Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

04 kỹ năng để tạo ấn tượng trong kinh doanh cũng như xã hội

Đối với môi trường kinh doanh cũng như xã hội, ấn tượng tốt đẹp ngay lần đầu gặp gỡ là điều tối quan trọng. Tuy nhiên, để lọt vào “mắt xanh” trong lần đầu đối thoại không phải việc dễ dàng.

Dưới đây là 4 bí quyết giao tiếp giúp bạn tạo ấn tượng ban đầu tuyệt vời, nâng cao hiệu quả giao tiếp.

1. Sử dụng đôi tay

Người ta đã tiến hành quan sát điệu bộ, giọng nói cũng như đếm số lần sử dụng động tác tay của các diễn giả trên TED và đi đến kết quả kinh ngạc: Những video có người trình bày thường xuyên sử dụng “ngôn ngữ đôi tay” luôn có số người xem cao nhất. Trung bình, các diễn giả thu hút lượng view lớn sử dụng khoảng 465 động tác tay khác nhau, gấp 1,5 lần những người trình bày thiếu sự lôi cuốn với vỏn vẹn 272 cử chỉ. Các “siêu sao” của TED như Temple Grandin, Simon Sinek và Jane McGonigal “giao tiếp” với khán giả thông qua đôi tay tới hơn 600 lần chỉ trong 18 phút.

Sự mầu nhiệm mang tên “ngôn ngữ đôi tay” này không chỉ có trong các bài nói chuyện của TED. Cách đây hơn 30 năm, một nhóm các nhà nghiên cứu gồm Robert Gifford, Cheuk Fan Ng và Margaret Wilkinson đã phát hiện ra rằng các ứng viên thường xuyên sử dụng cử chỉ tay có cơ hội được lựa chọn cao hơn trước nhà tuyển dụng.

Lý giải cho điều này như sau: bàn tay thể hiện ý định của người nói. Thuở sơ khai, người tối cổ xác định ý muốn của đối phương qua việc quan sát bàn tay: Người đến có cầm theo đá, lao để tấn công hay biểu hiện “địch ý” không? Ngày hôm nay, dù chúng ta không phải dè chừng nhau như vậy, nhưng cơ chế sinh tồn này vẫn tồn tại tiềm ẩn.

Khi đối phương thấy rõ bàn tay của bạn, họ sẽ cảm thấy thoải mái và mong muốn kết giao. Thế nên, để lộ bàn tay và thường xuyên sử dụng chúng khi nói chuyện là cách dễ nhất cũng như hiệu quả nhất để tạo ấn tượng ban đầu tuyệt vời. Hãy tránh đút tay vào túi quần. Túi quần, ví, laptop hay bất cứ vật gì che khuất đôi tay đều là “sát nhân” của các mối quan hệ.

Cũng đừng bao giờ bỏ qua cái bắt tay. Khi tiếp xúc với “da thịt” của người khác, cơ thể chúng ta sản sinh ra chất hoá học có tên là oxytocin. Với công dụng củng cố lòng tin, oxytocin còn được mệnh danh là hormone của sự kết nối. Trong một thí nghiệm, nhà nghiên cứu Paul Zak thậm chí có thể thao túng lòng tin của người tham gia bằng cách cho họ một liều oxytocin. Dưới đây là 3 điểm cần lưu ý cho một cái bắt tay hoàn hảo, đảm bảo kích hoạt oxytocin.

Giữ tay khô: Không còn gì tệ hơn khi nắm một bàn tay sũng nước. Nếu phải cầm ly uống rượu, hãy quấn khăn xung quanh. Mặt trong của khăn sẽ thấm nước, còn mặt ngoài để bạn lau tay.

Giữ tay thẳng: Lòng bàn tay ngửa thể hiện sự yếu đuối hoặc thái độ phục tùng người đối diện. Còn nếu bắt tay với lòng bàn tay úp, vô hình trung bạn đã đẩy đối phương vào thế “quy phục” bạn. Thế nên, hãy giữ tay thẳng!

Mạnh vừa đủ: Giống như khi chọn trái cây, bạn cần nắn nhẹ để cảm nhận độ săn. Khi bắt tay, hãy nắm tay đối phương đến khi cảm nhận được cơ tay của họ là đủ. Một cái bắt tay èo uột, thiếu lực là dấu chấm hết ngay những giây đầu.

2. Dáng vẻ của người chiến thắng

Chìa khoá thành công cho ấn tượng ban đầu nằm ở sự tự tin. Con người có khuynh hướng gắn kết cũng như bị dẫn dắt, lôi cuốn bởi sự tự tin. Đối phương hay nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ dò xét mức độ tự tin của bạn chỉ ngay sau vài giây gặp gỡ. Thế nên, hãy có dáng vẻ thật tự tin và phong thái của người chiến thắng.

Vậy, một người thành công có dáng vẻ như thế nào? Hai nhà khoa học Jessica Tracy và David Matsumoto đã tiến hành quan sát hành vi của các vận động viên Olympic khi chiến thắng cũng như lúc thua cuộc để trả lời cho câu hỏi này. Sau quá trình nghiên cứu, cả hai đã kết luận: Bất kể văn hoá và hoàn cảnh, hành vi của các vận động viên, mà cụ thể là tư thế của họ khi chiến thắng hay thất bại đều như nhau. Tư thế điển hình của một người chiến thắng bao gồm các hành động: tay giơ cao, ngực ưỡn rộng và đầu ngẩng cao. Trong khi đó, kẻ thất bại lúc nào cũng cúi sấp mặt, vai chùng xuống và tay ôm chặt hai bên thân người.

Thông qua những hành vi vô thức của các vận động viên, nghiên cứu đã khẳng định việc cơ thể người được lập trình sẵn cách thức thể hiện chiến thắng và thất bại như thế nào. Để tạo ấn tượng tốt, nhất thiết phải có dáng vẻ tự tin của người chiến thắng. Dưới đây là bí quyết cho một dáng đứng tối ưu và phù hợp với môi trường xã hội.

Giữ lưng thẳng, đặt vai thấp và ép về sau. Việc này sẽ khiến cho lồng ngực bạn mở rộng. Hãy để đầu hơi ngẩng một chút nhưng tuyệt đối không hất cằm quá cao. Tạo không gian vừa đủ giữa hai tay với cơ thể và xin đặc biệt lưu ý: không cho tay vào túi quần!

Bên cạnh đó, theo tiến sĩ Lillian Glass, chuyên gia ngôn ngữ cơ thể, cũng có 6 điều cần lưu ý về dáng điệu.

1. Ngưng “động đậy”: Các hành vi như gõ ngón tay, rung đùi, dậm chân… cần phải được loại bỏ ngay lập tức. Chúng là dấu hiệu cho sự thiếu thoải mái và mất an toàn, khiến đối phương “ngại” bắt chuyện với bạn.

2. Hãy nghiêng người về trước: Hành động ngả người ra xa khi đang nói chuyện đồng nghĩa với “Tôi không muốn nói chuyện với anh/ chị”. Thay vào đó, hãy nghiêng người về phía đối phương để bộc lộ sự quan tâm cuộc đối thoại.

3. Hãy chú ý nét mặt: Khi bồn chồn hay nói dối, hệ thần kinh sẽ quá tải và gây ra cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Các hành vi như vuốt sóng mũi, gãi má hay đầu có thể biểu lộ sự lừa dối. Trong khi hành động ngậm và cắn bút có thể khiến người khác cảm thấy bị phán xét.

4. Chớp mắt: Khi lo lắng, con người chớp mắt nhiều hơn bình thường. Bà Glass nói: “Khi ấy, các dây thần kinh nhận tín hiệu liên tục, tiềm thức hoạt động mạnh hơn và mắt chớp nhiều hơn”.

5. Tránh xa “vùng phía dưới”: Chúng ta thường che vùng kín của bản thân trong vô thức khi đứng dậy. Bà Glass cho hay: “Đây là điều dễ hiểu vì bản năng con người là bảo vệ những vùng dễ bị tổn thương nhất”. Thế nhưng, làm vậy sẽ khiến dáng đứng của bạn không được “thuận mắt” và trông vô cùng kỳ cục.

6. Tránh quơ tay lung tung: Vị nữ tiến sĩ nói thêm: “Đôi khi, bạn sẽ gặp phải trường hợp bản thân quơ tay lung tung do không biết cách sử dụng cử chỉ phù hợp. Đừng nên quá cứng nhắc trong các chuyển động tay mà hãy tìm cho mình một nhịp điệu riêng, thả lỏng cổ và khuỷu tay một chút. Khi tìm được nhịp độ riêng, bạn sẽ lại làm chủ cuộc nói chuyện”.

3. Nhìn thẳng vào mắt đối phương

Sau khi đã thể hiện sự tự tin thông qua dáng vẻ, hãy thiết lập cảm giác tin tưởng và đồng cảm với đối phương bằng cách nhìn thẳng vào mắt họ. Một đoạn clip mang tên “The World’s Biggest Eye Contact Experiment” ghi lại thí nghiệm của Jae West cùng đội của cô thuộc tổ chức Liberators International đã cho thấy quyền năng đáng kinh ngạc của việc giao tiếp qua ánh mắt, cho thấy việc nhìn thẳng vào mắt đối phương là một bí quyết giao tiếp hiệu quả.

Hơn 100.000 người ở 150 thành phố khác nhau đã tham gia và được yêu cầu nhìn thẳng vào mắt người lần đầu tiên mình gặp mặt trong vòng 1 phút. Kết quả thật đáng kinh ngạc: Sau khi hết thời gian, những người vốn xa lạ rưng rưng nước mắt, ôm chầm lấy nhau và thảy đều xúc động.

Giống như cái bắt tay gắn liền với sự kết nối, cơ thể chúng ta cũng được lập trình để cảm nhận một ánh nhìn trực tiếp chứa đầy thiện cảm. Đơn giản, khi thích ai đó, ắt hẳn chúng ta sẽ nhìn họ nhiều hơn. Ngôn ngữ đôi mắt, khi được sử dụng đúng lúc và vừa phải, chắc chắn sẽ ghi điểm tuyệt đối cho ấn tượng ban đầu của bạn. Chuyên gia ngôn ngữ cơ thể Barbara and Allan Pease khuyên: “Tối ưu nhất, hãy nhìn vào mắt đối phương từ 60% đến 70% thời gian cuộc đối thoại”. Thấp hơn 60%, bạn trông như đang lo lắng hoặc e dè, trong khi hơn 70% lại đem đến cảm giác khó chịu.

03 lưu ý để hoàn thiện kỹ năng nhìn vào mắt đối phương:

Hãy định hướng ánh nhìn: Việc sử dụng những từ chuyển tiếp, khoảng ngắt ngắn hay các cử chỉ ra hiệu trước khi trao đổi ánh nhìn sẽ giúp đôi bên có khoảng thời gian giao tiếp bằng mắt tốt hơn.

Thời gian tối ưu: Những nghiên cứu đã chỉ ra, nhìn chằm chằm vào mắt đối phương hơn 3 giây liên tục sẽ tạo cảm giác khó chịu. Đồng thời, người nghe sẽ cảm thấy e dè và ngại ngùng trước những gì bạn trình bày.

Hãy có khoảng nghỉ: Theo một nghiên cứu năm 2016, thị lực và ngôn ngữ do cùng một vùng não đảm nhận. Có nghĩa, duy trì ánh mắt quá lâu có thể khiến bạn lẫn lộn trong cách dùng từ.

4. Không nói theo kịch bản viết sẵn

Các câu hỏi được chuẩn bị trước thường rập khuôn, nhạt nhẽo và chẳng khiến người nghe bận tâm. Một cuộc nói chuyện thú vị nhất thiết phải có điểm nhấn tạo cảm hứng. Nhà sinh vật học phân tử John Medina cho biết, sự thích thú khi đối thoại được não đánh dấu bằng dopamine, chất dẫn truyền thần kinh tiết ra khi có khoái cảm.

Bên cạnh đó, dopamine cũng giúp duy trì trí nhớ dài hạn; đồng nghĩa: nếu biết cách kích hoạt dopamine, bạn chắc chắn nắm trong tay ấn tượng ban đầu tuyệt vời và dài lâu. Hãy hỏi những câu hỏi gợi mở, giới thiệu chủ đề mới hoặc kích thích thảo luận. Nên tránh những câu hỏi cụt, chỉ khiến người nghe cung cấp thông tin một lần rồi thôi như: “Nhà anh/ chị ở đâu?”, “Bạn khoẻ không?” v.v…

Trong một khảo sát năm 2016 của Mercy Corps, 300 người tham gia đã được bắt cặp ngẫu nhiên và nhận các câu hỏi sau:

1. Hãy kể tôi nghe về bạn xem?

2. Bạn khoẻ không?

3. Hôm nay bạn có gì nổi bật không?

4. Bạn làm nghề gì?

5. Đã có khoảnh khắc tuyệt vời nào xảy đến trong đời bạn chưa?

6. Điều gì khiến bạn đến đây?

7. Bạn có đang theo đuổi đam mê nào không?

Các người tham gia được yêu cầu chọn ngẫu nhiên câu hỏi và nói chuyện với đối phương dưới hình thức hẹn hò giả định trong vòng 3 phút. Sau khi hết thời gian, cả hai sẽ đánh giá mức độ hấp dẫn của câu hỏi từ thấp đến cao. Đây là kết quả theo thứ tự từ nhàm chán nhất cho đến hấp dẫn nhất: 1. Bạn khoẻ không? 2. Bạn làm nghề gì? 3. Điều gì khiến bạn đến đây? 4. Hãy kể tôi nghe về bạn xem? 5. Đã có khoảnh khắc tuyệt vời nào xảy đến trong đời bạn chưa? 6. Bạn có đang theo đuổi đam mê nào không? 7. Hôm nay bạn có gì nổi bật không?

Có thể thấy, những câu hỏi được đánh giá nhàm chán nhất lại thường được sử dụng nhiều nhất. Đơn giản, vì chúng ta ỷ lại vào kịch bản đã soạn sẵn và cứ dùng mãi những câu mở đầu nhạt thếch để yên vị trong “vùng an toàn”. Tuy nhiên, đã là “vùng an toàn” thì không có điểm nhấn hào hứng.

Tất cả những bí quyết trên đều hướng đến một mục tiêu chung: Khi gặp một người lạ, hãy quyết định xem bạn có muốn họ bước vào cuộc đời mình hay không. Ấn tượng đầu tiên là cơ chế sinh tồn thiết yếu, là cách mà bản năng phản ứng với kích thích bên ngoài để mách bảo về quyết định đi hay ở. Nếu bạn muốn người đó ở lại, hãy lấy lòng họ. Sử dụng đôi tay, nhìn thẳng vào mắt đối phương, mang dáng vẻ của người thắng cuộc và tránh dùng những lời mở đầu sáo mòn là tất cả những gì bạn cần để biến người quen thành bạn bè cũng như khách hàng triển vọng thành khách hàng thân thiết.

Ý Nhi

Theo Entrepreneur