhân cùng đầu tư vào thị trường startup, như vậy sẽ thu hút không chỉ startup và nhà đầu tư tư nhân ở Việt Nam mà còn cả trong khu vực và trên thế giới.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, nên sớm có thị trường vốn riêng dành cho hoạt động khởi nghiệp. Hiện, các chính sách liên quan đến khởi nghiệp của Việt Nam vẫn còn đang mới và thiếu. Do vậy, Việt Nam cần sớm có hành lang pháp lý để loại hình “cho vay ngang hàng” phát triển, đây là kênh huy động vốn tuyệt vời cho khởi nghiệp sáng tạo. Ngoài ra, tạo cơ chế, chính sách đơn giản như thủ tục thành lập, vận hành DN đơn giản. Đặc biệt, có sự hỗ trợ tốt hơn về nguồn vốn. Chính phủ không cấp vốn mà tạo ra vốn mồi, từ đó tạo nhiều dòng vốn khác để đầu tư vào.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, với khoảng 3.000 startup hiện nay, nếu trông chờ vào các quỹ đầu tư tài chính hiện đã có mặt trên thị trường Việt Nam (chỉ vài chục quỹ) thì sẽ rất khó để DN khởi nghiệp thu hút được vốn, nên cần một chính sách tổng thể để hỗ trợ DN startup thay vì cách kêu gọi vốn thông thường.

Theo Thời Báo kinh doanh