Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Cuộc “chơi lớn” của Be

Mong muốn lấn sân sang cả mảng giao đồ ăn với beFood. Tuy nhiên, chưa kịp ra đời mảng này đã bị Be dẹp từ “trong trứng nước”.

“Bếp chung” hay “nhà hàng ma” là giải pháp mà hầu hết các startup giao đồ ăn đang áp dụng hay lên kế hoạch thực hiện. Giải pháp này giúp tiết kiệm vốn đầu tư ban đầu vào nhà bếp và cả tiếp thị vốn chiếm tỷ trọng lớn trong kế hoạch kinh doanh của các quán ăn, nhà hàng.

Dẹp từ trong trứng nước

Trước sự màu mỡ đó, ứng dụng gọi xe Be tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển thêm dịch vụ giao đồ ăn beFood.

Sau khoảng 6 tháng thai nghén, dự án beFood đã bị dập tắt từ trong trứng nước.

Với tham vọng lớn, be “chơi lớn” khi mời Rohit Sharma – người chuyên lo về chiến lược vận hành của Swiggy, một trong hai startup lớn nhất Ấn Độ trong mảng giao đồ ăn – về để đánh trận beFood.

Cùng với đó là tuyên bố sẽ ra mắt bếp chung ngay từ ngày đầu. Phía đối tác (merchant) thì chọn cách đi khác biệt bằng cách chỉ hợp tác với những hàng quán có giấy phép kinh doanh và có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là chiến lược đáng khen trong thời cuộc thực phẩm bẩn nhan nhản, không biết đâu mà lần.

Tuy nhiên, sau khoảng 6 tháng thai nghén, cũng đã cho nhân viên kinh doanh ra quân thu hút merchant thì mới đây dự án beFood đã bị dập tắt từ trong trứng nước, đồng thời sa thải một loạt nhân viên của dự án này.

Trong một email rò rỉ của CEO Be Trần Thanh Hải gửi nhân viên, beFood cùng chung số phận với beFulfilment, buộc tạm ngưng để doanh nghiệp này tập trung vào các mảng cốt lõi: Ride-hailing (gọi xe)

Cuộc chiến cam go

Tương tự Ride-hailing, giao đồ ăn là một chiến trường ‘đốt tiền’ và chưa một ai thấy được điểm hòa vốn.

Báo cáo phân tích của Euromonitor cho thấy, thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam giá trị khoảng 33 triệu USD vào năm 2018 và dự báo sẽ đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020 với tốc độ tăng trưởng trung bình ở mức 11%/năm.

Trong miếng bánh màu mỡ ấy, nhiều tay chơi nhảy vào khai thác, từ Now (thuộc Foody), FoodPanda, Lala (thuộc Scommerce), Vietnammm, LoShip (thuộc Lozi), GrabFood đến Baemin (Hàn Quốc); và cũng không ít chiến binh đã dừng cuộc. Mặc dù được hậu thuẫn từ nhiều phía, dĩ nhiên vì những đơn vị khai thác mảng giao đồ ăn đều có nền tảng về vốn, công nghệ… song với một cuộc chiến ‘khô máu’ thì các bên phải thực sự sẵn sàng, đồng thời ‘cân đong đo đếm’ hiệu quả cho những lĩnh vực còn lại.

Từ câu chuyện beFood, nhìn lại thị trường giao đồ ăn Việt đã có không ít “nạn nhân” của trận chiến mà tiêu biểu là Lala, một dịch vụ của Scommerce, đã ngưng hoạt động vào tháng 2 năm nay. Vietnammm thì bán lại cho Woowa Brothers, đơn vị chủ quản của Baemin. Công cuộc đánh ngách như LoShip (chuyên trà sữa) cũng ‘chết’. Bức tranh “khô máu” khiến người còn trụ lại như Now, GrabFood cũng ‘ngập ngụa’ thua lỗ.

Với Foody, theo nguồn tin Deal Street Asia, tháng 9/2017 doanh nghiệp đã được SEA mua lại 82% vốn với giá 64 triệu USD. Trong đó, SEA mệnh danh là startup kỳ lân đầu tiên của Đông Nam Á với sản phẩm chính là game online, Shopee và Airpay. Năm 2016, SEA được định giá khoảng 3,75 tỷ USD, hiện đang niêm yết tại Mỹ.

Mặc dù được về đội mạnh, Now cũng phải thu hẹp và chấp nhận buông bỏ thị trường Indonesia. BCTC của Foody còn cho thấy khoản lỗ hơn 430 tỷ đồng trong năm 2018, gần 4 lần so với mức lỗ năm 2017 và hơn 10 lần so với năm 2016. Lỗ lũy kế đến cuối năm 2018 của doanh nghiệp này ở mức gần 612 tỷ đồng, trong khi năm 2016 – thời điểm trước khi bán cổ phần cho SEA – doanh nghiệp này mới lỗ lũy kế hơn 67 tỷ đồng.

Hay với Grab, thống kê nôm na đơn vị đến nay đã huy động được khoảng 8 tỷ USD, và mức chi tiêu đâu đó hết 6-7 tỷ USD. Cuối năm 2018, Grab ghi nhận khoản lỗ ròng gần ngàn tỷ đồng, tiếp tục tăng mạnh so với con số các năm trước.

Bên cạnh công cuộc ‘đốt tiền’ cạnh tranh để có thị phần, thói quen sử dụng tiền mặt của khách hàng Việt một mặt cũng tạo nên rào cản trong thị trường giao đồ ăn, giới quan sát ghi nhận. Các hãng đang phải cân đối rủi ro và sự hài lòng của khách hàng khi chấp nhận thanh toán COD – thanh toán tiền mặt khi nhận hàng. COD thực tế đang dẫn đến nhiều trường hợp ‘bùng hàng’ gây nhiều thiệt hại cho cả hãng cũng như tài xế; điển hình nhất là 3 vụ giao trà sữa qua GrabFood trị giá hàng triệu đồng/đơn đang gây dậy sóng dư luận tại Tp.HCM.

Các nhà phân tích nhận định rằng: “Một khi xây dựng thành công mô hình bếp chung, các dịch vụ giao đồ ăn có thể tăng doanh thu thần tốc bởi khách hàng có thể đặt nhiều món trong một đơn hàng, đồng thời không phải chờ quá lâu hoặc tốn nhiều lần tiền ship”.

Tuy nhiên, thị trường cạnh tranh luôn là thách thức đối với các ứng dụng gọi xe – Jeffrey Funk, nhà tư vấn công nghệ độc lập đồng thời là cựu phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) nhận định. Ông cũng nói rằng khi có những kẻ thất bại đã ra đi trước đó thì các hãng còn lại có cơ hội kiếm tiền. “Nhưng thật không dễ dàng cho các dịch vụ giao nhận đồ ăn có thể trở thành ‘con bò sữa’ kiếm tiền cho các công ty khởi nghiệp”.

Dịch vụ giao đồ ăn được đánh giá là thị trường hái ra tiền, “nhưng giới thiệu một dịch vụ mới không dễ dàng như trước bởi đã có nhiều đối thủ đã lớn mạnh trong mỗi dịch vụ trong các năm qua”, tờ Nikkei Asian Review trích dẫn ý kiến của nhà tư vấn Funk.

Theo DĐDN