Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

17 năm gầy dựng Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương

Ông Nguyễn Bá Dương rời ghế chủ tịch sau 17 năm đưa Coteccons từ bộ phận xây lắp thuộc công ty nhà nước thành doanh nghiệp đầu ngành xây dựng.

Ông Nguyễn Bá Dương vừa thông báo từ chức Chủ tịch và từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons từ ngày 2/10 vì lý do sức khỏe và muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Quyết định này đặt dấu chấm hết cho 17 năm đương nhiệm của ông Dương với tư cách “kiến trúc sư trưởng” và linh hồn của Coteccons.

Thế nhưng, đây không phải một quyết định bất ngờ. Nhiều luồng thông tin cho rằng dàn lãnh đạo Coteccons với cổ đông lớn Kustocem vẫn chưa thể hòa hợp sau mâu thuẫn nội bộ, dù chính ông Dương vài tháng trước khẳng định hai bên đã gác lại hiềm khích để bước sang chương mới. Coteccons trước đó cũng cho thấy đã sẵn sàng thực hiện một cuộc thay máu nhân sự quy mô lớn khi nhiều ghế lãnh đạo cấp cao, trong đó có Tổng giám đốc Nguyễn Sỹ Công và Phó Tổng giám đốc Trần Quang Quân, đổi chủ.

Đây đều là những người góp công lớn cùng ông Dương gầy dựng Coteccons từ bộ phận xây lắp của Công ty Kỹ thuật và Vật liệu xây dựng, thuộc Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 (FiCO) thành doanh nghiệp đầu ngành xây dựng như hiện nay. Thời điểm cổ phần hóa giữa năm 2004, công ty này chỉ có vốn điều lệ 15,2 tỷ đồng. Thông qua những đợt phát hành cổ phiếu thưởng và chào bán cho cổ đông chiến lược, đến cuối năm ngoái, con số này đã tăng gấp 50 lần.

Trong hồ sơ cán bộ chủ chốt Coteccons, ông Dương được giới thiệu là người mạnh mẽ, quyết đoán, có tầm nhìn rộng và đặc biệt coi trọng chữ tín. Điều này thể hiện đậm nét qua những quyết sách trong suốt thời gian điều hành doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Bá Dương tại phiên họp thường niên 2020. Ảnh: Quỳnh Trần.

Đơn cử như sau hai năm niêm yết trên sàn chứng khoán, Coteccons đề xuất cổ đông chấp thuận bán 24,7% cổ phần cho Kustocem để thu về 525 tỷ đồng. Phương án nhận nhiều ý kiến trái chiều bởi Coteccons thời điểm đó đã có vị thế ổn định trong ngành và không thiếu tiền mặt để mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, ông Dương lại khẳng định xem việc hợp tác chiến lược với nhà đầu tư nước ngoài là thành công và mở ra nhiều cơ hội, đặc biệt khi kinh tế khó khăn và thị trường chứng khoán lao dốc.

Quyết định này vẫn đúng trong những năm tiếp theo, bởi tiềm lực hai bên cộng lại giúp Coteccons duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 40% một năm giữa lúc các doanh nghiệp cùng ngành chật vật tìm lời giải cho bài toán tăng trưởng.

Thương hiệu nhà thầu xây dựng chuyên nghiệp và uy tín của ông Dương càng được củng cố trong giai đoạn này khi thắng nhiều hợp đồng giá trị vài nghìn tỷ như SC Vivo City, Masteri Thảo Điền, Landmark 81… Đỉnh điểm năm 2017, doanh thu công ty vượt trên 27.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lập kỷ lục 1.650 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính Coteccons cũng được giới phân tích đánh giá lành mạnh bậc nhất trong số những doanh nghiệp niêm yết vì nợ vay ngân hàng luôn bằng 0. Cổ đông nhiều lần đề nghị công ty vay vốn để tăng tốc nhanh hơn khi thị trường thuận lợi, nhưng ông Dương nhất mực không đồng ý bởi không muốn làm việc không công cho ngân hàng và hơn hết là giữ “truyền thống” của Coteccons suốt mấy chục năm.

Song, phát triển vũ bão sau khi bắt tay với Kustocem chỉ là một mặt của con dao hai lưỡi. Mặt còn lại được phác họa rõ hơn từ khoảng ba năm trở lại đây. Từ đối tác chiến lược với những lời khen dành cho nhau, ông Dương và Kustocem chuyển sang trạng thái đối đầu trực diện trước thềm đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay. Nhà đầu tư đến từ Singapore khẳng định không thể tiếp tục đặt niềm tin vào hội đồng quản trị và yêu cầu họ từ chức khỏi tất cả vị trí trong Coteccons.

Khởi nguồn cho sự việc này đến từ một quyết định khác của ông Dương, đó là phát triển hệ sinh thái Coteccons Group với nhiều công ty liên quan như Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, Boho Décor… Ông Dương không công khai sở hữu cổ phần tại những công ty này, nhưng người thân như vợ, em ruột, em rể lại là cổ đông sáng lập. Tất cả cũng có thời gian dài đặt trụ sở văn phòng tại tòa nhà Coteccons.

Kustocem lo ngại vấn đề xung đột lợi ích và quyền lợi không hoàn toàn thuộc về cổ đông của Coteccons. Đơn cử như thành viên trong ban lãnh đạo Coteccons nắm giữ đồng thời chức Chủ tịch và người đại diện pháp luật tại Ricons. Ngoài tư cách nhà thầu phụ thì doanh nghiệp này lại là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong lĩnh vực tổng thầu, thiết kế và thi công cùng phân khúc.

Điều này đặt ra câu hỏi, ông Dương chọn công ty đấu thầu cho dự án ra sao khi họ đồng thời quản lý cả hai doanh nghiệp cạnh tranh trực tiếp; cũng như việc phân bổ lợi nhuận cho từng bên trong các hợp đồng thế nào.

“Khoảng cách địa lý, bất đồng văn hoá và quan điểm quản trị của các cổ đông lớn và Hội đồng quản trị khác nhau là nguyên nhân dẫn đến những lùm xùm vừa qua”, ông Dương chia sẻ vào cuối tháng 6. Ông cũng thừa nhận lỗi này thuộc về hội đồng quản trị, đồng thời khẳng định sẽ làm việc một cách rõ ràng và minh bạch với các cổ đông lớn để vực dậy công ty.

Coteccons, trong hồ sơ năng lực công bố đầu năm nay, đặt kỳ vọng kiến thiết doanh nghiệp trở thành tập đoàn xây dựng đẳng cấp quốc tế, đồng thời là một tập đoàn kinh tế tiêu biểu của Việt Nam. Tuy nhiên, khi “kiến trúc sư trưởng” rời đi, tính khả thi của công trình đồ sộ này đang trở thành dấu hỏi lớn hơn cả sự hoài nghi về sự hòa hợp của ông Dương và Kustocem trước đó.

Theo VNE